Nghiện cần sa vì thích ăn bánh ngọt
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương Hà Nội cho biết ông gặp nhiều bệnh nhân đến trung tâm cai nghiện để điều trị cắt cơn nghiện cần sa sau một thời gian dài sinh sống ở nước ngoài.
Trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Quang A. 21 tuổi, từng là Việt Kiều sống ở Canada. Năm 2014, Quang A. theo mẹ về nước. Thời gian ở bên Canada, Quang A. rất thích ăn bánh ngọt và ở một số nơi họ cho cần sa vào bánh ngọt. Khi về Việt Nam, Quang A. cũng ăn bánh ngọt nhưng không có cần sa. Một thời gian, Quang A. thấy người mệt mỏi, chán ăn, sụt cân và đau đầu.
Sau một thời gian đi khám bệnh ở các nơi đều không ra bệnh. Quang A. đến khám tại Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, bác sĩ test thử bằng que thử ma túy, Quang A. dương tính với cần sa. Lúc này, các bác sĩ kết luận do Quang A. nghiện cần sa gây ra các triệu chứng chán ăn, mệt mỏi do thiếu cần sa.
Quang A. đã phải điều trị một thời gian dài bằng các biện pháp sử dụng thuốc và các loại tâm lý trị liệu để cậu có thể trở lại cuộc sống bình thường. Bác sĩ Hùng cho biết, không giống như nhiều bệnh nhân đến cai nghiện, Quang A. hợp tác rất tốt vì bản thân cậu cũng không muốn sử dụng cần sa.
Trường hợp của Vũ Tiến L. trú tại Hoàng Mai, Hà Nội đến điều trị tại bệnh viện vì bị tiêu chảy kéo dài, xanh xao, mệt mỏi. Gia đình cho biết, trước đó L. đã từng phải đi cai nghiện ma túy đá. Sau khi bác sĩ thử test ma túy trong máu bằng que thử dạng 4 càng, bác sĩ giật mình vì lên cả bốn chất ma túy khác nhau. Bác sĩ cho biết H. dương tính với một loại ma túy tổng hợp siêu vi bao gồm cả thành phần Mecamphetamine một dạng ma túy đá, thuốc lắc, cần sa và thuốc phiện.
Bác sĩ Hùng cho biết nhiều thanh niên đến bệnh viện khám trong tình trạng tri giác lơ mơ, xanh xao, gầy guộc… Mỗi bệnh nhân một hoàn cảnh khác nhau nhưng hầu hết họ đều khốn khổ vì sa chân vào cần sa.
Cần sa chính là cỏ Mỹ
Tiến sĩ Hùng cho biết cần sa tại một số nước không cấm nhưng tại Việt Nam thì cấm. Vì thế việc người dùng âm thầm sử dùng, chỉ khi có hậu quả họ mới đến bệnh viện điều trị cai nghiện. Đặc biệt, hiện nay giới trẻ ở Hà Nội đang truyền tai nhau về loại cỏ Mỹ, TS Hùng cho biết đây chính là cần sa được đổi lên đi để hút người dùng.
Cần sa là loại ma tuý được chế từ hoa và lá khô của cây cần sa có tên Cannabis Sativa. Loại ma tuý này còn được biết đến với những tên khác như "cỏ", bồ đà, tài mà và vẫn âm thầm được sử dụng rộng rãi trong xã hội. Chất làm cho người dùng có cảm giác phê vì trong cần sa có chất Tetra Hydro Cannabinol – THC. Về đặc điểm nhận dạng cây cần sa nhìn giống như thảo cỏ, lá chè khô và có thể còn hạt hoặc còn các cành nhỏ.
Khi dùng, người dùng sẽ lấy cần sa lăn bằng tay thành thuốc cuốn vào rồi hút, hoặc hút bằng ống điếu. Ở các nước không cấm cần sa, loại chất nghiện này không chỉ để hút mà người ta còn cho cần sa vào thức ăn như bánh ngọt hoặc bánh qui để ăn hoặc trộn vào thuốc lá để hút. Khi sử dụng cần sa ít nhiều gây cảm giác sảng khoái, yêu đời, kích thích ăn uống. Điểm này khác với ma túy đá gây chán ăn. Vì thế, người nghiện cần sa giai đoạn đầu rất béo và khỏe. Khi không có thuốc gây hiện tượng lên cơn nghiện như đau đầu, tiêu chảy, mệt mỏi, sụt cân.
Về mặt tinh thần, người hút cần sa trước hết có cảm giác lo lắng, bồn chồn - đặc biệt đối với người mới dùng lần đầu - nhưng rất nhanh chóng đạt được cảm giác sảng khoái, kích thích và có sự rối loạn trong suy nghĩ, trí nhớ, rất dễ cười mà không kiểm soát được.
Sau đó là đến các ảo giác, người hút cần sa có cảm tưởng tay chân mình dài ra, nhìn cảnh vật xung quanh thấy hình dạng méo mó, những gì ở xa trở thành gần. Đã có trường hợp người hút cần sa trong cơn say thuốc nhảy từ lầu cao xuống đất chỉ vì anh ta có cảm giác mặt đất quá gần và 2 cánh tay dài ra.
Điều trị cần sa cũng như các loại nghiện chất khác, TS Hùng biết quan trọng nhất là ở chính người nghiện có muốn cai không, nếu họ không muốn chỉ 2 - 3 tháng sau họ lại vào viện vì tái nghiện.
Khánh Ngọc