Thu Ngà (Bắc Ninh)
Trong 100g óc lợn có: 9g chất đạm, 9,5g chất béo (2/3 là photpholipit), lượng cholesterol: 2.500mg, 1,6g sắt, ngoài ra còn có đường, canxi, phôtpho, nước. So với gan lợn, óc lợn có lượng đạm, đường và canxi tương đương, nhưng lượng phốt pho kém hơn, đặc biệt sắt thấp hơn 7 lần, lượng nước cao hơn (80% so với 74%). Nồng độ cholesterol ở óc cao gấp 3 lần so với thận, gấp 5 lần so với gan và hàng chục lần so với thịt nạc. Óc lợn còn có lượng lipid cao hơn 3 lần so với gan lợn.
Nhiều bà mẹ bắt con mỗi ngày ăn 1 bộ óc lợn với hi vọng sẽ giúp con thông minh hơn là không có cơ sở khoa học bởi óc lợn cũng như tất cả các thực phẩm khác, sau khi qua hệ thống tiêu hóa đều được biến đổi thành những thành phần dinh dưỡng nhỏ nhất để hấp thu. Việc ăn uống còn phụ thuộc vào sự cân bằng về dinh dưỡng, hấp thụ của cơ thể và phù hợp với lứa tuổi. Trẻ thông minh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: di truyền, phương pháp nuôi dưỡng, dạy dỗ chứ không phải ăn óc trẻ sẽ thông minh.
Bạn nên cho trẻ ăn các món chế biến từ óc lợn để thực phẩm dành cho bé thêm đa dạng, cũng như các chất dinh dưỡng nhưng chỉ nên cho trẻ mỗi tuần ăn từ 1 - 2 lần, mỗi lần từ 30 - 50g/bữa. Khi cho bé ăn các món từ óc lợn, bạn bổ sung thêm một chút đạm như thịt, đậu phụ, trứng... cho bữa ăn đó. Đồng thời phải giảm lượng dầu mỡ để bé không bị rối loạn tiêu hóa khi ăn quá nhiều chất béo.
BS. Thanh Hương