Ăn tiết canh lấy “đỏ”, bỏ mạng

22-02-2013 10:33 | Thời sự
google news

Sau Tết, nhiều người có thói quen tìm ăn tiết canh để lấy “đỏ”. Song may mắn chưa thấy đâu, không ít người phải nhập viện cấp cứu, thậm chí đã có 2 ca tử vong.

Sau Tết, nhiều người có thói quen tìm ăn tiết canh để lấy “đỏ”. Song may mắn chưa thấy đâu, không ít người phải nhập viện cấp cứu, thậm chí đã có 2 ca tử vong.
 
Ăn tiết canh lấy “đỏ”, bỏ mạng 1
 Biểu hiện của một bệnh nhân bị liên cầu khuẩn lợn
Bệnh liên cầu khuẩn tăng đột biến


Bệnh nhân N.V.T ở Thanh Hóa hiện vẫn đang điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, sau khi được chuyển đến đây cấp cứu gần 1 tuần trước trong tình trạng khá nguy kịch do ngộ độc thức ăn. Theo lời bệnh nhân này, ngày làm việc đầu năm, anh có rủ bạn bè đi ăn tiết canh để lấy “đỏ”, đây cũng là thói quen mà anh đã duy trì nhiều năm nay. Tuy nhiên, sau khi ăn tiết canh về anh bị sốt cao đột ngột kèm theo đi ngoài nhiều ngày. Khi vào viện, qua điều trị anh dần hồi tỉnh nhưng lại xuất hiện nhiều ban xuất huyết hoại tử trên người. Những nốt ban này lan rộng rất nhanh, từ chân rồi đến đầu, sau đó xuất hiện những triệu chứng của viêm màng não, buồn nôn. Các bác sĩ kết luận, anh bị liên cầu khuẩn lợn do ăn tiết canh.

Chỉ tính từ đầu năm 2013 đến nay, đặc biệt trong 10 ngày trước và sau Tết Nguyên đán vừa qua, số bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn vào điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương tăng đột biến. Thống kê của BV cho thấy, BV đã tiếp nhận điều trị 16 trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn lợn, riêng trong 10 ngày Tết có 9 trường hợp nhập viện. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu – BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, trong 9 ca bệnh nhiễm liên cầu lợn nhập viện dịp Tết thì có 5 ca bị viêm màng não mủ, 4 ca nhiễm trùng huyết. Quá nửa các bệnh nhân này mắc bệnh do liên quan trực tiếp đến ăn tiết canh, giết mổ lợn và ăn các sản phẩm chưa được nấu chín từ lợn. Đây là điều mà các bác sĩ của BV đã tiên lượng trước bởi thông thường vào thời điểm này hàng năm, số bệnh nhân mắc liên cầu lợn luôn tăng. Lý do vì tại các địa phương ở miền Bắc, người dân có thói quen mổ thịt lợn ăn Tết và khi giết lợn hầu như gia đình nào cũng phải tận dụng chế biến món tiết canh.

Đáng ngại hơn, đã có 2 trường hợp bị liên cầu khuẩn lợn từ đầu năm đến nay bị tử vong do nhiễm trùng huyết quá nặng, gây sốc nhiễm trùng, bằng với số ca tử vong do liên cầu khuẩn trên cả nước trong cả năm 2012. Bác sĩ Cấp cho biết, 2 trường hợp tử vong là nam giới, 1 ở huyện Ý Yên và 1 ở huyện Vụ Bản của tỉnh Nam Định. Cả 2 trường hợp này đều đã nhiều lần ăn tiết canh và có tiền sử nghiện rượu nên khi mắc, diễn biến bệnh rất nặng, tiến triển rất nhanh.

Họa vào từ miệng

Tiết canh là món ăn tươi sống, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ dịch bệnh, song với nhiều người đây vẫn là một món ăn khoái khẩu. Rất nhiều người còn có thái độ chủ quan, bất chấp nguy cơ, nguy hiểm không chịu từ bỏ món ăn khoái khẩu này. Thậm chí, có cả những bệnh nhân từng phải nhập viện do ăn tiết canh lợn nhưng chỉ sau một thời gian lại tiếp tục ăn tiết canh. Tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, các bác sĩ từng chứng kiến không ít trường hợp nhập viện đến 2, 3 lần do nhiễm liên cầu khuẩn lợn mà lý do vẫn bởi ăn tiết canh lợn.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp phân tích, trong tiết canh sống tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm, từ tiêu chảy, tả lỵ, liên cầu… Trong đó nguy hiểm nhất là bệnh liên cầu khuẩn bởi bệnh rất dễ gây biến chứng viêm màng não (thường gây 2 thể viêm màng não phổ biến là viêm màng não mủ và nhiễm trùng huyết). Một bệnh nhân bị bệnh liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất 3 tuần, có những bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết phải điều trị đến 2 tháng, với chi phí hàng trăm triệu đồng, tùy thuộc di chứng nặng hay nhẹ. Nguy hiểm hơn, bệnh liên cầu khuẩn diễn biến rất nhanh nên nếu cấp cứu muộn cơ hội cứu chữa rất thấp. Không những thế, căn bệnh này còn để lại nhiều di chứng, có khoảng 40% bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn có biểu hiện giảm thính lực…

Các bác sĩ cảnh báo để phòng bệnh liên cầu lợn, người dân không nên giết mổ, chế biến và ăn các sản phẩm từ lợn ốm, chết. Khi tiếp xúc với lợn ốm cần có các dụng cụ phòng hộ như đeo khẩu trang, găng tay. Tuyệt đối không ăn thịt lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh, nội tạng lợn chưa nấu chín.ư
 
Theo An ninh Thủ đô

Ý kiến của bạn