Hà Nội

An ninh biển: Asean cần có thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc

09-06-2016 16:33 | Quốc tế
google news

SKĐS - ”Sẽ không thể có hòa bình, ổn định nếu các bên không tôn trọng luật pháp quốc tế”. Đó là khẳng định của các đại biểu, các học giải quốc tế tại hội thảo “Phát triển và An ninh Biển: Hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm Âu-Á”, diễn ra trong hai ngày 9-10/06 tại Hạ Long (Quảng Ninh).

”Sẽ không thể có hòa bình, ổn định nếu các bên không tôn trọng luật pháp quốc tế”. Đó là khẳng định của các đại biểu, các học giải quốc tế tại hội thảo “Phát triển và An ninh Biển: Hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm Âu-Á”, diễn ra trong hai ngày 9-10/06 tại Hạ Long (Quảng Ninh).

Tham dự hội thảo có hơn 130 đại biểu quốc tế và Việt nam, bao gồm các học giả, chuyên gia quốc tế và trong nước về an ninh biển. Hội thảo quốc tế trên sẽ tập trung vào các nội dung chính: các vấn đề an ninh biển truyền thống và phi truyền thống; phát triển và quản lý biển; cơ chế hợp tác và quản lý biển liên quốc gia.

Trước đó, hôm qua (9/06), tại thành phố Hạ Long cũng đã diễn ra cuộc họp lần thứ 12 các quan chức cấp cao ASEAN-Trung Quốc về việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (gọi tắt là DOC). Đây là văn kiện chung đầu tiên giữa ASEAN và Trung Quốc trực tiếp liên quan đến Biển Đông.

Trên thực tế, sau những căng thẳng gần đây để đảm bảo duy trì hòa bình ổn định trên Biển Đông hai điều kiện tiên quyết là tất cả các bên liên quan phải tuân thủ luật pháp quốc tế, tuân thủ Công ước Luật biển UNCLOS 1982, thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), văn bản được ASEAN và Trung Quốc ký vào năm 2002 nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý cho quan hệ ASEAN và Trung Quốc liên quan tới Biển Đông, với mục tiêu đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác giữa các bên. Tuy nhiên, tất cả những văn bản này đều bị phía Trung quốc phớt lờ khi Bắc Kinh đơn phương tuyên bố về cái gọi là chủ quyền của nước này ở toàn bộ Biển Đông.


Biển Đông

Không ai có thể phủ nhận những thành tựu nổi bật mà DOC đã mang lại. Đó là giúp xây dựng các cơ chế lòng tin giữa ASEAN và Trung quốc. Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, DOC đã tạo ra một diễn đàn thích hợp để cả hai phía ASEAN và Trung quốc đối thoại và có thể hợp tác trong vấn đề Biển Đông. Đây cũng là văn bản giúp hai bên có thể hợp tác với nhau; là nền tảng để Trung quốc đề xuất 1 số dự án với ASEAN đóng góp hòa bình, ổn định khu vực cùng ASEAN. Và là cơ dể ASEAN hướng tới xây dựng một quan hệ hữu nghị hợp tác với Trung quốc đóng góp cho hòa bình, khu vực.

Mặc dù không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của DOC  trong suốt 14 năm qua nhưng việc thực thi Tuyên bố này đang gặp nhiều khó khăn. Theo giới phân tích, chính việc DOC không được thực thi không đầy đủ và hiệu quả thời gian qua đã góp phần làm cho tình hình Biển Đông diễn biến khó kiểm soát, gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột.

Nếu như DOC được coi là một cam kết của Trung quốc với ASEAN thì việc nước này thực thi DOC còn nhiều vấn đề phải bàn. Theo Tiến sĩ Trần Việt Thái, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao (Bộ Ngoại giao), việc Trung quốc chưa thực hiện đầy đủ DOC thể hiện ở nhiều điểm, trong đó rõ nét nhất là không giữ nguyên trạng tại Biển Đông. “Khi ký DOC tinh thần chủ đạo của các bên là giữ nguyên trạng”, Tiến sỹ Trần Việt Thái giải thích. “Tuy nhiên trên thực tế, từ 2002, Trung quốc đã bồi đắp, cải tạo xây dựng các đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông”.

Theo một báo cáo của phía Mỹ, Trung quốc đã bồi đắp khoảng 1.200ha các đảo nhân tạo chiếm đóng trái phép trên Biển Đông. Hành động của Trung quốc  không chỉ làm thay đổi cấu trúc địa chất địa mạo khu vực mà còn thay đổi tương quan chính trị, an ninh và thế trận ở khu vực Biển Đông. Ngoài ra, Trung quốc còn có hành vi sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực trong khu vực với các cấp độ khác nhau, mà rõ nhất là vụ chiếm đóng cải tạo bãi cạn Scarborough năm 2012 và đưa Giàn khoan 981 hoạt động trái phép ở vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt nam. “Mặc dù đã có DOC, mặc dù Trung quốc đã cam kết công khai bằng văn bản với ASEAN nhưng Trung quốc đã vi phạm các điểm 5, điểm 4 trong các Tuyên bố Ứng xử của các bên trên Biển Đông. Các nước ASEAN đã phải ngồi lại bàn với nhau làm thế nào đó để Trung quốc thực thi nghiêm chỉnh cái DOC”. Ông Thái nhận định.

Không chỉ vi phạm nguyên tắc giữ nguyên hiện trạng, Trung Quốc còn quân sự hóa Biển Đông bằng cách đưa máy bay, thiết bị quân sự ra khu vực tranh chấp. Như vậy, hành động trên đã phá vỡ hoàn toàn nguyên tắc kiềm chế, không làm phức tạp tình hình mà DOC yêu cầu các bên phải tuân thủ. Chính vì thế, các học giả, các đại biểu quốc tế cho rằng đã dến lúc ASEAN phải có thái độ rõ ràng hơn và cứng rắn hơn với Trung quốc.

Trong bối cảnh Tòa án trọng tài quốc tế chuẩn bị ra phán quyết vụ kiện “đường lưỡi bò”, tờ Sydney Morning Heral (Australia) đã dẫn lời giới học giả quốc tế chỉ trích động thái dùng tiền và viện trợ để mua sự ủng hộ ngoại giao với hoạt động tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Giới phân tích quốc tế đều nhận định rằng đây là hành động không thể chấp nhận được và cần phải bị lên án.


N.Minh
Ý kiến của bạn