Dù các bệnh viện (BV) đã có những biện pháp tăng cường an ninh trật tự (ANTT), nhằm ngăn ngừa côn đồ tấn công nhưng nguy cơ và nỗi bất an vẫn đang thường trực với các nhân viên y tế. Thực tế cho thấy, liên tiếp trong thời gian qua đã xảy ra các vụ hành hung nhân viên y tế, đặc biệt tình trạng nhân viên y tế bị bạo hành trong BV có xu hướng gia tăng với mức độ ngày càng nguy hiểm.
Không thể chủ quan
Đảm bảo an ninh, an toàn cho người bệnh cũng như y, bác sĩ tại các BV là một vấn đề rất cần thiết và quan trọng. Nhiều người cho rằng, đã đến lúc cần phải có một lực lượng an ninh chuyên biệt tại BV nhằm đối phó với những sự việc bất ngờ. Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều BV lớn, do số lượng bệnh nhân thường xuyên ở mức quá tải nên các tệ nạn như: hành hung cán bộ y tế và bệnh nhân, mạo danh y, bác sĩ, cò mồi, trộm cắp... vẫn thường xuyên xảy ra. Mới nhất, vào chiều ngày 27/10, tại BVĐK Quảng Ngãi, nhóm 3 thanh nhiên xộc thẳng vào phòng cấp cứu của BV dùng dao chém nhiều nhát vào bệnh nhân Nguyễn Duy (32 tuổi, trú phường Chánh Lộ, TP.Quảng Ngãi) và chém cả bảo vệ BV. Vụ việc đã gây náo loạn cả BV, ảnh hưởng tới nhiều bệnh nhân và y bác sĩ đang làm việc. Trước đó, hàng loạt vụ việc đã xảy ra tại nhiều BV trên cả nước khiến cho tình hình an ninh tại các BV đang trở nên bất an hơn bao giờ hết. Cụ thể như, vụ việc xảy ra ngày 7/10, tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt - Tiệp (Hải Phòng), Đỗ Văn Bình đang nằm trên cáng cứu thương đã vùng dậy hành hung bác sĩ chỉ vì bố của Bình bị nhắc nhở khi có hành động xúc phạm bác sĩ trực; vụ việc tấn công nhân viên y tế ở BVĐK khu vực Thủ Đức (TP. HCM). Tiếp nữa là vụ việc một bệnh nhân tâm thần làm náo loạn BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 18/9 làm nhiều người và các y, bác sĩ hoảng sợ suốt nhiều giờ đồng hồ...
Trên thực tế, công tác an ninh trong các BV đang hết sức lỏng lẻo, chưa được quan tâm đúng mức. Hầu hết các BV đều có đội ngũ bảo vệ nhưng chủ yếu chỉ làm nhiệm vụ hướng dẫn, trông ôtô, xe máy, còn vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn cho cán bộ, nhân viên y tế và người bệnh vẫn chưa được chú trọng. Rõ ràng câu chuyện an ninh tại các BV đang trở nên vô cùng cấp thiết, bởi nhiều kẻ gian lợi dụng sơ hở của người bệnh, của bác sĩ để trộm cắp, lừa đảo, thậm chí đâm chém, thanh toán lẫn nhau ngay trong BV.
Liên quan đến ANTT tại các BV, nhiều hội nghị đã được tổ chức, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm tìm ra một giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giải quyết một cách tối đa tình trạng mất ANTT tại các cơ sở khám chữa bệnh. Tuy nhiên, các phương pháp đang được áp dụng như sử dụng thiết bị camera giám sát an ninh, sử dụng thẻ từ, nâng cao khả năng ứng trực của nhân viên an ninh; tăng cường phối hợp với công an phường và cảnh sát trật tự 113; dán thông báo, phát loa nhằm nâng cao nhận thức cho bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế... chỉ được xem là giải pháp tình thế chứ chưa thể giải quyết triệt để được vấn đề.
Cần sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ
Từ đầu năm đến nay, tại các BV trên cả nước đã xảy ra hàng chục vụ liên quan đến mất an toàn, an ninh trong BV. Là địa bàn có nhiều BV lớn, tình hình ANTT tại các BV rất phức tạp, Thượng tá Nguyễn Ngọc Biên - Phó trưởng Công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, sau hơn một năm triển khai thực hiện Quy chế phối hợp, tình hình ANTT tại các cơ sở y tế trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, mọi thông tin liên quan đến ANTT tại các BV thường xuyên được trao đổi, nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho cán bộ, nhân viên, y bác sĩ, người dân chủ động phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội. Trong thời gian qua, Công an quận Hai Bà Trưng đã tiếp nhận và xử lý kịp thời nhiều thông tin liên quan đến ANTT tại các BV thông qua đường dây nóng. Bên cạnh những kết quả đó, chỉ huy Công an quận Hai Bà Trưng thẳng thắn chỉ rõ một số tồn tại trong công tác thực hiện quy chế như: Có cơ sở y tế khi xảy ra vụ việc bất ổn về ANTT đã chưa kịp thời thông báo đến cơ quan công an hoặc hướng dẫn người bị hại trình báo. Một số công an phường chưa chủ động, nhạy bén khi tiếp nhận, xử lý thông tin còn chậm chạp. Tại một số khu vực cổng BV vẫn tồn tại hàng rong, xe ôm, trông giữ xe lấn chiếm lòng, hè đường.
Liên quan đến vấn đề an ninh trật tự tại các BV, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê, cho rằng: Cần phải coi trọng an toàn, an ninh BV như công tác khám chữa bệnh. Tình trạng mất ANTT tại BV có thể chỉ ra mấy nguyên nhân chủ yếu như: tình hình chung của trật tự an ninh xã hội phức tạp, trong khi các biện pháp bảo đảm an ninh ở nhiều BV chưa được quan tâm đúng mức; sự quá tải ở một số BV đã tạo cơ hội cho một số cá nhân trục lợi; lực lượng an ninh chưa “đủ mạnh” cả về số lượng và chất lượng; hệ thống kỹ thuật an ninh hỗ trợ chưa có, hoặc chưa đủ; y đức của một số nhân viên y tế làm ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy thuốc; các sự cố y khoa do nguyên nhân khách quan và chủ quan; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng liên quan khi có vụ việc xảy ra chưa đồng bộ...
Một trong những hành lang pháp lý quan trọng cho việc triển khai công tác đảm bảo ANTT là Bộ Y tế đã đưa ANTT tại BV là một trong 83 tiêu chí đánh giá trong Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng BV được ban hành theo Quyết định 4858/QĐ-BYT ngày 3/12/2013. Điều này thể hiện sự quan tâm của Bộ Y tế với công tác an ninh BV, coi nhiệm vụ đảm bảo an toàn người bệnh, an toàn cho nhân viên y tế cần được coi trọng không kém với công tác đảm bảo chất lượng chuyên môn khám chữa bệnh.
Trần Lâm