Bên cạnh các lợi ích, có nhiều rủi ro, thách thức đòi hỏi các ngân hàng phải nhận diện một cách đầy đủ và có biện pháp bảo đảm an toàn.
Ông Lê Mạnh Hùng - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Ngân hàng Nhà nước cho biết, thực hiện hội nhập khu vực và quốc tế, thời gian qua, các ngân hàng đã triển khai nhiều dịch vụ ngân hàng hiện đại trên nền tảng ứng dụng những thành tựu phát triển vượt bậc của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 về công nghệ thông tin. Do vậy, việc khách hàng phải đến ngân hàng thực hiện các giao dịch đã giảm đi rất nhiều. Những tiến bộ về công nghệ hiện đã giúp mở rộng hoạt động của ngân hàng, vượt ra khỏi những văn phòng và giờ giấc làm việc giới hạn của ngân hàng. Hơn nữa, số lượng người dùng internet di động ngày càng tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều người sử dụng ngân hàng kỹ thuật số hơn do sự tiện lợi, thân thiện với người dùng và hiệu quả chi phí mà nó mang lại.
Kết quả khảo sát của Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG Vietnam) năm 2017 cho thấy, các giải pháp về ngân hàng điện tử (e-banking) đang ngày càng được sử dụng phổ biến hơn và được đánh giá cao về tính tiện lợi và tiết kiệm thời gian, với 81% người dùng sử dụng các giải pháp e-banking so với 21% trong năm 2015.
Những ngân hàng thương mại lớn trong hệ thống nhanh chóng phát triển những dịch vụ mới như cho phép khách hàng chuyển tiền qua mạng xã hội (Facebook, Zalo...), rút tiền tại ATM không cần dùng thẻ. Một số ngân hàng đã ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu của IBM để đồng bộ hóa dữ liệu khách hàng, hỗ trợ phân tích hành vi khách hàng nhanh chóng.
Tuy nhiên, thời gian qua, tình hình an ninh mạng diễn biến có nhiều phức tạp. Báo cáo mới nhất của Microsoft cho thấy, nhiều nền kinh tế mới nổi của châu Á đang đối mặt với nguy cơ bị nhiễm mã độc hoặc những đe dọa tương tự. Dường như các tổ chức tín dụng dễ trở thành mục tiêu của tội phạm mạng. Gần đây, trưa ngày 13/4/2018, website của Ngân hàng Vietcombank gặp sự cố ở trang con khi đăng ký e-mail liên kết với tài khoản ngân hàng. Tình trạng này được cho là kéo dài trong 15 phút, sau đó, Vietcombank đã khắc phục được sự cố và đến hơn 22 giờ đêm cùng ngày, ngân hàng đã có thông báo chính thức sơ suất này đã được phát hiện kịp thời và điều chỉnh phù hợp ngay sau đó. Vietcombank cũng đã triển khai các biện pháp để đảm bảo không xảy ra các trường hợp tương tự.
Khối lượng giao dịch của ngân hàng qua môi trường mạng ngày càng tăng thì khối lượng công việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng đối với hoạt động của các ngân hàng cũng tăng lên nhanh chóng. Nhận định về vấn đề này, ông Phạm Thế Trường - Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam cho rằng, sẽ có nhiều cuộc tấn công mạng tinh vi hơn ở phạm vi cá nhân, doanh nghiệp, quốc gia và những hacker sẽ hoạt động có tổ chức và có kế hoạch hơn. Ngành tài chính ngân hàng sẽ tiếp tục là một trong những ngành bị tấn công nhiều nhất. Các thiết bị kết nối IoT sẽ tiếp tục là những đầu mối dẫn đến những cuộc tấn công mạng. Những thiết bị này được sử dụng để thực hiện những tấn công từ chối dịch vụ, dẫn đến nhiều dịch vụ phải tạm dừng vào năm ngoái… Theo đó, an ninh mạng đòi hỏi phải có sự phối hợp từ nhiều bộ phận và từ mỗi cá nhân trong một tổ chức, không đơn thuần chỉ là nhiệm vụ của bộ phận công nghệ thông tin.
Do vậy, cần thiết phải phát triển liên tục các biện pháp an ninh để ngăn chặn và xử lý những vi phạm liên quan đến an toàn thông tin và gian lận giao dịch của tội phạm trong môi trường mạng liên quan tới hoạt động ngân hàng. Về vấn đề này, các cơ quan có trách nhiệm đều nhận định là sẽ không khó để cùng nhau xây dựng môi trường ngân hàng số hiện đại, an toàn và bảo mật tại Việt Nam khi mà các ngân hàng và khách hàng cùng ý thức được điều này.