Hà Nội

Ăn quá nhiều cơm trắng khiến người Việt mắc bệnh tiểu đường gia tăng

07-12-2017 20:33 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS -Theo TS Nguyễn Văn Tiến, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương – Hiện là cố vấn chuyên môn của BV Đa khoa MEDLATEC cho biết: Thói quen ăn uống nhiều chất bột đường, ít chất xơ khiến lượng đường tăng cao, đặc biệt là ăn quá nhiều cơm trắng sẽ làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường.

Ngày 7/12, Bộ Y tế tổ chức phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Medlatec tổ chức Hội thảo "Phòng và Điều trị Bệnh lý Đái tháo đường type 2", trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y Dược Việt Nam lần thứ 24 năm 2017.

Video: TS. Nguyễn Văn Tiến, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Đa kkoa MEDLATEC cho biết: ăn nhiều cơm trắng và thói quan ít vận động là một trong nhiều nguy cơ gia tăng bệnh nhân mắc đái tháo đường

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Văn Tiến – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương - Cố vấn chuyên môn Bệnh viện Đa kkoa MEDLATEC cho biết một trong những nguyên nhân quan trọng khiến đái tháo đường gia tăng nhanh chóng là do môi trường, bao gồm lối sống. Trong đó, thói quen ăn uống nhiều chất bột đường, ít chất xơ khiến lượng đường tăng cao, đặc biệt là ăn nhiều cơm trắng và thói quan ít vận động là một trong nhiều nguy cơ gia tăng bệnh nhân mắc đái tháo đường

Cũng theo TS. Nguyễn Văn Tiến, để cải thiện tình hình chẩn đoán bệnh đái tháo đường nhằm phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời theo từng giai đoạn cho bệnh nhân, cần có sự chuẩn hóa trong các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường. Điều này không chỉ dành riêng cho các bác sỹ chuyên khoa nội tiết, mà cả các bác sĩ đa khoa, là những người cùng tham gia quá trình điều trị cho bệnh nhân, thông qua các chương trình đào tạo y khoa.

Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, tại Việt Nam, hiện có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Dự kiến số lượng bệnh nhân mắc  bệnh sẽ tăng lên thành 6,1 triệu vào năm 2040. Tuy nhiên, số người bệnh chưa được chẩn đoán lên tới gần 70%, bởi vậy, nhiều bệnh nhân được phát hiện bệnh khi đã xuất hiện nhiều biến chứng.


Ông Vũ Mạnh Cường, Phó vụ trưởng Vụ Truyền thông, thi đua khen thưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Mạnh Cường, Phó vụ trưởng Vụ Truyền thông, thi đua khen thưởng Bộ Y tế cho biết: Hiện có trên 70% số người bị tiền đái tháo đường có thể tiến triển thành đái tháo đường type 2 và có thể gây các biến chứng vi mạch như các bệnh võng mạc, thận, thần kinh và bệnh cơ tim. Nguy cơ tiến triển từ tiền đái tháo đường thành đái tháo đường type 2 là 5-10%/ năm, trong khi nguy cơ này ở người bình thường chỉ là 0,7%/ năm.

Theo ông Cường: Bệnh lý đái tháo đường được coi là đại dịch có nguy cơ gây ra gánh nặng bệnh tật gấp 20- 40 lần so với những bệnh lây nhiễm khác. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra mù lòa, suy thận, gây cụt chi chỉ sau tai nạn giao thông, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, bất lực, rối loạn nhận thức, giảm tuổi thọ và chất lượng cuộc sống.

PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Medlatec


PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho rằng, đái tháo đường type 2 là bệnh mạn tính được cả xã hội quan tâm hiện nay, bởi có liên quan chặt chẽ tới chế độ ăn uống nhiều đạm, ít chất xơ, lười vận động,… Tỷ lệ gặp ở nam và nữ như nhau.

"Đây là bệnh lý mạn tính nếu không được điều trị, đái tháo đường có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như bệnh cơ tim, bệnh thận, thần kinh, mắt, loét chân,… Vì vậy, tránh những biến chứng gây ra, người dân nên đi kiểm tra định kỳ để kiểm soát đường huyết tốt nhất, cũng như được bác sĩ tư vấn thuốc điều trị và chế độ dinh dưỡng phù hợp", ông Luật thông tin.

Về ngăn chặn tình trạng trẻ hóa số bệnh nhân mắc đái tháo đường, theo ông Luật, bí quyết để ngăn ngừa bệnh đái tháo đường và các bệnh mạn tính nói chung rất đơn giản là mỗi ngày ăn đủ nửa kilogram rau quả, đi bộ đủ nửa tiếng, ngủ từ 6- 8 tiếng mỗi ngày và tìm cách giảm stress.


Thanh Loan
Ý kiến của bạn