Ăn nhiều muối làm suy yếu hệ miễn dịch

15-05-2020 15:30 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Hầu hết mọi người đều biết, ăn nhiều muối có thể dẫn đến huyết áp cao nhưng nghiên cứu mới cho thấy ăn nhiều muối cũng có thể gây hại cho hệ thống miễn dịch.

Nghiên cưu trên được thực hiện tại Bệnh viện Ðại học Bonn - một trong những trường đại học hàng đầu của Ðức trong lĩnh vực miễn dịch học. Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng lượng muối trong chế độ ăn hằng ngày của chúng ta đang vượt mức cho phép.

Vì sao tiêu thụ nhiều muối làm suy giảm miễn dịch?

Khi natri clorua thành phần hóa học chính của muối đạt nồng độ thừa trong máu sẽ được lọc qua thận và bài tiết qua nước tiểu, có một cảm biến kích hoạt chức năng bài tiết muối. Tuy nhiên, có một tác dụng không mong muốn - đó là hoạt động của những cảm biến này cũng khiến chất glucocorticoid tích tụ trong cơ thể, sau đó ức chế chức năng của bạch cầu hạt - loại tế bào miễn dịch phổ biến nhất trong máu. Những tế bào miễn dịch này được gọi là “tế bào nhặt rác”, chủ yếu tấn công vào vi khuẩn và virus.

Các tác hại khác khi dùng nhiều muối

Thực ra, chúng ta cần muối để tồn tại vì cơ thể  dựa vào natri cùng với các chất điện giải khác như kali để co cơ, dẫn truyền thần kinh, kiểm soát và cân bằng chất lỏng cơ thể. Tuy nhiên, cơ thể sẽ phản ứng tiêu cực khi chúng ta tiêu thụ quá nhiều muối, điều này có thể ảnh hưởng đến não, thận, động mạch và tim.

Việc lạm dụng muối gây mất cân bằng hóa học có thể dẫn đến tử vong. Thống kê cho thấy, muối là yếu tố chính góp phần gây ra đột quỵ và đau tim ở cộng đồng cư dân Nam Phi, cướp đi nhiều sinh mạng mỗi năm hơn tất cả các dạng ung thư cộng lại. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị dùng 5g muối mỗi ngày. Tuy nhiên, ước tính người Nam Phi sử dụng 8,5g mỗi ngày.

Chế độ ăn nhiều muối làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ và bệnh tim mạch.

Chế độ ăn nhiều muối làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ và bệnh tim mạch.

Một số nguy cơ sức khỏe khi dùng quá nhiều muối hằng ngày

Tăng nguy cơ bệnh tim mạch

Vượt quá lượng natri khuyến nghị hàng ngày góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở người lớn. Theo các nghiên cứu được đăng trên Tạp chí BMJ, lượng muối cao có liên quan đến việc tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ và bệnh tim mạch.

Gây sưng phù

Chế độ ăn nhiều natri khiến cơ thể giữ nước và gây phù, biểu hiện sưng đầu gối hoặc bàn chân và thậm chí bàn tay. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, có thể điều trị bằng thay đổi chế độ ăn uống hoặc uống thuốc theo toa.

Làm thay đổi vị giác

Tiêu thụ quá nhiều muối trong một thời gian dài khiến vị giác của bạn thay đổi, không còn nhạy cảm và phân biệt chính xác vị của các thực phẩm dùng hàng ngày.

Gây đầy hơi

Thực phẩm chứa nhiều muối là thủ phạm gây đầy hơi. Nhiều báo cáo cho rằng thực phẩm chứa natri cao thường là thực phẩm chế biến sẵn khiến cơ thể giữ nước và gây đầy hơi.

Tăng nguy cơ ung thư dạ dày

Tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn có hại cho dạ dày. Nghiên cứu cho thấy dùng nhiều thịt xông khói, xúc xích chứa nhiều muối và chất béo không lành mạnh có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

Độc hại cho thận

Thận giúp loại bỏ các chất thải, cân bằng mức chất lỏng và kiểm soát việc sản xuất các tế bào hồng cầu trong cơ thể. Nhưng nếu tiêu thụ lượng muối cao và kết hợp tăng huyết có thể gây tổn thương cho thận dẫn đến làm giảm khả năng lọc của thận và tích lũy nhiều chất độc hại trong cơ thể.

Khuyến cáo lượng muối dùng hàng ngày

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), không nên dùng quá 5g muối (tương đương 1 thìa cà phê nhỏ) mỗi ngày. Khuyến cáo chỉ cần giảm chút ít muối trong chế độ ăn uống có thể làm giảm huyết áp từ 2-8mmHg. Nói chung, hạn chế lượng muối dưới 2.300mg mỗi ngày hoặc ít hơn. Chỉ cần 1 muỗng cà phê nhỏ muối đã có 2.300mg natri, nhưng bạn nên hạn chế dưới 1.500mg nếu bạn bị tăng huyết áp.

Trong thời kỳ căng thẳng khi phải đối mặt với dịch bệnh COVID-19, việc tăng cường hệ miễn dịch là vô cùng quan trọng. Vì vậy, cắt giảm lượng muối và thêm các thực phẩm tăng cường miễn dịch vào chế độ ăn uống hàng ngày là chìa khóa để giữ sức khỏe.


TS.BS. Lê Thanh Hải
Ý kiến của bạn