Da là cơ quan lớn nhất trong cơ thể, do đó, không có gì ngạc nhiên khi những gì bạn ăn có thể được phản ánh ra bên ngoài. Chế độ ăn uống đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe của làn da.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), ăn quá nhiều đường thậm chí có thể gây ra các dấu hiệu lão hóa da sớm như nếp nhăn, chảy xệ và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính nguy hiểm như đái tháo đường type 2, bệnh tim… Do đó, CDC khuyến nghị hạn chế lượng đường bổ sung (có thể tìm thấy thông tin này trên nhãn thông tin dinh dưỡng) ở mức khoảng 12 thìa cà phê mỗi ngày.
Điều này không áp dụng cho các nguồn đường tự nhiên như trái cây. Mặc dù trái cây được gọi là kẹo của thiên nhiên, nhưng nó lại chứa chất xơ và các chất dinh dưỡng quan trọng khác có lợi cho sức khỏe. Một số bằng chứng còn cho thấy, ăn trái cây có thể giúp tăng cường độ ẩm cho da, góp phần mang lại cho làn da sáng mịn.
Ăn thực phẩm nhiều đường có thể gây ra cho làn da.
Dưới đây là những cách mà đường có thể gây hại cho làn da:
1. Đường có thể đẩy nhanh các dấu hiệu lão hóa da
TS. S.Tyler Hollmif, chuyên gia da liễu thẩm mỹ và laser, Đại học Texas cho biết, đường có tác dụng rõ rệt đối với da, thông qua một quá trình gọi là glycation, trong đó các phân tử đường liên kết với protein, lipid hoặc axit nucleic, tạo ra những sản phẩm cuối cùng của quá trình glycation tiên tiến (AGEs), có thể gây hại cho các sợi collagen và đàn hồi trong da. Glycation cản trở quá trình sửa chữa collagen, một quá trình quan trọng để duy trì các sợi collagen đàn hồi.
Kết quả là đẩy nhanh quá trình lão hóa da, làm tăng sự hình thành các gốc tự do gây tổn hại cho da.
2. Thúc đẩy mụn trứng cá
Theo TS. Hollmig, nếu bạn nhận thấy xuất hiện nhiều mụn hơn, hãy kiểm tra lượng đường trong chế độ ăn uống của mình, vì chế độ ăn nhiều đường có liên quan đến mụn trứng cá.
Một nghiên cứu của JAMA Dermatology xem xét gần 25.000 người trưởng thành cho thấy, tiêu thụ thực phẩm béo và đường có liên quan đến việc tăng nguy cơ mụn trứng cá lên 54%. Riêng đồ uống có đường làm tăng nguy cơ này lên 18%.
Các tác giả chỉ ra rằng, đường làm tăng insulin, tăng tình trạng viêm, một yếu tố thúc đẩy sự phát triển của mụn trứng cá. Đường cũng có thể làm tăng các yếu tố tăng trưởng nhất định như androgen, là hormone có liên quan đến việc sản xuất dầu làm tắc nghẽn lỗ chân lông nhiều hơn.
3. Làm trầm trọng thêm bệnh vẩy nến
Bệnh vẩy nến là một bệnh tự miễn, trong đó các tế bào da phát triển đặc biệt nhanh, dẫn đến hình thành các mảng và vảy.
Nghiên cứu trên động vật đã bắt đầu làm sáng tỏ vai trò của chế độ ăn uống, bao gồm cả đường, có thể đóng vai trò trong sự phát triển của bệnh vẩy nến.
TS. Samuel Hwang, Khoa da liễu tại UC Davis Health, đồng tác giả nghiên cứu cho biết, khi chuột được cho ăn chế độ ăn nhiều đường và chất béo, chúng phát triển bệnh viêm giống bệnh vẩy nến chỉ trong bốn tuần.
Mặc dù nghiên cứu được thực hiện trên chuột, nhưng TS. Hwang tin rằng kết quả cũng có thể áp dụng cho con người và cần nhiều nghiên cứu hơn để chứng minh điều này.
Theo các nhà khoa học, tình trạng viêm gia tăng có thể làm tăng khả năng mắc bệnh vẩy nến của một người và ở một số người có thể gây ra những thay đổi rõ rệt trên da cùng với các triệu chứng của bệnh vẩy nến, chẳng hạn như mẩn đỏ và mảng bám. Mọi người cũng có thể phát triển tình trạng viêm cận lâm sàng, không có vết đỏ hoặc vảy da rõ ràng nhưng có ngứa.
TS. Hwang chỉ ra rằng, hiếm khi chúng ta ăn một chế độ ăn nhiều đường một cách riêng biệt và thường đi kèm với chất béo. Cùng với nhau, đường và chất béo có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hệ vi sinh vật đường ruột bằng cách thay đổi quần thể vi khuẩn lành mạnh gây ra tình trạng viêm nhiễm trong bệnh vẩy nến.
Khi tôi gặp bệnh nhân mắc bệnh vẩy nến, tôi không chỉ nói với họ về các loại thuốc hiện có mà còn nói với họ về những thay đổi trong lối sống mà họ có thể thực hiện. Ví dụ như chuyển từ chế độ ăn phương Tây sang chế độ ăn Địa Trung Hải niều hơn với giàu trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu… có thể giúp giảm viêm để cải thiện các triệu chứng..., TS. Hwang khuyến cáo.
Mời độc giả xem thêm video:
Chăm sóc da bằng caffeine có hiệu quả không? | SKĐS