“Ăn theo” sân golf

08-05-2009 17:01 | Xã hội

Chỉ tính trong 2 năm (01/7/2006-04/6/2008) đã có thêm 106 dự án sân golf, tăng 13 lần so với 16 năm trước cộng lại. Chỉ riêng 76 dự án đã và đang triển khai đã chiếm tới 23.832 ha, trong đó 9.847 ha đất nông nghiệp với 1.847 ha đất trồng lúa nước.

Chỉ tính trong 2 năm (01/7/2006-04/6/2008) đã có thêm 106 dự án sân golf, tăng 13 lần so với 16 năm trước cộng lại. Chỉ riêng 76 dự án đã và đang triển khai đã chiếm tới 23.832 ha, trong đó 9.847 ha đất nông nghiệp với 1.847 ha đất trồng lúa nước. Tuy nhiên theo Cục Cảnh sát môi trường, một số nhà đầu tư lợi dụng hình thức đầu tư dự án sân golf để được cấp phép với diện tích lớn và hưởng mức thuế thấp, sau đó sử dụng vào mục đích khác như kinh doanh biệt thự, khách sạn, bất động sản...

Sân golf vô tội

Năm 2007, tỉnh Hưng Yên cấp phép cho dự án xây dựng khu đô thị dịch vụ thương mại Văn Giang, trong đó trung tâm là sân golf 18 lỗ tại 2 xã Nghĩa Trụ và Long Hưng. Sân golf rộng 180 ha sẽ nằm hoàn toàn trên cánh đồng lúa của 2 xã này. Như vậy, phía Đông Bắc Hà Nội đã được "chốt chặn", bất chấp sân golf Chí Linh (Hải Dương) đã hoạt động từ lâu. Sang phía Bắc, liên tiếp 2 sân golf Đầm Vân Trì rộng 128 ha (trong đó 97 ha đất nông nghiệp) và Sóc Sơn vừa được khai trương với diện tích 130 ha. Vẫn trên hướng này, xa hơn một chút, hai sân golf Đầm Vạc và Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đã hoạt động từ lâu.

 Để có sân gôn thế này, nhiều ruộng đồng sẽ bị biến mất.
Sang phía Tây, không tính sân golf Đồng Mô đã hoạt động, giữa cánh đồng "từng được trồng lúa hai vụ" của hai huyện Quốc Oai và Thạch Thất, Công ty Tuần Châu Hà Tây đã kịp xí phần hàng trăm ha.

Theo trục QL 6, sau khi 285 hộ dân phải nhường đất cho sân golf Phượng Hoàng 54 lỗ (huyện Lương Sơn, Hòa Bình) thì hàng trăm hộ dân huyện Lạc Thủy quá khích đã kéo vào phá sân golf Đồng Tâm. Cách sân golf Phượng Hoàng vỏn vẹn 4 km, ngay ngã tư Xuân Mai (nay thuộc Hà Nội) đang được một nhà đầu tư Hàn Quốc nhắm nhe. Cách đó một quãng ngắn, dự án sân golf Sky Lake (Hàn Quốc) tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cũng vừa động thổ. Câu chuyện không dừng lại ở đấy khi mới đây, Hà Nội lại vừa giao Trung tâm Giao dịch đất đai và phát triển quỹ đất đền bù giải phóng hơn 1,83 triệu m2 khu du lịch hồ Suối Hai (Ba Vì) làm dự án Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên do Công ty Cổ phần Dịch vụ cao cấp dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư. Trong đó, một phần làm khách sạn 5 sao, một phần xây biệt thự và làm sân golf. Ngay khi nhà đầu tư công bố tổng diện tích dự án là 1.624,25ha, với 1.204ha (giai đoạn 1) gồm toàn bộ các đảo lòng hồ, phần diện tích đất trên bờ  gồm Trại gà và một phần Trại bò Việt Nam - Cuba và 437,45ha (giai đoạn 2) gồm khu vực nông trường Sông Đà, toàn bộ Trại bò Việt Nam - Cuba và một phần đất xã Tản Lĩnh. Bộ NN&PTNT đã có công văn gửi Thủ tướng. Công văn đề nghị cần phải giữ lại trại bò này vì đây là trung tâm duy nhất trong nước sản xuất tinh bò đông lạnh đạt tiêu chuẩn quốc tế. Cách sân golf quốc tế này vài km lần lượt là sân golf Tản Viên 36 lỗ, Tản Viên 18 lỗ, Hồng Hải 18 lỗ.

Tổng cộng riêng trên địa bàn TP. Hà Nội đã có tới 18 dự án sân golf cả cũ lẫn mới. Nhưng đây chưa phải con số cuối cùng khi còn không ít nhà đầu tư vẫn hăm hở nhăm nhe lao vào đầu tư.

Làm sân golf để xây dựng biệt thự, khách sạn...

Bất chấp những lý lẽ cổ vũ cho việc phát triển sân golf như hiệu quả kinh tế cao hơn làm nông nghiệp, giải quyết việc làm, thu hút du lịch... thì một số nhà hoạt động xã hội chỉ nói một cách ngắn gọn: Cứ kiểm tra số tiền các sân golf nộp thuế thì sẽ biết. Cá biệt như sân golf Đồi Cù (Đà Lạt) từ hàng chục năm nay chưa đóng được đồng thuế nào.

Có ý kiến khác cho rằng do giá thuê đất làm sân golf thấp hơn rất nhiều lần so với giá thuê đất làm biệt thự, nhà ở, trung tâm dịch vụ thương mại nên nhà đầu tư đã lợi dụng kẽ hở để kinh doanh bất động sản, thu hồi vốn nhanh hơn, GS. Tôn Gia Huyên (Hội Khoa học Đất VN) thống kê, đất dùng làm sân golf thực sự chiếm tỷ lệ thấp hoặc rất thấp trong các dự án sân golf, trong 76 dự án thì chỉ 13 thực sự thuần túy làm sân golf, các dự án còn lại, có nơi chỉ sử dụng 30% diện tích làm sân. Phần còn lại để xây dựng các công trình kinh doanh dịch vụ thương mại, biệt thự, khách sạn, du lịch sinh thái, công viên cây xanh, vui chơi giải trí...

Lập luận này được nhiều ý kiến đồng tình vì bản thân kinh doanh sân golf hiệu quả chưa chắc đã cao, các dịch vụ ăn theo mới mang lại lợi nhuận cao. Trong lúc xin phép xây khách sạn, nhà hàng khó thì gói luôn chúng vào sân golf, thậm chí cả khu căn hộ cao cấp, siêu thị...

Anh Đào

Ngày 6/5 tại Hà Nội, gần 100 nhà khoa học thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đã tham dự hội thảo "Sân golf và xây dựng xanh" do Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức. Vấn đề qui hoạch sân golf là vấn đề được nhiều đại biểu nêu ý kiến cho rằng dự án sân golf được xây dựng ở những "sa mạc" cát trắng như Phan Thiết, Nha Trang, Quảng Nam... hay những vùng trung du đất đai bạc màu sẽ giúp chống xói mòn, chống sạt lở nhờ được phủ xanh bởi sân golf. Hay việc qui hoạch sân golf gắn với quy hoạch xanh sẽ tạo quỹ đất và quỹ cây xanh cho các đô thị, tạo cảnh quan môi trường. Quy hoạch phát triển sân golf có định hướng sẽ hạn chế được rất nhiều những tác động không tốt mà các ý kiến không đồng tình cho là "hệ lụy" mang lại từ sân golf. Tốt nhất chỉ đầu tư sân golf trên khu đồi dốc, sườn núi, những khu đất làm nông nghiệp không hiệu quả hoặc nhưng khu đất không có khả năng làm nông nghiệp, đất các khu công nghiệp cũ, đất ven sông, hồ...


Ý kiến của bạn