Thông tin từ Chi cục An toàn Thực phẩm tỉnh Đắk Lắk, ngày 14/10, bà H’lan Niê (47 tuổi) cùng hai con là H’Nin Niê (30 tuổi) và Y Bil Niê (19 tuổi) bắt một số con cóc làm thịt ăn (trước đó ba người đã ăn nhiều lần). Tuy nhiên, lần này trong lúc làm thịt cóc, người mẹ đã không làm kỹ, để trứng cóc lẫn vào thịt.Chỉ 30 phút sau khi ăn thịt cóc, triệu chứng ngộ độc xuất hiện ở cùng 3 người.
Trước tình huống nguy cấp, 3 mẹ con bà H’lan Niê đã được gia đình đưa đến BV. Thị xã Buôn Hồ để điều trị, sau đó chuyển đến BV Đa khoa vùng Tây Nguyên để tiếp tục theo dõi. Theo báo cáo từ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BV Đa khoa vùng Tây Nguyên, may mắn sau hơn 1 ngày cấp cứu, sức khỏe các bệnh nhân bị ngộ độc thịt cóc đã tạm ổn.
Đây không phải là trường hợp duy nhất ngộ độc thịt cóc nhập viện dù ngành y tế vẫn thường xuyên cảnh báo.Trước đó, vào tháng 5/2018, Khoa Cấp cứu chống độc, BV. Nhi Trung ương tiếp nhận bệnh nhi 11 tuổi ở Hòa Bình bị ngộ độc nặng do ăn thịt cóc. Chị gái sinh đôi của bé do ăn nhiều và ngộ độc nặng hơn nên đã không qua khỏi.
Phụ huynh của các bé kể, vợ chồng anh đi làm ăn xa, hai con gái ở nhà rủ nhau đi bắt cua và có bắt được một con cóc rồi mang về tự nấu cho nhau ăn. Sau khi ăn khoảng 2 giờ cả hai chị em cùng nôn liên tục, mê li bì và được gia đình chuyển ngay vào BV huyện rồi tiếp tục được chuyển đến BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Bé gái được đưa đến BV. Nhi Trung ương trong tình trạng buồn nôn nhiều, mê li bì, chân tay lạnh, rối loạn nhịp tim, huyết áp hạ. Các bác sĩ xác định bé bị ngộ độc do ăn thịt cóc có biến chứng rối loạn nhịp tim và đã tiến hành cấp cứu, làm các xét nghiệm cần thiết. Phải mất 48 giờ điều trị, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi mới cải thiện.
6 tháng sau khi xảy ra vụ ngộ độc gây tử vong ở Hòa Bình, đến tháng 11/2018, tỉnh Gia Lai liên tục ghi nhận 4 trường hợp ngộ độc do ăn thịt cóc, trong đó một bé trai 8 tuổi tử vong. Tại TP.HCM, trong những năm trước đó, BV. Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 cũng từng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị nguy kịch bởi ăn thịt cóc. Hầu hết các bệnh nhân may mắn thoát chết nhưng vẫn phải nằm viện cấp cứu trong nhiều ngày và người chế biến thịt cóc cho các bé ăn phần lớn là phụ huynh với suy nghĩ “thịt cóc là loại thịt chống suy dinh dưỡng”.
Thịt cóc có thật sự là thực phẩm quý?
ThS.BS. Dương Công Minh, BV Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, theo bảng thành phần dinh dưỡng Việt Nam của Viện Dinh dưỡng, thịt cóc chỉ giàu đạm và kẽm chứ không có gì đặc biệt hơn (trong 100g bột cóc ăn được có 55,4g đạm và 65mg kẽm). Lượng đạm trong thịt cóc có giàu thật nhưng thịt heo, thịt gà, thịt ếch nếu biết chế biến giúp bé ăn tốt cũng cung cấp đạm cho trẻ không kém.Lượng kẽm trong cóc không sánh được hải sản như sò, hến, hàu.Lượng canxi và vitamin D trong thịt cóc coi như bằng không.
Như vậy, với những phân tích có cơ sở như trên cho thấy thịt cóc cho dù giàu đạm và giàu kẽm nhưng không thể là “cứu cánh” duy nhất can thiệp trong vấn đề biếng ăn của trẻ, vốn dĩ gây ra do nhiều nguyên nhân. Mặt khác, thịt cóc, với hàm lượng canxi và vitamin D “nghèo”, rõ ràng không thể giúp bé phòng ngừa và điều trị bệnh còi xương được.
Bên cạnh những mặt lợi, ở góc độ dinh dưỡng thịt cóc chẳng phải quá “lớn lao”, “diệu kỳ”… như nhiều người vẫn đang lầm tưởng, thịt cóc còn chứa đựng những mặt hại gây hiểm họa khôn lường.
Coi chừng độc tố
BS. Minh phân tích, bản thân thịt cóc không có độc, nhưng ở gan, trứng, da, mủ cóc (dịch tiết màu trắng đục từ các tuyến dưới da và mang tai, còn gọi là nọc cóc), mắt và hạch thần kinh (dọc hai sống lưng) của con cóc chứa rất nhiều bufotoxin - một chất cực độc, có thể gây chết người trong thời gian rất ngắn. Tỷ lệ gây ra tử vong của loại độc chất này rất cao, có những bệnh nhân tử vong ngay tại nhà hoặc trên đường tới BV. Ngoài ra, một số loài cóc còn chứa cả độc tố tetrodotoxin (độc tố có ở cá nóc) thông qua cơ chế cộng sinh với một số vi khuẩn.
Chú ý rằng, độc tố trong thịt cóc không bị nhiệt phân hủy. Nên trong quá trình chế biến không an toàn, độc tố bị dính sang thịt cóc, sẽ không mất đi cho dù thịt cóc đã được nấu sôi hầm rục.
Theo BS. Minh, nếu chỉ nghĩ đơn giản “vệ sinh an toàn thực phẩm” ở đây chỉ là chuyện sạch sẽ, đun chín nấu sôi và tự mua cóc về nhà làm là an toàn tuyệt đối, nghĩa là bạn đã phạm sai lầm. Vấn đề quan trọng nhất là cần đảm bảo độc chất của cóc không bị dây vào thịt cóc. Nhưng trong quá trình tự chế biến, làm sao chúng ta tin chắc rằng đã loại bỏ hoàn toàn cơ quan chứa chất độc của cóc mà không hề bị lây lan sang phần thịt cóc?
Trong khi, đối tượng ăn thịt cóc tự chế biến đa phần là những trẻ em chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng hoặc người bệnh suy nhược… cần nâng cao thể trạng.Và chắc chắn là ở những người này, sức chống chọi với độc tố của cóc sẽ kém hơn nhiều so với người bình thường, do vậy, mỗi khi ngộ độc xảy ra, tỷ lệ tử vong cao là điều không thể tránh khỏi.
Triệu chứng ngộ độc thịt cóc
Hiếm khi xảy ra trường hợp ngộ độc do đụng chạm, sờ mó phải cóc. Nhưng khi chất nhầy bài tiết của chúng dính vào một số vùng nhạy cảm như mắt, miệng… có thể gây ra hiện tượng rát bỏng, sưng phồng.
Nguy hiểm nhất là khi độc chất này được hấp thụ qua đường tiêu hóa (ăn phải) thì mới gây ra các triệu chứng ngộ độc mang tính hệ thống.
Triệu chứng ngộ độc thường xảy ra sau khi ăn khoảng 1 giờ hoặc có thể sớm hơn (15 - 30 phút) nếu nạn nhân là trẻ nhỏ, suy dinh dưỡng hoặc là người lớn có uống rượu, bia. Triệu chứng bắt đầu bằng cảm giác chóng mặt, quay cuồng, đau như bị châm chích ở đầu ngón tay, ngón chân; kế đến là ói mửa dữ dội kéo dài, tiêu chảy, đau bụng, giảm huyết áp. Tiếp sau đó, các triệu chứng giống như bệnh suy tim có thể xuất hiện như loạn nhịp tim… và cuối cùng tử vong có thể xảy ra trong vòng vài giờ.
Xử trí ngộ độc
Khi chất nhầy bài tiết của cóc lỡ dính vào tay, mắt, miệng…, nên nhanh chóng rửa vùng tiếp xúc ngay lập tức nhiều lần bằng nước sạch.
Trong trường hợp ngộ độc qua đường tiêu hóa (ăn phải), nên kích thích cho trẻ ói mửa ra thực phẩm.
Song song, cần phải đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị.