Ân nhân của nhân loại

15-11-2013 22:42 | Văn hóa – Giải trí
google news

Mỗi lần đi qua tượng Pasteur, tôi không thể không nghĩ đến ông.

Mỗi lần đi qua tượng Pasteur, tôi không thể không nghĩ đến ông. Nếu tôi không nhầm, người Pháp duy nhất có tượng còn tồn tại ở Hà Nội sau những ngày Cách mạng tháng Tám 1945 là Louis Pasteur (1822-1893). Ông mất đã 120 năm, nhưng cả thế giới đều ghi công ông. Và hàng ngày, hàng giờ, sự nghiệp của ông vẫn tiếp tục đóng góp, giảm phần đau khổ cho con người trên thế gian. Riêng Việt Nam đã có chi nhánh Viện Pasteur ở Hà Nội, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh. Trên thế giới có khoảng ba chục Chi nhánh Viện Pasteur.

Viện Pasteur Trung ương do Pasteur chủ trương từ năm 1888, là một tổ chức khoa học tự hạch toán kinh tế nhằm mục đích nghiên cứu sâu vi khuẩn học và vi sinh vật học, sinh học nói chung để chế ra những tác nhân phòng và trị bệnh, đồng thời sản xuất các loại vaccin và huyết thanh. Một trọng tâm nghiên cứu hiện nay của Viện là virut bệnh HIV/AIDS. Quỹ của Viện nói chung dựa vào 4 nguồn: Nhà nước tài trợ 47%, làm khoa học để tự kiếm 29%, tư nhân tặng 14%, tiền thu hoạch định kỳ do sản phẩm công nghiệp 10%.

Pasteur còn đóng góp cho khoa học một số môn đệ xuất sắc như: BS. E.Roux (1853-1933) - người đã tìm ra huyết thanh trị bệnh yết hầu, huyết thanh chống uốn ván..., BS. Yersin (1863-1943) tìm ra vi khuẩn dịch hạch và cách chữa bệnh ấy, đã từng làm giám đốc Viện Pasteur ở Nha Trang, BS. Calmette (1863-1933) đã lập ra Viện Vi trùng học Sài Gòn nghiên cứu về bệnh lao, chế ra vaccin BCG (cộng tác với BS. Guerin ngăn ngừa bệnh lao cho trẻ sơ sinh).

L.Pasteur là con một người thợ thuộc da. Tuy làm ăn vất vả, bố ông cũng cố cho con học đến nơi đến chốn. Ông đỗ tiến sĩ khoa học năm 1847. Ông dạy nhiều trường đại học, được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học, Viện Hàn lâm Y học và cả Viện Hàn lâm Pháp (văn chương), có chân trong nhiều hội nghị khoa học thế giới. Những công trình nghiên cứu đầu tiên của ông thuộc về tinh thể học (Cristallographie). Sau đó, ông nghiên cứu sự lên men, ông chứng minh là sự lên men do vi sinh vật gây ra. Ông lập ra môn vi sinh vật học, giải thích vi khuẩn là nguyên nhân các bệnh truyền nhiễm. Từ đó, ông đề ra vấn đề sát trùng. Trong khi nghiên cứu bệnh dịch gà, bệnh than, bệnh sưng phổi, ông tìm ra nguyên tắc tiêm chủng: lấy một số vi khuẩn bệnh than chẳng hạn làm cho sức phá hoại của số vi khuẩn này giảm bớt, tiêm chủng vào một con vật, con vật sẽ bị bệnh than giả tạo, ở thể nhẹ, khiến cho nó có khả năng chống lại bệnh than thật xâm nhập do truyền nhiễm. Đem vi khuẩn đã làm yếu đi tiêm vào người hay con vật để gây miễn dịch và chống lại bệnh là tiêm chủng vaccin.

Ông nghiên cứu chữa bệnh chó dại theo nguyên tắc trên. Ông thành công với loài vật. Ông lấy tủy xương sống của một con thỏ bị bệnh dại, ông làm cho sức phá hoại của vi khuẩn trong đó yếu đi rồi tiêm vào con khác bị bệnh dại, ông đã thành công.

Ngày 6/7/1885, người ta dẫn đến cho ông một em nhỏ là Joseph   Meister bị chó dại cắn. Đây là lần đầu tiên ông thể nghiệm phương pháp của ông vào con người. Nhà bác học có lòng nhân ái nên vô cùng băn khoăn lo lắng. Một đồng nghiệp của ông kể lại như sau:

Pasteur gặp đứa trẻ mà chẳng bao lâu nữa chắc chắn sẽ chết. Trong cuộc đời, ông là người rất mạnh dạn, từng đương đầu với nhiều nhà bác học lớn để bảo vệ học thuyết của mình. Nay lần đầu tiên ông ngập ngừng trước việc lấy em bé ra thí nghiệm. Pasteur trước sự lo ngại cho sinh mệnh đứa bé đã quên mất cả kinh nghiệm, khiến ông không tin chắc sẽ thành công. Chỉ có bà Pasteur vợ ông là không bao giờ nghi ngờ vào kết quả tốt đẹp của chồng.

Khi điều trị xong cho chú bé, Pasteur như bị suy sụp vì quá xúc cảm, đồng ý đi nghỉ vài ngày với vợ chồng đứa con gái ở vùng núi Morvan.

Nhưng ông vẫn bị ám ảnh về đứa trẻ. Sáng nào ông cũng chờ đợi một bức điện tín mà người trợ thủ của ông sẽ báo tin về sức khỏe đứa trẻ...

Nhưng thật may cho cả loài người: Đứa trẻ ngỡ không sống được đã hồi sinh. Một thành công vô giá ông đóng góp cho y học!

  Hữu Ngọc

(trích Pasteur – Hachette, Paris 1938)


Ý kiến của bạn