1. Ăn nhiều thịt đỏ chế biến có nguy cơ suy giảm nhận thức
Mặc dù thịt đỏ chứa sắt, kẽm, vitamin B12 là những chất dinh dưỡng có lợi và cần thiết để cơ thể sản xuất các tế bào hồng cầu mới nhưng ăn quá nhiều lại không tốt, nhất là các loại thịt đỏ chế biến sẵn có chứa lượng chất béo bão hòa cao, nhiều muối, phụ gia và chất bảo quản.
Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc tiêu thụ thịt đỏ thường xuyên với một số vấn đề sức khỏe như bệnh tim, một số bệnh ung thư, bệnh thận, tiêu hóa và chức năng nhận thức. Trong nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Neurology của Viện Hàn lâm Thần kinh học Hoa Kỳ, các nhà khoa học đã khám phá ra mối liên hệ tiềm ẩn giữa việc tiêu thụ thịt đỏ với tình trạng suy giảm nhận thức và nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ.
Để đánh giá nguy cơ mắc chứng mất trí, các nhà nghiên cứu đã đưa 133.771 người có độ tuổi trung bình là 49 tuổi, những người không mắc chứng bệnh này khi bắt đầu nghiên cứu. Tổng cộng có 11.173 người mắc chứng mất trí trong quá trình theo dõi kéo dài tới 43 năm. Khi hoàn thành bảng câu hỏi về thực phẩm sau mỗi hai đến bốn năm, những người tham gia sẽ ghi lại những gì họ tiêu thụ và tần suất tiêu thụ.
Thịt đỏ chế biến bao gồm thịt xông khói, xúc xích, lạp xưởng và các sản phẩm thịt chế biến khác. Thịt bò, thịt lợn, thịt cừu và thịt xay được coi là thịt đỏ chưa qua chế biến. Một khẩu phần tương đương với 3 ounce thịt đỏ (khoảng 84g). Các nhà nghiên cứu đã tính toán lượng thịt đỏ mà những người tham gia tiêu thụ trung bình mỗi ngày.
Đối với thịt đỏ chế biến, họ phân chia những người tham gia thành ba nhóm. Mức tiêu thụ trung bình ít hơn 0,10 khẩu phần mỗi ngày ở nhóm thấp; từ 0,10 đến 0,24 khẩu phần mỗi ngày ở nhóm trung bình và 0,25 khẩu phần trở lên mỗi ngày ở nhóm cao.
Nhóm huyết áp cao có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao hơn 13% so với nhóm có huyết áp thấp sau khi các nhà nghiên cứu điều chỉnh các biến số như tuổi tác, giới tính và các yếu tố nguy cơ khác gây suy giảm nhận thức.
Đối với thịt đỏ chưa qua chế biến, các nhà nghiên cứu đã so sánh những người ăn trung bình ít hơn một nửa khẩu phần mỗi ngày với những người ăn một hoặc nhiều khẩu phần mỗi ngày. Họ không thấy sự khác biệt về nguy cơ mắc chứng mất trí.
Để đo lường sự suy giảm nhận thức chủ quan, các nhà nghiên cứu đã đánh giá một nhóm khác gồm 43.966 người tham gia với độ tuổi trung bình là 78. Sự suy giảm nhận thức chủ quan xảy ra khi một người nhận thấy các vấn đề về trí nhớ và tư duy trước khi bất kỳ sự suy giảm nào đủ đáng kể để được ghi nhận trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn.
Sau khi điều chỉnh các biến số như tuổi tác, giới tính và các yếu tố rủi ro khác gây suy giảm nhận thức, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, những người tham gia tiêu thụ trung bình 0,25 khẩu phần thịt đỏ chế biến trở lên mỗi ngày có nguy cơ suy giảm nhận thức chủ quan cao hơn 14% so với những người ăn trung bình ít hơn 0,10 khẩu phần mỗi ngày.
Họ cũng phát hiện ra rằng, những người ăn một hoặc nhiều khẩu phần thịt đỏ chưa qua chế biến mỗi ngày có nguy cơ suy giảm nhận thức chủ quan cao hơn 16% so với những người ăn ít hơn một nửa khẩu phần mỗi ngày.
Để đo chức năng nhận thức khách quan, các nhà nghiên cứu đã chuyển sang một nhóm khác gồm 17.458 phụ nữ tham gia với độ tuổi trung bình là 74. Chức năng nhận thức khách quan biểu thị mức độ hoạt động của não trong việc ghi nhớ, suy nghĩ và giải quyết vấn đề.
Sau khi điều chỉnh theo độ tuổi, giới tính và các yếu tố nguy cơ khác gây suy giảm nhận thức, họ phát hiện ra rằng ăn nhiều thịt đỏ chế biến có liên quan đến quá trình lão hóa não nhanh hơn về nhận thức toàn cầu với 1,61 năm với mỗi khẩu phần ăn bổ sung mỗi ngày và về trí nhớ lời nói với 1,69 năm với mỗi khẩu phần ăn bổ sung mỗi ngày.
2. Điều chỉnh chế độ ăn uống giúp giảm nguy cơ suy giảm nhận thức
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của não và giảm thiểu nguy cơ suy giảm nhận thức. Nghiên cứu này bổ sung thêm bằng chứng ngày càng tăng cho thấy cách ăn uống và lựa chọn thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe não bộ.
Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng, hàm lượng chất béo bão hòa cao trong thịt đỏ có thể góp phần gây ra tình trạng suy giảm nhận thức do tuổi tác bằng cách làm suy yếu quá trình chuyển hóa cholesterol và gây ra tình trạng kháng insulin. Do đó việc thay đổi chế độ ăn uống có thể mang lại lợi ích đáng kể.
Để bảo vệ chức năng nhận thức, các nhà nghiên cứu khuyến nghị mọi người nên tăng cường các nguồn protein lành mạnh hơn như: cá, gia cầm, trứng, sữa ít béo, các loại hạt, đậu và các thực phẩm có nguồn gốc thực vật.
Việc thay thế một khẩu phần thịt đỏ chế biến mỗi ngày bằng một khẩu phần các loại hạt và đậu có liên quan đến việc giảm 19% nguy cơ mắc chứng mất trí và giảm 1,37 năm lão hóa nhận thức. Việc thay thế cá bằng thực phẩm tương tự có thể làm giảm 28% nguy cơ mắc chứng mất trí, trong khi việc thay thế bằng thịt gà có thể làm giảm 16% nguy cơ.
Các thực phẩm có nguồn gốc thực vật, đặc biệt là protein thực vật đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình lão hóa khỏe mạnh và duy trì tình trạng sức khỏe tích cực. Protein từ thực vật là nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, chất xơ và chất chống oxy hóa. Chúng cũng có hàm lượng chất béo thấp, ít cholesterol tốt cho tim mạch, cải thiện sức khỏe tổng thể, giúp giảm nguy cơ suy giảm nhận thức và các bệnh liên quan đến tuổi tác.
Hợp chất flavonol dồi dào trong trái cây, rau củ và trà có chức năng bảo vệ tế bào, bao gồm cả các neuron thần kinh, có thể làm chậm lại quá trình mất trí nhớ. Những người ăn nhiều thực phẩm chứa flavonol ít bị suy giảm nhận thức hơn. Kết quả nghiên cứu trước đó trên tạp chí Neurology đã chứng minh điều đó.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Ăn thịt đỏ có làm ung thư tiến triển nhanh?