Đó chính là chế độ ăn ít chất xơ và nhiều mỡ động vật, lạm dụng đồ ăn chế biến sẵn chứa nhiều chất phụ gia độc hại.
Đại tràng bao gồm có manh tràng, đại tràng lên, đại tràng ngang, đại tràng xuống, đại tràng sigma và trực tràng. Đại tràng là nơi chứa những chất cặn bã của thức ăn, tạo thành phân và tống ra ngoài. Các bệnh thường gặp ở đại tràng là viêm đại tràng cấp và mạn tính, polyp và ung thư đại trực tràng... Các bệnh lý này có nguy cơ xảy ra khi đại trực tràng bị tổn thương bởi vi khuẩn, ký sinh trùng, các chất độc hại khác do thực phẩm ăn vào không đảm bảo vệ sinh an toàn và do phân tích trữ trong đại tràng quá lâu. Táo bón là do thói quen ăn ít chất xơ, quá nhiều chất béo, chất đạm, uống không đủ nước, ít vận động, stress hoặc tác dụng không mong muốn của một số loại thuốc…
1. Làm sạch đại tràng bằng chế độ ăn giàu chất xơ
Con người hiện nay rất ưa chuộng các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh như pizza, burger, khoai tây chiên, snack... là những thứ được chế biến qua các quá trình đông lạnh, chiên kỹ, làm nóng bằng lò vi sóng, thêm hương vị bằng chất phụ gia và tăng hạn sử dụng bằng chất bảo quản. Qua hàng loạt giai đoạn như vậy chúng đã trở thành thực phẩm “chết” hầu như không còn chứa các enzym, khoáng chất và chất xơ gây khó tiêu và ứ đọng nguyên dạng ở đại tràng.
Thực phẩm giàu chất xơ giúp làm sạch đại tràng.
Trong hệ thống tiêu hóa, chất xơ có vai trò vô cùng quan trọng, nó được coi như một chiếc chổi giúp làm sạch đại tràng, tăng khối lượng phân và giúp tống đẩy phân ra ngoài cơ thể dễ dàng. Ngoài ra, chất xơ còn giúp tăng tiêu thụ acid folic, tăng kết hợp với các yếu tố độc hại sinh ung thư, cân bằng pH trong lòng đại tràng, chống ôxy hóa. Chất xơ có nhiều trong rau xanh, trái cây tươi và ngũ cốc thô, nếu chế biến thực phẩm quá kỹ sẽ làm chất xơ trở nên mềm và mất tác dụng.
Mỗi ngày chúng ta nên ăn 25 - 30g chất xơ hoặc 12g chất xơ cho 1.000 calo ăn vào. Đối với trẻ em lượng chất xơ ăn vào tùy theo tuổi, có thể ước tính đơn giản theo công thức: Tuổi 5 = số gram chất xơ cần ăn.
Đại tràng là con đường chính của quá trình loại bỏ chất thải trong cơ thể, chất bẩn đọng lại trong đại tràng không những gây ra bệnh tại chỗ mà còn ngấm vào máu đi khắp cơ thể sinh bệnh. Vì vậy, cần phải thanh lọc cơ thể bằng thực đơn sau:
- 150 - 250g trái cây tươi.
- 200 - 400g salad rau xanh bao gồm: rau húng quế, ớt chuông, dưa leo, cà chua, rau diếp cá…
- 1 - 2 chén rau mầm hoặc đậu xanh nảy mầm.
- Uống 6 - 8 ly nước lọc trong ngày.
Sử dụng công thức trên hàng ngày là rất lý tưởng. Nếu có điều kiện có thể bổ sung vào thực đơn trên 50ml nước ép cỏ lúa mì non vào mỗi buổi sáng khi đói. Cỏ lúa mì non là loại thực phẩm chứa nhiều amino acid, enzym, vitamin có lợi giúp cơ thể tăng cường miễn dịch, chống ung thư và đẩy lùi nhiều loại bệnh tật khác.
2. Rau xanh phòng ung thư đại trực tràng
Các loại rau xanh không những có chứa lượng lớn chất xơ giúp làm sạch đại tràng và phòng ngừa, chống lại các tác nhân gây ung thư mà còn chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất có lợi.
Trong rau xanh, chất diệp lục chính là dạng cô đặc năng lượng mặt trời, tiếp thêm cho cơ thể chúng ta khả năng chiến đấu và đẩy lùi bệnh tật. Đa phần rau xanh có tác dụng kiềm hóa cơ thể, bởi nếu trong môi trường acid sẽ làm mất cân bằng nội môi, gây ra rối loạn chuyển hóa tế bào và tổn thương DNA và dẫn đến bệnh ung thư.
Rau xanh còn là nguồn nitric oxide (NO) tự nhiên. Đối với cơ thể, NO tác động đến cơ chế cầm máu, lên cơ trơn thành mạch, các neuron thần kinh và niêm mạc hệ tiêu hóa (dạ dày, ruột). NO tham gia vào hầu hết các quá trình sống của cơ thể và nhờ nó mà con người giảm được nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường, ung thư và miễn dịch.
Cơ thể con người chỉ có một lượng enzym tiêu hóa giới hạn. Nếu chúng ta ăn những thực phẩm đã bị mất gần hết enzym (các loại thực phẩm đã qua chế biến quá kỹ) thì cơ thể phải làm việc nhiều hơn để sản xuất ra lượng enzym bù lại để hỗ trợ cho hệ tiêu hóa và đồng hóa các chất trong thực phẩm đó. Khi đó, các cơ quan quan trọng như não, tim, phổi, thận, gan và cơ sẽ không có đủ enzym để hoạt động bình thường. Sự thiếu hụt enzym chuyển hóa là nguyên nhân chính gây ra nhiều bệnh. Vì vậy, cần phải bổ sung nguồn enzym sống bằng các loại rau xanh và trái cây tươi, hạn chế ăn các thực phẩm nấu quá chín hoặc cháy, đồ ăn đã qua xử lý công nghiệp mất các chất dinh dưỡng.
Một số loại rau xanh có lợi giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất nên bổ sung vào thực đơn hàng ngày để phòng chống ung thư đại trực tràng như: bông cải xanh, mùi tây, dưa leo, măng tây, cải bó xôi (rau bina), bắp cải, đậu bắp, xà lách…
Điều quan trọng khi ăn các loại rau này không nên nấu quá kỹ, tốt nhất là nên ăn sống hoặc hấp tái để giữ lại được lượng chất xơ và chất dinh dưỡng tối đa.