Hà Nội

Ăn sáng công nghiệp: Béo phì trong thiếu chất

03-03-2020 07:16 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Quan điểm sử dụng đồ ăn công nghiệp vào bữa sáng thay cho đồ ăn truyền thống có vẻ khá phổ biến. tuy nhiên, thực sự nó có tiện và lợi cho sức khỏe hay không?

Thích vì tiện

Buổi sáng đầu tuần bao giờ cũng là buổi sáng vội nhất và nhiều việc nhất. Lúc đang ăn bữa sáng, chúng tôi nghe thấy nhốn nháo ở nhà anh chị kế bên.

Một cuộc đối thoại nhanh diễn ra:

- Đến giờ mẹ làm rồi. Bé Tr., dậy nào.

- Con dậy rồi mà mẹ.

- Con đã chuẩn bị sách vở chưa?

- Con chuẩn bị xong rồi.

- Con nhét vào ba lô 2 cái bánh trứng chưa? Bữa sáng của con đấy.

- Mẹ ơi, lại ăn bánh trứng à.

- Ừ, mẹ đọc thấy nó đủ dinh dưỡng đấy. Con nhớ ăn nhé.

Điều khiến tôi ngạc nhiên đó là quan điểm sử dụng bánh trứng để làm bữa sáng cho con. Hôm sau chúng tôi để ý, nhà anh chị kế bên vẫn tiếp tục sử dụng bánh trứng cho con ăn sáng.

Tôi có đến cơ quan tìm hiểu, thì ra, nhiều người có thói quen sử dụng đồ ăn công nghiệp. Có người thì rất thích ăn mì tôm buổi sáng và ăn triền miên. Có người thích ăn bánh trứng, rồi bánh socola quệt bơ buổi chiều. Có anh chị, mỗi lần đi làm về đều thưởng cho con 1 cái bánh trứng hoặc 1 cái bánh socola. Mọi người đều nhất trí quan điểm rằng nó dễ ăn, đọc thấy đủ chất, lại có vẻ khỏe người ra sau khi ăn nên đều thích ăn và tích cực ăn.

an sangMỡ chiếm khoảng 35% giá trị năng lượng của mì gói

Sự lập lờ

Việc đồ ăn công nghiệp ngon, dễ ăn và tiện lợi thì không thể phản biện được. Đúng là quá nhanh và quá tiện. Chỉ cần đi siêu thị 1 lần, xách chừng 4 - 5 hộp bánh trứng về thì bạn có thể ăn cả tuần không hết. Khi sử dụng chỉ cần bóc ra chưa đến 5 giây và ăn thì đúng là chẳng có gì tiện bằng. Để ăn hết 1 cái chắc chỉ cần chưa đầy 2 phút, đúng là nhanh.

Một số người khác thích ăn mì tôm, họ chỉ việc bóc gói mỳ, cho vào tô, chế thêm nước nóng, đợi chừng 5 - 10 phút. Thế là có tô mì ngon. Việc ăn cũng rất nhanh chóng, có lẽ chưa đến 5 phút là kết thúc.

Nhưng việc đồ ăn công nghiệp đủ chất và đủ năng lượng, đây là điều không có thực. Và điều này được các tập đoàn sản xuất che đậy khá kỹ và không nói rõ.

Chúng ta thử khảo sát qua hàng mì ăn liền. Hàng mì ăn liền có vô số loại. Loại vẫn được cho là cao cấp và dễ sử dụng đó là mì ăn liền dạng tô, dạng cốc. Trên bao gói có ghi rõ, giá trị dinh dưỡng của một tô hoặc một cốc mì ăn liền. Giá trị định lượng vào khoảng 300kcal. Đây là mức ăn khá đủ cho bữa sáng. Vì một bữa sáng chỉ cần chừng 300 - 500kcal là đạt yêu cầu. Các tập đoàn không ngần ngại công bố điều này vì nó chỉ có lợi cho các tập đoàn rằng sản phẩm đủ chất dinh dưỡng và vì cơ quan quản lý buộc phải công bố trên nhãn hãng. Nhưng điều lập lờ đó là ở thành phần cấu tạo mà các tập đoàn “lỡ quên” không ghi. Và người tiêu dùng lại không để ý điều này.

Chúng tôi có lấy thử một bát mì ăn liền, giá trị dinh dưỡng ghi là 333kal. Nhưng thật không may, trong 333kcal ấy, có phân nửa là mỡ. Mỡ chiếm khoảng 13g, tương đương với 117kcal. Con số này đã chiếm khoảng 35% giá trị năng lượng. Số lượng mỡ này quá nhiều và sẽ tích tụ lại trong cơ thể. Giá trị năng lượng thực chất thu được từ các dưỡng chất khác đã bị cắt giảm đi. Trong thành phần cấu tạo, thành phần mỡ đã bị che lấp đi bởi vô số thành phần khác và sự liệt kê chi chít các thành phần dường như làm nhiễu loạn người đọc. Người mua chỉ thấy chữ bột mì, tinh bột, đường và thế là rất yên tâm sử dụng vì đó là thứ họ cần ăn. Thực tế, nó, mỡ công nghiệp, được giấu trong hàng chữ: shortening (chất béo dạng rắn)

Cầm một nhãn hàng bánh socola khá nổi tiếng trong tay, chúng tôi cũng thu được thông tin tương tự. Trong một chiếc bánh chừng 33g nó chứa giá trị dinh dưỡng khoảng 140kcal. Trong 140kcal này, 50kcal đến từ chất béo, 44kcal đến từ đường. Như vậy năng lượng đến từ 2 thành phần này đã là 70%. Việc ăn bánh vào thực chẳng khác gì ăn “đường và chất béo”. Các dưỡng chất khác có mặt không đáng kể. Và nghe như ăn 2 cái bánh có vẻ đủ năng lượng, nhưng thực tế, chúng ta lại đang thiếu chất. Điều đáng nói, trong thành phần cấu tạo, nhà sản xuất cũng không ghi rõ là chất béo mà tập trung ghi vào đó là thành phần bột mì, đường, sữa, trứng... còn thành phần chất béo thì ghi thành shortening hoặc chất béo hỗn hợp. Điều đó có thể tạo cảm giác yên tâm cho người tiêu dùng nhưng thực tế, sản phẩm này đang làm mất cân bằng dinh dưỡng.

an sangQuá nhiều chất béo trong đồ ăn công nghiệp, chúng ta dễ bị tích mỡ

Béo phì trong thiếu chất

Đó là một hậu quả tất yếu của đồ ăn công nghiệp. Ăn nhiều đồ ăn công nghiệp, bạn dễ bị béo phì trong hoàn cảnh cơ thể bạn vẫn thiếu chất.

Nhìn vào bảng giá trị dinh dưỡng của nhà sản xuất công bố, chúng ta có thể thu được 333kcal nhưng đó là năng lượng không khỏe mạnh. Lẽ ra phần kcal này phải có nguồn gốc từ tinh bột, chất đạm thịt và một phần từ chất béo. Nhưng đồ ăn công nghiệp đã cung cấp quá nhiều chất béo với tổng lượng 35%. Lượng chất béo này dễ dàng dư thừa và trở thành mỡ vi thể trong cơ thể bạn.

Đã thế lượng chất béo này đa phần là chất béo trans, tức là chất béo chuyển đổi, chất béo được hydro hóa. Chúng được gọi trong công nghiệp thực phẩm với cái tên shortening. Thực ra, ban đầu, người ưa thích dùng chút ít chất béo công nghiệp vì khả năng đông cứng, giữ hình khối và mùi vị ngon. Nhưng sau đó, người ta đã lạm dụng quá mức vì giá thành rẻ và nâng hiệu quả kinh tế cho các tập đoàn cao hơn. Nhưng với sức khỏe người tiêu dùng thì nó lại có chiều hướng ngược. Càng dùng nhiều sức khỏe càng đi xuống. Bởi chất béo công nghiệp rất dễ hình thành những mảng bám ở thành động mạch gây ra mảng vữa xơ động mạch, chúng rất dễ hóa thành tế bào mỡ và bám vào khắp nội tạng. Những mảng mỡ này là những mảng mỡ gây bệnh.

Lẽ tất yếu, nhiều người thắc mắc, không có tinh bột, chất đạm thì cơ thể sẽ sử dụng chất béo, tức mỡ thay thế. Tuy nhiên, chu trình dinh dưỡng không có sự biến hóa dễ dàng như vậy. Kiểu như không có tinh bột thì ăn chất béo, không có vitamin A thì lấy vitamin K. Mỗi một dưỡng chất có một vai trò nhất định và chúng không dễ dàng trao đổi qua nhau.

Quay trở lại vấn đề quá nhiều chất béo trong đồ ăn công nghiệp, chúng ta dễ dàng bị tích mỡ. Trong khi thiếu hụt năng lượng khỏe, chúng lại tiếp tục tiếp nhận năng lượng từ đường, vốn là thứ tạo ra cảm giác ngon và dễ ăn với thứ đồ ăn này. Đường cũng không có giá trị đóng góp nhiều với sự khỏe mạnh của cơ thể bởi chúng tiêu hao rất nhanh và trong mức bệnh cảnh thừa dinh dưỡng, nó cũng dễ dàng hóa mỡ nhanh hơn. Trong 140kcal bánh, đường đã chiếm 44kcal (11g đường trong mẫu bánh chúng tôi tham khảo). Lượng đường đã chiếm chừng 32%. Nó cũng là một dạng năng lượng không khỏe mạnh.

Trong khi đó dưỡng chất thực sự thì sao? Chúng ta không có đủ dưỡng chất có giá trị từ đồ ăn công nghiệp. Những dưỡng chất thực sự khỏe mạnh là tinh bột, chất đạm, vitamin và khoáng chất lại có rất ít. Lượng đạm chỉ dao động chừng 2 - 5mg. Và tỉ lệ phần trăm chúng đóng góp vào giá trị năng lượng của sản phẩm đó chỉ ước chừng 1% (nhu cầu tối thiểu từ 12 - 15%). Đây là mức năng lượng rất thấp so với phần năng khỏe mạnh chúng ta thu được. Trong khi, đạm là thứ rất mực quan trọng với cơ thể. Không có đạm, do đạm thịt đắt đỏ, chúng ta đành trông mong vào tinh bột. Song nhà sản xuất lại không công bố tinh bột là bao nhiêu. Nên nhớ tinh bột khác đường bởi nó tổ hợp từ nhiều thành phần khác nhau, ngoài đường. Mặc dù đường là cơ sở của tinh bột.

Các vitamin và khoáng chất thì tương đối thấp và chúng ta không trong mong gì được từ nhóm đồ ăn này. Có 2 lý do: vitamin dễ dàng bị biến tính trong quá trình chế biến công nghiệp và lý do nữa là hàm lượng vitamin luôn ở mức thấp nhất. Một số công ty “mạnh tay” thì ghi hẳn là vitamin là “0” nhưng một số công ty khác thì lờ đi và coi như đó là chuyện chẳng có gì đáng bàn. Thực tế, không có vitamin, cơ thể chúng ta khó lòng khỏe mạnh bởi đó là cỗ máy giúp cho hệ chuyển hóa vận hành.

Vậy làm thế nào có đủ? Cách đơn giản đó là hãy hạn chế đồ ăn công nghiệp càng nhiều càng tốt. Đồ ăn công nghiệp không thể thay thế đồ ăn truyền thống trong các bữa ăn chính.

Bữa ăn truyền thống là như nào? Là bữa ăn có một chút ít tinh bột (cơm, bánh mì, bún, phở, cháo), có một chút ít thịt đạm (thịt lợn, thịt gà, thịt bò, cá, trứng), một chút ít béo (dầu, mỡ, bơ, phó mát), một chút ít rau củ quả (chuối, táo, lê, rau xà lách, cà rốt, cà chua, bí ngô, bí đao). Lượng như nào, bao nhiêu gam, chúng tôi không có chủ định bàn trong bài này. Chúng tôi muốn nhấn mạnh: dù vội, nhưng bạn cũng đừng tước đi cơ hội khỏe mạnh của mỗi thành viên trong gia đình thân yêu.


BS. YÊN LÂM PHÚC
Ý kiến của bạn
Tags: