Cho đến gần đây, các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn về cơ chế chính xác mà chế độ ăn nhiều chất béo và vi khuẩn đường ruột gây ra các bệnh về tim. Giờ đây, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, ở Nashville (bang Tennessee, Hoa Kỳ) đã bắt tay vào giải thích hiện tượng này.
Nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn nhiều chất béo, chẳng hạn như thường xuyên ăn thức ăn nhanh, cản trở hoạt động bình thường của ruột và thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn có hại. Ngoài ra, các vi khuẩn đường ruột chuyển hóa chất trong thực phẩm béo thành chất chuyển hóa có hại thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch - một rối loạn trong đó hình thành các mảng làm hẹp động mạch. Điều này dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim.
Nghiên cứu này có thể làm sáng tỏ cơ chế chính xác mà chế độ ăn nhiều chất béo làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và cách ngăn chặn những hệ quả này.
Nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Science mới đây.
Hệ vi khuẩn đường ruột ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe
Thực phẩm chúng ta ăn có những tương tác phức tạp với đường ruột, bao gồm cả hệ vi sinh vật của nó.
Hệ vi khuẩn đường ruột đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người và phòng chống bệnh tật. Do đó, những thay đổi trong hoạt động thường xuyên của nó có thể góp phần gây ra những rắc rối sức khỏe, chẳng hạn như hội chứng ruột kích thích, béo phì và bệnh tim mạch.
Trước đây, các nhà khoa học thường thắc mắc về mối liên hệ giữa ruột, vi khuẩn đường ruột và kết quả sức khỏe.
TS. Mariana Byndloss và các cộng sự tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt đã tiến hành nghiên cứu trên chuột để tìm hiểu mối liên hệ giữa chế độ ăn nhiều dầu mỡ, vi khuẩn đường ruột và nguy cơ phát triển bệnh tim.
"Chỉ khi hiểu đầy đủ về mối quan hệ giữa vật chủ - chúng ta - và vi khuẩn đường ruột trong quá trình sức khỏe và bệnh tật, chúng tôi mới có thể thiết kế các liệu pháp có hiệu quả trong việc kiểm soát béo phì và các kết quả liên quan đến béo phì như bệnh tim mạch", TS. Byndloss cho biết.
Nghiên cứu cho thấy, việc tiếp xúc lâu dài với chế độ ăn nhiều chất béo sẽ làm tổn thương biểu mô ruột và gây ra chứng viêm cấp độ thấp. Nó cũng cho thấy rằng chế độ ăn nhiều chất béo cản trở các chức năng tạo ra năng lượng của ty thể.
TS. Byndloss cho biết: "Dựa trên các nghiên cứu trước đây, chúng tôi đưa ra giả thuyết rằng tổn thương niêm mạc ruột do chế độ ăn nhiều chất béo gây ra có thể dẫn đến những thay đổi tiêu cực đối với hệ vi khuẩn đường ruột, bao gồm sự phát triển của các vi khuẩn có hại (ví dụ: Enterobacteriaceae) và là nguyên nhân của nhiều bệnh lý khác".
"Nghiên cứu của chúng tôi phát hiện ra rằng các tế bào chủ, đặc biệt là biểu mô ruột, đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh chức năng của hệ vi sinh vật và có thể "bật" hoặc "tắt" các con đường trao đổi chất trong vi sinh vật sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguy cơ mắc một số bệnh nhất định" - TS. Byndloss cho biết thêm.
Điều này hỗ trợ các nghiên cứu trước đây cho thấy rằng một biểu mô ruột khỏe mạnh rất quan trọng trong việc hỗ trợ các vi khuẩn có lợi và duy trì sức khỏe đường ruột cũng như sức khỏe tổng thể.
Quá trình chuyển hóa cholesterol dẫn đến bệnh tim mạch
Các nhà khoa học đã sử dụng các mô hình động vật để thử nghiệm các giả thuyết của họ. Đầu tiên, họ nhận thấy rằng trong chế độ ăn nhiều chất béo, hệ vi sinh vật đường ruột đã chuyển đổi choline trong chế độ ăn thành trimethylamine. Chất này được gan tiếp tục chuyển thành trimethylamine N-oxide (TMAO).
TMAO làm thay đổi quá trình chuyển hóa cholesterol, dẫn đến hình thành các mảng bám trong động mạch - dẫn đến xơ vữa động mạch.
Tiếp theo, nhóm nghiên cứu lưu ý rằng chế độ ăn nhiều chất béo làm gián đoạn các chức năng thường xuyên của ty thể, dẫn đến tăng sản xuất oxy và nitrat. Do đó, những khí này thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn Enterobacteriaceae có khả năng gây bệnh, chẳng hạn như Escherichia coli.
Những phát hiện này đã khẳng định giả thuyết của các nhà nghiên cứu về vai trò của chế độ ăn nhiều chất béo đối với sự tiến triển của bệnh. Nó cũng giải thích các cơ chế chính xác mà các bệnh này có thể xảy ra.
Và trong một phát hiện quan trọng, các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng sau khi điều trị bằng thuốc 5-aminosalicylic acid, nồng độ oxy và nitrat của ty thể bình thường đã được phục hồi. Hơn nữa, thuốc cũng làm chậm sự gia tăng TMAO lưu hành trên các mô hình động vật.
Tuy nhiên, cần có những nghiên cứu tiếp theo để chứng minh rằng sự gia tăng TMAO do chế độ ăn nhiều chất béo trực tiếp thúc đẩy chứng xơ vữa động và các bệnh tim mạch.
TS. Byndloss và nhóm nghiên cứu cũng có kế hoạch khám phá vai trò của mối quan hệ giữa vật chủ và vi khuẩn trong sự phát triển của các bệnh khác. Lĩnh vực đầu tiên họ quan tâm có thể là ung thư đại trực tràng.
Đến thời điểm hiện tại, họ hài lòng rằng nghiên cứu của họ đã có thể chứng minh các lựa chọn chế độ ăn uống có thể thúc đẩy sự tồn tại của các vi khuẩn có hại trong ruột như thế nào.
Vì vậy, việc tuân thủ chế độ ăn lành mạnh sẽ giúp bảo vệ bạn khỏi những nguy cơ bệnh tim mạch và nhiều bệnh lý khác.
Xem thêm video đang được quan tâm
Toàn cảnh cuộc huy động gần 14.600 "chiến sĩ áo trắng" của ngành Y giúp miền Nam chống dịch COVID-19.