Nhiều ca ngộ độc do ăn thịt cóc
Như báo Sức khỏe&Đời sống đã đưa tin, ngày 19/10/2022, trên địa bàn xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An ghi nhận 1 vụ ngộ độc thực phẩm nghi do độc tố tự nhiên có trong trứng cóc làm 3 người mắc, không có trường hợp tử vong.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu, sáng ngày 19/10/2022, ông L.V.T có bắt được 02 con lươn và 01 bọc trứng (nghĩ là trứng ếch) nên đưa về chế biến và nấu canh cho mình và 02 con ăn; sau khi ăn 30 phút cả 03 người đều bị ngộ độc với các triệu chứng như: đau đầu, chóng mặt, nôn, đi ngoài và được đưa đến cơ sở y tế để cấp cứu, điều trị.
Qua kết quả điều tra, lời kể của bệnh nhân và các triệu chứng, các bác sĩ nghĩ nhiều đến ngộ độc nghi do ăn nhầm trứng cóc. Nhờ được xử lý hồi sức cấp cứu kịp thời nên đến tối ngày 20/10/2022 tình trạng sức khỏe 03 bệnh nhân đã ổn định.
Còn trước đó, năm 2017 trên địa bàn huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đã ghi nhận có 02 trường hợp ăn thịt cóc và đã tử vong. Năm 2020 tại huyện Tân Kỳ (Nghệ An) có 03 cháu nhỏ bắt con cóc trong khuôn viên sân nhà để nướng ăn, sau đó bị ngộ độc, rất may là được cấp cứu kịp thời nên đã không dẫn đến tử vong.
Ngộ độc do độc tố cóc tiên lượng nặng, tỷ lệ tử vong rất cao
Theo Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, bên cạnh những lợi ích về sức khoẻ thì thịt cóc cũng có những nguy cơ rất lớn đe dọa đến sức khỏe và tính mạng. Một trong những nguy cơ đó là ngộ độc do ăn thịt cóc bị nhiễm độc tố (do nhựa cóc, gan, mật bị dập nát dính trên thịt cóc) và có trường hợp do ăn gan, trứng cóc.
Triệu chứng ngộ độc độc tố cóc biểu hiện cấp tính, xuất hiện từ 1 - 2 giờ sau khi ăn (có thể sớm hơn nếu uống rượu, bia) với các biểu hiện: bị chướng bụng, đau bụng trên rốn kèm theo nôn mửa dữ dội, có thể bị tiêu chảy; hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, sau đó loạn nhịp tim, rung thất, block nhĩ - thất, trụy tim mạch, huyết áp lúc đầu cao sau đó tụt; rối loạn cảm giác (đau như kim chích ở đầu ngón tay, chân, tê môi), chóng mặt, ảo giác, vã mồ hôi lạnh, tăng tiết nước bọt, có thể khó thở, ngừng thở, ngừng tim; bí đái, thiểu niệu, vô niệu và nặng dẫn đến suy thận cấp.
Nếu nhựa cóc bắn dính vào trực tiếp niêm mạc mắt xuất hiện bỏng rát, phù nề niêm mạc... Ngộ độc do độc tố có trong cóc tiên lượng rất nặng, tỷ lệ tử vong rất cao nên cần phát hiện sớm, sơ cứu, cấp cứu kịp thời ở những trung tâm y tế mới có hiệu quả.
Loại thịt cóc ra khỏi nguồn thực phẩm
Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do độc tố trong cóc, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An khuyến cáo: An toàn nhất là loại bỏ thịt cóc ra khỏi nguồn thực phẩm, không ăn thịt cóc và sản phẩm tự chế biến từ cóc.
Nếu có sử dụng, chỉ sử dụng những sản phẩm của cóc đã qua chế biến dưới dạng thực phẩm, thuốc đã được các cơ quan chức năng cho phép lưu hành.
Tuyệt đối không được vớt trứng cóc hoặc các sản phẩm nội tạng động vật (không rõ loại) ở các ao, hồ, sông ngòi,… về sử dụng làm thực phẩm.
Nếu phát hiện có dấu hiệu ngộ độc cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức phòng ngừa ngộ độc do các độc tố tự nhiên trong thực phẩm, đặc biệt khuyến cáo người dân tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng các động vật, thực vật lạ có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ quả lạ, côn trùng lạ, cóc, cá nóc,...
Chú trọng tuyên truyền bằng nhiều hình thức như trên hệ thống phát thanh của địa phương, tờ rơi, áp phích, phối hợp với các cơ sở giáo dục đưa vào chương trình học ngoại khóa cho học sinh, sử dụng hình thức tuyên truyền bằng cả tiếng tiếng dân tộc để người dân vùng sâu vùng xa dễ tiếp cận để chủ động phòng ngừa ngộ độc do độc tố tự nhiên.