Chế độ ăn thực phẩm thô chứa nhiều loại thực phẩm mà bạn có thể quen thuộc và cân nhắc lựa chọn bổ dưỡng, bao gồm trái cây, rau, quả hạch, hạt, các loại đậu nảy mầm, ngũ cốc nảy mầm và thực phẩm lên men.
1. Ăn thô giảm cân trào lưu thu hút nhiều người
Trên các trang mạng xã hội, có rất nhiều chia sẻ của những người thực hiện chế độ ăn thô với mục đích tự chữa lành hoặc để giảm cân nhanh chóng. Những người có chế độ ăn chủ yếu là thực phẩm thô tin rằng cách ăn này giúp cải thiện sức sống và năng lượng, cũng như làm giảm tác động của việc sản xuất thực phẩm đối với môi trường. Họ cho rằng nấu ăn phá hủy các enzym và chất dinh dưỡng tự nhiên của thực phẩm. Bởi vì sự lựa chọn thực phẩm rất hạn chế, hầu hết những người ăn kiêng thực phẩm thô chỉ tiêu thụ khoảng một nửa lượng calo mà họ sẽ nhận được nếu thức ăn của họ được nấu chín.
Chị N.T.H ở Tây Hồ, Hà Nội theo trường phái thứ nhất, ăn thuần chay không có động vật. Trước đó, chị H. cảm thấy sức khỏe kém hơn trước sau khi mắc COVID-19, tóc rụng nhiều, mệt mỏi khi thay đổi thời tiết… nên thay đổi chế độ ăn để khỏe mạnh hơn. Sau một tháng thực hiện, chị H. giảm tới 7kg. Chị cho biết cơ thể có cảm giác nhẹ nhàng hơn sau khi ăn theo chế độ thô. Tuy nhiên chị hay cảm thấy đói, choáng váng, da sạm đen…
Chị B.K.N ở Lý Nhân, Hà Nam thì không ăn thô hoàn toàn mà áp dụng tỷ lệ thô 60% theo kiểu thuần chay, kết hợp 35% thức ăn chay và 5% thức ăn mặn đã qua chế biến. Chị nhận thấy cơ thể hấp thu tốt hơn, người cũng nhẹ nhàng, tinh thần thì vui tươi, thoải mái.
2. Ưu điểm của chế độ ăn thực phẩm thô
Những lợi ích của chế độ ăn uống thực phẩm thô có liên quan đến loại thực phẩm mà chế độ ăn kiêng khuyến nghị. Tuy nhiên, những lợi ích này có thể đạt được bằng cách kết hợp những thực phẩm này vào một chế độ ăn uống cân bằng bao gồm tất cả các nhóm thực phẩm. Có những ưu điểm của chế độ ăn thực phẩm thô, nhưng chúng có thể không đáng có với những rủi ro sức khỏe.
Ưu tiên thực phẩm chưa qua chế biến: Chế độ ăn thực phẩm thô khuyến khích ăn thực phẩm chưa qua chế biến, có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường type 2 và suy giảm nhận thức.
Ít đường bổ sung: Một chế độ ăn uống thực phẩm thô có thể có nhiều đường tự nhiên từ trái cây nhưng có thể ít đường bổ sung thường có trong thực phẩm chế biến. Chính vì vậy, những người theo chế độ ăn thực phẩm thô có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến việc tiêu thụ nhiều đường bổ sung, chẳng hạn như béo phì, bệnh tim, đái tháo đường và bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
Chứa nhiều chất xơ: Những thực phẩm chủ yếu trong chế độ ăn uống thực phẩm thô, như trái cây, rau, quả hạch, hạt, ngũ cốc và các loại đậu có nhiều chất xơ. Chế độ ăn giàu chất xơ có liên quan đến tiêu hóa khỏe mạnh và giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, tăng huyết áp và một số bệnh ung thư.
Ít natri: Chế độ ăn uống thực phẩm thô không phải là nguồn cung cấp natri đáng kể. Chế độ ăn ít muối có thể giúp giảm nguy cơ tăng huyết áp, suy tim và bệnh thận mạn tính.
3. Dễ gây mất cân bằng dinh dưỡng
Phần lớn thực phẩm được tiêu thụ theo chế độ ăn thô là trái cây và rau quả. Những thực phẩm này có xu hướng ít calo. Khi lượng calo không được đáp ứng, cơ thể sẽ rất khó đạt được mục tiêu dinh dưỡng. Chế độ ăn uống cũng loại bỏ các nhóm thực phẩm như sữa và hầu hết các loại protein. Một số biến thể của chế độ ăn thực phẩm thô làm giảm hoặc loại bỏ việc tiêu thụ muối và dầu, giảm lượng natri thiết yếu và chất béo lành mạnh trong chế độ ăn. Chính vì vậy, nếu áp dụng chế độ ăn thô lâu dài dễ dẫn đến tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng.
BSCKII. Đỗ Thị Ngọc Diệp (Hội Dinh dưỡng Việt Nam) cho biết, hiện chưa có nghiên cứu nào ghi nhận về chế độ ăn thô. Tương tự eat clean (chế độ ăn kiểm soát năng lượng) và keto (chế độ ăn giàu chất béo, ít tinh bột và có lượng protein vừa phải), ăn thô được xem là "một thuật ngữ không khoa học".
Muốn có một cơ thể khỏe mạnh cần cung cấp một chế độ dinh dưỡng đúng và đầy đủ bao gồm chất đạm, chất béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất. Nếu áp dụng chế độ ăn kiêng, giảm cân thiếu khoa học bằng cách cắt giảm một trong những nhóm thực phẩm nêu trên sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, hạ đường huyết, ngất xỉu... Ngoài ra còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy lâu dài như cơ thể thiếu hụt vitamin, khoáng chất hay ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tinh thần.
Mặc dù các loại trái cây hay rau xanh đều tốt cho sức khỏe vì cung cấp nhiều chất xơ, vitamin… nhưng nếu ăn kéo dài với số lượng lớn thì có thể gây ra những tác dụng phụ. Nếu ăn quá nhiều quả có màu đỏ, vàng như cà rốt, ớt, bí đỏ... có thể bị vàng da. Bên cạnh đó, ăn thô dễ giảm chất lượng cơ bắp và xương vì bổ sung ít protein, đồng thời tăng tỷ lệ sâu răng vì tiêu hóa nhiều đường trái cây.
Một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cung cấp năng lượng cho hoạt động của một người trong một ngày bao gồm 45-65% carbonhydrate, 20-35% lipid, 10-15% protein cùng với các vitamin, chất khoáng khác. Nên cân nhắc lựa chọn thực phẩm và ăn theo một thực đơn phù hợp để tránh cơ thể thiếu chất dinh dưỡng. Nếu muốn áp dụng ăn thô cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng với thực đơn và thời gian áp dụng phù hợp.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Ăn cá hồi có giúp giảm cân?