- Từ nhiều năm nay, dư luận đã bức xúc trước không ít vụ hành hung thầy thuốc và gần đây lại liên tiếp xảy ra tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An…
- Bộ Y tế đã không ít lần kêu gọi các cơ quan chức năng, cộng đồng tham gia chống lại bạo lực bệnh viện, bảo vệ nhân viên y tế, nhưng bảo vệ bằng cách nào, đây là câu hỏi không dễ giải đáp.
- Trước hết, cần xác định nguyên nhân của tình trạng bạo lực trong cơ sở y tế là do một số cá nhân thiếu kiềm chế, có cách hành xử bạo lực, côn đồ. Thứ hai, bệnh nhân liên quan đến những vụ mâu thuẫn, xô xát, bạo lực trước đó, nay mâu thuẫn tiếp tục xảy ra trong điều trị. Thứ ba, có phần nguyên nhân từ sự lỏng lẻo của khâu bảo vệ trong cơ sở y tế.
- Bảo vệ bệnh viện không thể can thiệp kịp thời bởi vì những vụ tấn công xảy ra nhanh, không lường trước được. Và ngay cả khi có bảo vệ, họ cũng chưa chắc đã khống chế được những tên côn đồ hung hãn. Dù có cơ chế phối hợp giữa công an địa phương với bệnh viện, nhưng công an chỉ có mặt ở bệnh viện sau khi sự việc xảy ra.
- Rõ khổ! Các y, bác sĩ là những trí thức, chỉ biết cứu chữa bệnh nhân, họ không đủ khả năng tự vệ trước những tên côn đồ hung hãn. Những tên côn đồ này còn dùng cả dao búa để chém người, không chết đã là may mắn.
- Vấn đề vẫn là chế tài xử lý đối với những kẻ đã gây ra bạo lực trong cơ sở y tế còn chưa đủ sức răn đe, chỉ có một số vụ nghiêm trọng bị khởi tố, còn lại chủ yếu phạt hành chính hoặc chỉ nhắc nhở.
- Đúng là giải quyết vấn đề an ninh bệnh viện cần có hệ thống giải pháp đồng bộ, khoa học và sự chung tay của toàn xã hội.
- Không lẽ cứ để ngành y đơn độc trong cuộc chiến chống bạo lực và nạn nhân không chỉ là thầy thuốc mà còn là chính cả cộng đồng.