Lao động hối hả tìm việc sau Tết
Thất nghiệp hơn nửa năm, chị Nguyễn Thị Sơn (39 tuổi, quê ở xã Thanh Khê, huyện Thanh Chương, Nghệ An) không dám nghỉ Tết dài ngày ở quê mà nhanh chóng quay lại thành phố để chuẩn bị hồ sơ xin việc.
Trước khi thất nghiệp, chị Sơn làm công nhân làm tại công ty giày da ở Đồng Nai. Tháng 7 năm ngoái, do công việc dần ít đi nên chị và gia đình quyết định trở về quê. "Trước đây, làm ở trong đó mỗi tháng thu nhập hơn 10 triệu đồng. Trong một năm trở lại đây do các đơn hàng giảm, công việc không ổn định nên một công nhân làm trong lĩnh vực giày da chỉ kiếm được khoảng 5 triệu đồng/tháng", chị Sơn cho biết.
Sáng 16/2 (mùng 7 Tết), chị Sơn từ huyện Thanh Chương xuống TP. Vinh, làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp và chuẩn bị hồ sơ xin việc. Theo chị Sơn, phải đi tìm việc sớm chứ ngồi ở nhà cảm thấy không yên tâm. "Sau Tết, nhiều người thường nhảy việc, tôi tin mình sẽ sớm có được chỗ làm tốt. Chưa có việc nên ăn Tết không ngon", chị Sơn nói.
Cũng mong sớm tìm được việc làm, anh Nguyễn Nhân Quang, 46 tuổi, ở xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc đến TP. Vinh từ sáng mùng 7 Tết. Nam công nhân cho hay, 2 vợ chồng có 20 năm làm công nhân ở Đồng Nai với nhiều lĩnh vực khác nhau như làm việc trong dây chuyền sản xuất máy photocopy, lắp ráp máy, lái xe... với thu nhập gần 15 triệu đồng/tháng.
Dù đã có 3 con, trong đó con đầu đang học trường chuyên ở tỉnh Đồng Nai nhưng năm nay, vợ chồng anh quyết định về quê vì "ở đây có nhà, có gia đình, không phải quá bon chen nơi đất khách quê người".
Mấy ngày nghỉ Tết ở quê, anh Quang lên mạng xã hội, vào các nhóm tuyển dụng lao động, trang tìm kiếm việc làm để đăng tin "người tìm việc". Anh Quang cho biết, có 2 công ty liên hệ, phỏng vấn làm lái xe đông lạnh nhưng mức lương thấp quá chỉ 5-6 triệu/tháng, nên chưa đồng ý.
"Việc nhiều nhưng phù hợp với mình hay không mới quan trọng. Hy vọng mỗi tháng kiếm được 8 đến 10 triệu đồng để trang trải cuộc sống. Hiện tại, công việc khá nhiều nhưng phải cân nhắc vì với lao động ngoài 40 tuổi như tôi nếu công việc quá áp lực sẽ không phù hợp", anh Quang nói.
Chị Sơn, anh Quang là hai trong hàng nghìn lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm sau Tết. Theo số liệu từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An. Trong những ngày này, có hàng ngàn người đến Trung tâm và 3 điểm tiếp nhận hồ sơ Bảo hiểm thất nghiệp tại Thái Hòa, Diễn Châu, Anh Sơn để thông báo về việc tìm kiếm việc làm hàng tháng đối với những trường hợp đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Sau Tết, con số số này tăng lên nhiều vì thời điểm giáp Tết lao động của Nghệ An ở các tỉnh, thành khác về nhiều. Trong khi đó, do nghỉ Tết nên khoảng một tuần Trung tâm không tiếp nhận hồ sơ, dẫn đến lượng hồ sơ bị dồn lại trong nhiều ngày. Số lao động đến làm thủ tục thất nghiệp chủ yếu là do công ty bị phá sản, tinh giản lao động. Ngoài ra, một số lao động vì mức lương không đảm bảo nên có nhu cầu được chuyển việc.
Ông Trần Hữu Thượng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An cho rằng, có nhiều lý do để sau Tết thị trường lao động sôi động. Số lượng lao động đến Trung tâm tăng nhanh vào dịp đầu năm mới dường như là điều đã được báo trước. Không chỉ tìm kiếm việc làm trong tỉnh, nhiều người còn đến để tìm kiếm cơ hội đi xuất khẩu lao động, trong đó có nhiều người đã tốt nghiệp đại học…
Hơn 10.000 vị trí việc làm chờ lao động
Theo ông Trần Hữu Thượng dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, thời điểm sau Tết các doanh nghiệp sẽ tập trung tuyển số lượng lớn lao động để phát triển nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong năm mới. Đây là cơ hội cho người lao động, nhất là sinh viên, học viên vừa tốt nghiệp tìm được việc làm và người có nhu cầu thay đổi công việc phù hợp hơn.
Trong đó, nhu cầu dịch chuyển lao động tập trung trong các lĩnh vực kinh doanh, thương mại, dịch vụ, phục vụ và lao động phổ thông trong các doanh nghiệp. Sau Tết năm nay, ít có biến động về nhân lực chất lượng cao mà chỉ biến động chủ yếu ở lao động phổ thông.
Cũng theo ông Thượng, dự kiến nhu cầu nhân lực sau Tết tại Nghệ An cần khoảng 10.000 vị trí việc làm. Cụ thể, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tiếp nhận hơn 10.000 việc làm từ các doanh nghiệp với nhiều ngành nghề khác nhau như sản xuất giày da, điện tử, khuôn đúc vỏ điện thoại, đồng hồ...
Trong đó, riêng Khu công nghiệp WHA đang cần hơn 2.000 lao động phổ thông và nhân viên văn phòng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Luxshare - ICT Nghệ An cần 1.000 công nhân sản xuất điện tử, Công ty Cổ phần may Minh Anh Tân Kỳ cần tuyển 500 công nhân may mặc. Ngoài ra, nhu cầu việc làm ngoại tỉnh cũng rất cao như Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh cần 300 lao động là nhân viên, kỹ thuật sản xuất, nhân viên bảo dưỡng, Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng cần 700 công nhân kỹ thuật làm trong lĩnh vực lắp ráp ti vi với mức lương từ 10 - 13 triệu đồng/tháng.
"Hiện nay, có nhiều thị trường cho lao động lựa chọn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Đài Loan, Algeria với nhiều ngành nghề như chế biến thực phẩm, cơ khí, xây dựng, may công nghiệp. Trong các ngành nghề, thị trường Hàn Quốc được nhiều lao động lựa chọn, nhất là sau khi Hàn Quốc đã mở cửa trở lại với 3 địa phương ở Nghệ An là huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên và thị xã Cửa Lò. Trước tết, Nghệ An đã tiếp nhận hơn 6.000 hồ sơ đăng ký thi tiếng Hàn và số lao động đăng ký đến từ các địa phương này khá lớn…", ông Trần Hữu Thượng cho biết thêm.
Theo kế hoạch, để tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tìm ứng viên và người lao động tìm kiếm việc làm kịp thời, Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An sẽ tổ chức Sàn giao dịch việc làm Online vào sáng thứ 2 hàng tuần.
Bên cạnh đó các thông tin việc làm cũng sẽ được gửi đến các địa phương để kịp thời thông tin cho người lao động trong toàn tỉnh.