Ăn nhiều khoai tây có hại không?

12-02-2025 09:00 | Vị thuốc quanh ta
google news

SKĐS - Khoai tây được chế biến thành rất nhiều món ăn và còn là bài thuốc sử dụng cho các trường hợp lao động mệt mỏi, cảm lạnh, loét dạ dày, tá tràng... Tuy nhiên, ăn nhiều khoai tây có gây hại không?

Khoai tây có tên khoa học là Solanum tuberosum L, thuộc họ Cà Solanaceae. Theo Đông y, khoai tây có vị ngọt, tính bình, tác dụng kiện tỳ vị, trừ phong thấp, tiêu viêm. Khoai tây là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng nhờ chứa nhiều tinh bột, đường, vitamin, khoáng chất và vi lượng...

Tuy nhiên, nếu sử dụng quá nhiều khoai tây có thể gây ra một số hệ lụy với sức khỏe, bao gồm:

1. Ăn nhiều khoai tây sẽ gây đầy bụng

Một củ khoai tây cỡ vừa còn nguyên vỏ cung cấp 4 gam chất xơ. Lượng chất xơ này làm chậm quá trình tiêu hóa, duy trì cảm giác no lâu và tăng cường nhu động ruột, từ đó ngăn ngừa táo bón. Tuy nhiên, vì khoai tây chứa nhiều tinh bột nên dễ gây đầy bụng khi ăn nhiều.

Vì vậy, cách tốt nhất để tránh triệu chứng khó chịu này là kết hợp khoai tây với lượng vừa đủ trong một bữa ăn cân bằng.

20230616_day-hoi-chuong-bung-2

Ăn nhiều khoai tây dễ gây đầy bụng.

2. Có thể gây tăng cân

Nếu sử dụng khoai tây ở mức độ vừa phải có thể mang lại tác dụng giảm cân do chúng không chứa chất béo nhưng lại nhiều chất xơ. Tuy nhiên, theo Mayo Clinic, tiêu thụ nhiều khoai tây có thể khiến cơ thể có cảm giác thèm tinh bột hơn, điều này có thể dẫn đến ăn quá nhiều, gây tăng cân.

Nguyên nhân là do sau khi ăn khoai tây, lượng đường trong máu tăng đột biến khiến cơ thể giải phóng nhiều insulin hơn mức cần thiết. Lượng insulin dư thừa này làm lượng đường trong máu giảm xuống thấp hơn bình thường, khiến cơ thể thèm nhiều carbohydrate hơn.

Ngoài ra, khi ăn nhiều khoai tây, lượng đường dư thừa thường được chuyển hóa thành chất béo, dẫn đến tăng cân. Nếu khoai tây được chế biến kèm theo nhiều phô mai, kem chua, bơ... sẽ chứa nhiều calo và khi sử dụng quá nhiều cũng dễ dàng gây tăng cân.

3. Làm tăng lượng đường trong máu

Mặc dù khoai tây được coi là một loại carbohydrate "phức hợp" lành mạnh, nhưng chúng vẫn có thể làm tăng lượng đường trong máu. Giải thích hiện tượng này, chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Colleen Christensen cho biết, cơ thể chuyển hóa carbohydrate thành một loại đường đơn gọi là glucose.

Hormone insulin giúp vận chuyển những loại đường này đến các tế bào để cơ thể sử dụng tạo năng lượng. Mặc dù khoai tây ảnh hưởng đến đường huyết ở mức độ vừa phải nhưng đối với những người bị đái tháo đường hay người ăn quá nhiều loại thực phẩm này có thể làm tăng lượng đường được hấp thụ vào máu.

4. Dễ gây tăng huyết áp

Mặc dù cơ chế chính xác đằng sau tình trạng tăng huyết áp do ăn nhiều khoai tây vẫn chưa rõ ràng, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân có thể do tiêu thụ nhiều khoai tây dễ gây tăng cân, đây là một yếu tố nguy cơ gây huyết áp cao.

Bên cạnh đó, khoai tây có hàm lượng carbohydrate cao nên chúng được coi là thực phẩm có chỉ số đường huyết cao. Tiêu thụ nhiều loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao làm tăng nguy cơ huyết áp cao.

20190726_073439_225279_tang_huyet_ap_max_1800x1800_jpg_3664b5c0e7

Tăng huyết áp có liên quan đến tiêu thụ quá nhiều khoai tây.

5. Gây ra các vấn đề về tiêu hóa

Khi ăn khoai tây còn nguyên vỏ là nguồn cung cấp nhiều chất xơ cũng như tinh bột kháng. Một củ khoai tây cỡ trung bình chứa khoảng 3,6 gam chất xơ, chiếm khoảng 9 - 17% lượng chất xơ mỗi ngày. Mặc dù chất xơ có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng nếu cung cấp nhiều chất xơ từ khoai tây có thể dẫn đến tình trạng đầy hơi, chuột rút, tiêu chảy, chán ăn...

Không chỉ thế, lượng chất xơ quá nhiều từ khoai tây cũng có thể ức chế sự hấp thụ một số chất dinh dưỡng, như kẽm, sắt, magiê và canxi, có thể dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng.

Mời bạn xem tiếp video:

Khoai tây chiên gây hại sức khỏe thế nào | SKĐS


Lê Mỹ Giang
Theo livestrong
Ý kiến của bạn