Ăn sạch, không lo bệnh tả

23-05-2009 12:05 | Thời sự
google news

Trong khi dịch tiêu chảy cấp trong đó có nguyên nhân từ phẩy khuẩn tả vẫn đang làm đau đầu các cơ quan chức năng thì nhiều người dân vẫn tỏ ra bàng quan.

Trong khi dịch tiêu chảy cấp trong đó có nguyên nhân từ phẩy khuẩn tả vẫn đang làm đau đầu các cơ quan chức năng thì nhiều người dân vẫn tỏ ra bàng quan. Chỉ đến khi phải vào viện rồi mới thấy khiếp đảm, biết thế nào là "tả" thì hối hận cũng đã muộn.

"Dính" tả mới biết sợ

Chuyện một bệnh nhân tả ở Thanh Oai (Hà Nội) trốn viện về nhà bị cán bộ y tế đến tận nơi "áp giải" trở lại bệnh viện khiến cả làng được dịp bàn tán xì xào. Dân làng bàn tán còn bởi vì chị T., tên bệnh nhân, đã dám cả gan "vác con tả" về làng khi mà Bệnh viện đa khoa Hà Đông, nơi tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân chưa cho về vì chị T. chưa đủ 3 lần xét nghiệm âm tính với tả. Chuyện còn xé ra to hơn khi ông chồng chị T. vì xấu hổ với làng xóm đã đòi... đưa vợ ra tòa ly dị. Đến nước này thì dù không muốn vào viện điều trị tiếp, chị T. vẫn phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" vào viện tiếp tục điều trị "cho đủ 3 lần âm tính". Dù sao cũng còn hơn là ở nhà để hàng xóm chê cười và ngượng với chồng con. Chẳng biết nguồn lây bệnh từ đâu nhưng cái tiếng "ăn bẩn nên mới dính tả" đã đủ khiến chị T. chẳng dám ngẩng mặt lên với hàng xóm láng giềng.

Còn anh Th. ở Cầu Giấy thì sau một lần mắc tả cũng nói chắc như đinh đóng cột là từ nay xin "cạch" thịt chó. Trước khi mắc bệnh, hầu như cuối tháng nào anh Th. cũng cùng đám bạn "làm bữa thịt cầy chấm mắm tôm giải xui". Thậm chí khi nghe báo, đài, tivi phát liên tục về các loại thực phẩm nguy cơ gây bệnh tiêu chảy cấp, trong đó có cả món thịt chó, anh Th. vẫn chẳng đoái hoài. Nằm viện với quả thận suy kiệt do mất nước quá nhiều, anh Th. hối hận thì đã muộn.

 An toàn vệ sinh thực phẩm chưa được người dân thực sự chú trọng. Ảnh: TM

"Tránh voi chẳng xấu mặt nào"

Tổng hợp của Cục YTDP&MT, Bộ Y tế cho thấy, 13 tỉnh, thành phố đã báo cáo ghi nhận các ca mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm, trong đó có nguyên nhân từ phẩy khuẩn tả.

Tại tỉnh Bắc Ninh, theo Sở Y tế, dịch tiêu chảy cấp xuất hiện ngay sau hội chùa Dâu ngày 2/5 với ca bệnh đầu tiên được phát hiện tại xã Trí Quả và đang tiếp tục lan nhanh khi đã phát hiện 97 trường hợp mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm, trong đó có 26 trường hợp xét nghiệm dương tính với phẩy khuẩn tả. Nguy cơ dịch bùng phát trên diện rộng, khó kiểm soát trong tỉnh đã được ngành y tế cảnh báo.

Còn tại tỉnh Thái Bình, ông Phạm Văn Dịu, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh cho biết, đã có 3/7 trường hợp mắc tiêu chảy trên địa bàn tỉnh ban đầu được xác định là do nhiễm vi khuẩn tả. Qua điều tra dịch tễ, những người này làm việc tại Hà Nội và một số tỉnh khác có ăn rau sống, tiết canh, thịt chó, mắm tôm... và về địa phương khi đã có biểu hiện của bệnh. Hiện tại, số bệnh nhân trên được quản lý, điều trị tại Khoa truyền nhiễm, BVĐK tỉnh và BV huyện.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tiêu chảy cấp, Sở Y tế Quảng Ninh chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm y tế thị xã Uông Bí tiến hành phun hoá chất tiêu độc, khử trùng môi trường nơi bệnh nhân sinh sống; đồng thời cho người nhà bệnh nhân uống thuốc dự phòng...

PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện VSDTTW cho biết, qua điều tra dịch tễ đối với những người mắc đều có liên quan đến thịt chó, mắm tôm, rau sống và thực phẩm không bảo đảm vệ sinh. TS. Hiển cũng đồng tình với việc Sở Y tế Hà Nội đóng cửa một số nhà hàng không hợp vệ sinh, bị ô nhiễm. Đặc biệt nên cảnh giác với thịt chó, vì các điều tra cho thấy, nhiều trường hợp mắc bệnh tả có liên quan đến ăn thịt chó. Tuy nhiên không chỉ có thịt chó mà tất cả các loại thực phẩm đều có thể bị nhiễm bẩn. TS. Hiển khuyến cáo, quy trình chế biến thực phẩm phải một chiều, riêng biệt giữa thực phẩm sống và thực phẩm chín; bảo đảm vệ sinh đồ dùng, vật dụng sạch sẽ. Thịt chó chín, đã nấu rồi để nguội, vẫn dương tính với tả, do để lẫn thịt chín rồi với thịt còn sống hoặc dùng chung dao thớt bát đĩa với thực phẩm sống trong quá trình chế biến. Nếu không thực hiện tốt ATVSTP và sử dụng thực phẩm không có nguồn gốc thì vẫn có nguy cơ. Tốt nhất là nấu chín vì vi khuẩn tả sẽ chết khi bị nấu chín, nhưng vẫn phải dè chừng các thực phẩm khác đi kèm, ví dụ như rau sống, hoặc các đồ dùng vật dụng của mình bị nhiễm. Đặc biệt, rau sống là thứ rất đáng lo ngại vì có thể bị tưới bằng nguồn nước bị nhiễm khuẩn, bằng phân, thậm chí là phân tươi, kể cả khi được rửa kỹ bằng nước muối cũng chưa chắc loại trừ được vi khuẩn tả bám chặt trên rau trừ khi nấu chín.

 Cục Y tế dự phòng cũng đánh giá khả năng dịch tiêu chảy cấp vẫn còn có khả năng lan rộng, do vậy đề nghị các địa phương tăng cường giám sát chất lượng ATVSTP; người dân thực hiện ăn chín, uống sôi. Đặc biệt, cần xử lý triệt để môi trường, nhất là nguồn chất thải (phân) của những người bệnh, không để vi khuân phát tán ra môi trường.

Mai Phương


Ý kiến của bạn