Ăn thế nào để khỏi bệnh?

04-03-2020 05:57 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Chế độ dinh dưỡng góp phần rất lớn trong hỗ trợ điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên, đến nay công tác dinh dưỡng tiết chế trong nhiều bệnh viện chưa được chú trọng, người bệnh vẫn chưa được tư vấn, hướng dẫn cụ thể về khẩu phần dinh dưỡng hoặc được cung cấp khẩu phần phù hợp. Do đó, không chỉ đa số người bệnh trong và sau điều trị thường bị suy dinh dưỡng mà bệnh tật cũng khó đẩy lùi, nhất là đối với các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, suy thận, tim mạch…

Dinh dưỡng cần đúng và đủ

Là bệnh viện duy nhất của tỉnh Nghệ An về chăm sóc, điều trị phục hồi chức năng, BV Phục hồi chức năng Nghệ An đã xác định chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và khả năng hồi phục của người bệnh. Do đó, Khoa Dinh dưỡng của BV được thành lập khá sớm và hiện nay đã thiết kế các suất ăn bệnh lý nội viện cho người bệnh.

BV Phục hồi chức năng Nghệ An đã xây dựng bếp ăn một chiều, đảm bảo cung cấp được 3 bữa chính cho bệnh nhân bị bệnh lý đái tháo đường và 2 - 3 bữa ăn phụ cho bệnh nhân bị các bệnh lý khác được khuyến cáo dùng bữa ăn tiết chế thay thế. “Một trong những bệnh lý được chỉ định chế độ ăn phổ biến của người bệnh đang điều trị tại bệnh viện đó là đái tháo đường, gút, tăng huyết áp… Do đó, nếu không có chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và quá trình phục hồi của người bệnh. Vì vậy, BV luôn khuyến cáo, tư vấn cho người bệnh có chế độ dinh dưỡng tiết chế phù hợp, mặc dù có thể không hợp khẩu vị so với nấu tại gia đình”. - đại diện khoa dinh dưỡng, BV Phục hồi chức năng Nghệ An nói.

Bữa ăn phục vụ bệnh nhân của BV PHCN Nghệ An đảm bảo dinh dưỡng và phục hồi nhanh cho người bệnh

Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Phục hồi chức năng Nghệ An Nguyễn Thị Hằng Nguyệt khẳng định, thường xuyên hội chẩn dinh dưỡng, can thiệp dinh dưỡng, nhất là đối với bệnh nhân đang điều trị phục hồi tai biến mạch máu não phải ăn bằng ống truyền để đảm bảo chế độ dinh dưỡng tiết chế hợp lý. “Đến nay, chúng tôi đã cung cấp gần 1.000 suất ăn bệnh lý cho bệnh nhân” – chị Hằng nói.

Thực phẩm an toàn là nền tảng của sự sống, một chế độ ăn cân đối, hợp lý là cần thiết để giúp con người sống khỏe hơn, nâng  cao chất lượng cuộc sống để sống khỏe mạnh và kéo dài tuổi thọ.

Ths.Bs Thái Thị Xuân, Giám đốc BV Phục hồi chức năng Nghệ An nói: Ngay từ thời xa xưa con người đã nhận thức được ăn uống đúng cách rất cần thiết để duy trì sức khỏe. Dinh dưỡng không hợp lý sẽ ảnh hưởng nhiều tới sự phát triển thể lực, gây bệnh tật. Ngày nay, chúng ta đã biết rõ nhiều bệnh lý có nguyên nhân dinh dưỡng như: còi xương, quáng gà, bướu cổ, béo phì, suy dinh dưỡng, thiếu máu, đái tháo đường, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch…. Dinh dưỡng hợp lý không chỉ đem lại sức khoẻ và sự phát triển lành mạnh cho người bình thường, mà là khâu quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả điều trị bệnh, đôi khi nó còn có tính quyết định như trong các trường hợp bệnh thận, bệnh tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường…Dinh dưỡng đúng và đủ đóng vai trò quan trọng để duy trì sức khỏe tốt, dự phòng các bệnh do thiếu hoặc thừa dinh dưỡng gây ra. Vì thế, việc tổ chức và hoạt động của khoa dinh dưỡng - tiết chế trong bệnh viện đóng một vai trò quan trọng trong việc điều trị cho người bệnh. Không thể có kết quả điều trị tốt nếu không tổ chức việc nuôi dưỡng hợp lý cho người bệnh.

Dinh dưỡng hợp lý giúp kéo dài tuổi thọ

Đồng quan điểm, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, nhìn nhận chế độ dinh dưỡng, tiết chế không hợp lý không chỉ làm bệnh nhân suy dinh dưỡng mà còn làm tăng biến chứng, tử vong, thời gian nằm viện dài, chi phí điều trị tốn kém. Mỗi loại bệnh, mỗi thể trạng bệnh nhân đòi hỏi phải có một thực đơn dinh dưỡng riêng, dù có dùng nhiều loại thuốc nhưng không có một chế độ ăn hợp lý thì cũng rất khó điều trị tốt. “Từ năm 2011, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 08/2011 hướng dẫn về công tác dinh dưỡng, tiết chế trong BV nhưng đến nay vẫn không ít BV chưa thực hiện”, ông Khuê băn khoăn.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý còn giúp cải thiện sức khỏe

Theo Thông tư 08/2011, tất cả các BV từ cấp huyện trở lên phải thành lập khoa Dinh dưỡng - tiết chế, có 3 nhiệm vụ: Tư vấn dinh dưỡng cho người bệnh ngoại trú, người bệnh trước xuất viện; hội chẩn nuôi ăn bệnh nhân tại giường; cung cấp suất ăn bệnh lý (nuôi ăn đường miệng, nuôi ăn qua ống thông). Tuy nhiên, thực tế, nhiều BV tuyến trên quá tải người bệnh, không đủ nhân sự thực hiện đánh giá tất cả người bệnh ngoại trú; không đánh giá được tình trạng suy dinh dưỡng và không thể chọn lọc được đối tượng cần được tư vấn dinh dưỡng. Còn không ít BV hạn chế về nhân lực, chuyên môn…

Chế độ dinh dưỡng đối với người bệnh khác với người bình thường và có tầm quan trọng đặc biệt trong quá trình điều trị. BS ở khoa dinh dưỡng có vai trò rất lớn trong việc giúp tăng sức đề kháng, hạn chế biến chứng, sớm phục hồi sức khỏe và giảm tỉ lệ tử vong ở người bệnh.

“Chế độ dinh dưỡng hợp lý còn giúp cải thiện sức khỏe, kéo dài tuổi thọ và chất lượng sống của người bệnh. Thiếu chú trọng chế độ dinh dưỡng, bệnh nhân dễ tái nhập viện, vết thương lâu lành, nhất là đối với các bệnh lý đái tháo đường, cao huyết áp, suy thận, rối loạn tiêu hóa, ung thư…” – Ths.Bs Thái Thị Xuân nói.

Đánh giá cao bộ thực đơn dinh dưỡng bệnh lý của BV Phục hồi chức năng Nghệ An, các chuyên gia về phục hồi chức năng cho rằng lãnh đạo BV đã thực hiện nghiêm túc, tạo điều kiện và tăng cường đào tạo, tập huấn, tạo nên bếp ăn có thực đơn đa dạng phục vụ tốt nhu cầu hồi phục sức khỏe của người bệnh…

Cố GS Từ Giấy đã từng nói: Ăn không những để giữ sức cho bệnh nhân, mà còn phải là một phương tiện điều trị. Ăn là một yếu tố điều trị chủ yếu trong một số bệnh. Ăn còn ảnh hưởng đến tiến triển của các bệnh, đến các cơ chế điều hòa, đến khả năng phản ứng và bảo vệ của cơ thể, ăn không những làm tăng hiệu lực của các phương tiện điều trị khác mà còn làm giảm tái phát trong các bệnh mạn tính. Chúng ta đều biết thành phần hóa học của thức ăn ảnh hưởng đến các quá trình chuyển hóa của các tế bào, sự rối loạn chuyển hóa này ở bệnh nào cũng có.

Ăn bắt buộc phải là một cái nền, một cái phông ở trên đó người thầy thuốc sẽ sử dụng các yếu tố điều trị khác và củng cố kết quả tích cực của các biện pháp điều trị khác.

Mặt khác, người thầy thuốc khi quyết định liều lượng thuốc, chế độ tập luyện, chế độ lao động,… đều phải dựa vào tình hình thể lực của người bệnh và khả năng ăn uống của người bệnh. Hơn thế, phải coi thức ăn cũng như thuốc. Xác định nhu cầu dinh dưỡng, chất lượng thực phẩm, cách thức chế biến để giữ được giá trị dinh dưỡng và tạo ra các món ăn ngon, hợp khẩu vị người bệnh, ấn định số lượng mỗi bữa ăn, số lần và giờ giấc cho ăn, đảm bảo tất cả đều phải được thực hiện nghiêm túc như một mệnh lệnh điều trị.

Ăn còn nhằm mục đích phòng bệnh. Khi bệnh còn ở giai đoạn phát triển kín đáo, ăn tốt có thể ngăn chặn sự phát triển của bệnh. Ăn còn là biện pháp để đề phòng các bệnh cấp tính khỏi trở thành mạn tính. Ăn điều trị sử dụng đều đặn sẽ làm giảm sự phát triển của bệnh mạn tính và đề phòng tái phát.

Dinh dưỡng trong điều trị là một bộ phận không thể thiếu được trong các biện pháp điều trị tổng hợp. Do đó nơi nào không có tổ chức chế độ ăn điều trị cho người bệnh thì nơi đó không thể có điều trị hợp lý được.


Nguyễn Nguyệt
Ý kiến của bạn