Hà Nội

Ăn nhầm cá nóc chết chóc cận kề

01-09-2014 20:52 | Y học 360
google news

SKĐS - Cá nóc rất độc dù là cá tươi, khô, đông lạnh. Ăn nhầm cá nóc chết chóc cận kề. Có gia đình ăn cá nóc chết cả nhà. Do đó chúng ta phải cảnh giác phòng tránh ngộ độc cá nóc.

          Cá nóc rất độc dù là cá tươi, khô, đông lạnh. Ăn nhầm cá nóc chết chóc cận kề. Có gia đình ăn cá nóc chết cả nhà. Không chỉ ở các tỉnh ven biển, mà ở cả các tỉnh sâu trong nội địa như Hà Nội, Bắc Ninh, Đăc Lắc, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh…đều có người ngộ độc  cá nóc. Do đó chúng ta phải cảnh giác phòng tránh ngộ độc cá nóc.  

Cá nóc rất độc

Dọc vùng biển Việt Nam có 66 loài cá nóc thuộc 12 giống và 4 họ, tập trung nhiều ở ven biển miền Trung.

     

 

Một loại cá nóc
Một loại cá nóc

     

 

Cá nóc mít rất độc, dễ ăn nhầm
Cá nóc mít rất độc, dễ ăn nhầm

 

Cá nóc rất độc bởi có chứa độc tố tetrodotoxin, chất này tan trong nước và không bị phá hủy ở nhiệt độ sôi, phơi khô hay đông lạnh. Khi đun sôi ở 100o C trong 6 giờ độc tố mới giảm một nửa, đun sôi ở 200oC mất 10 phút độc tố mới bị phá huỷ hoàn toàn.

     

 

Công thức hóa học chất độc Tetrodotoxin
Công thức hóa học chất độc Tetrodotoxin

 

Vì vậy nếu chỉ nấu chín thông thường, cá nóc vẫn gây ngộ độc. Chất độc có nhiều ở trứng, ruột, gan cá nóc. Người ăn nhầm hay chủ ý ăn cá nóc, chất độc ngấm vào cơ thể gây liệt cơ,  ngừng thở và tử vong.

    

 

Cấu trúc phân tử chất độc tetrodotoxin
Cấu trúc phân tử chất độc tetrodotoxin

 

Cần chú ý là: chất độc tetrodotoxin còn có trong con bạch tuộc vòng nhẫn xanh ở râu và con kỳ nhông. Do đó để tránh ngộ độc chết người, chúng ta không ăn bạch tuộc vòng nhẫn xanh ở râu và kỳ nhông, vì cũng bị ngộ độc như ăn cá nóc.

Dấu hiệu bị ngộ độc cá nóc

Dấu hiệu ngộ độc tùy thuộc vào sức khỏe của người ăn cá nóc, lượng chất độc ăn vào nhiều hay ít…mà có các biểu hiện khác nhau. Người ăn cá nóc chỉ từ 20 phút - 3 giờ, sẽ có dấu hiệu ngộ độc: nạn nhân thấy môi và đầu lưỡi bị tê, sau đó tê lan dần đến tay chân. Đau đầu, đau bụng, nhức mỏi toàn thân. Nôn mửa dữ dội, khó thở, tím tái, có thể hôn mê, rối loạn nhịp tim.

     

 

Ngộ độc cá nóc gây nhức đầu đau bụng
Ngộ độc cá nóc gây nhức đầu đau bụng

 

Nạn nhân có thể chết trong vòng từ 1,5 giờ - 8 giờ sau đó. Một số trường hợp nạn nhân cũng có thể thấy: mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng, cảm giác như nghẹt thắt lồng ngực, vã mồ hôi, tiết nước dãi, sùi bọt mép, nói khó, nuốt khó, mặt ửng đỏ, đau bụng, buồn nôn, nôn, run giật, cứng hàm, cứng lưỡi, chân yếu, đồng tử co, liệt mắt. Trường hợp nặng bị liệt toàn thân, người mềm ra, chân tay mất khả năng vận động, da tím tái, thân nhiệt và huyết áp giảm, khó thở, cuối cùng liệt cơ hô hấp, truỵ tim mạch và tử vong với tỷ lệ rất cao trên 60% nếu không được cấp cứu.

Sơ cấp cứu người ngộ độc cá nóc

Khi phát hiện người bị ngộ độc cá nóc, cần thực hiện việc sơ cấp cứu như sau: nếu nạn nhân còn tỉnh với triệu chứng nhẹ thì cho uống than hoạt tính 1 - 2g / kg thể trọng và sorbitol 1g / kg cho cả người lớn và trẻ em trên 2 tuổi. Gặp nạn nhân có tím tái, rối loạn ý thức cần hà hơi thổi ngạt, rồi chuyển nhanh đến bệnh viện gần nhất.

     

 

Chuyển ngay nạn nhân bị ngộ độc cá nóc đến bệnh viện cấp cứu
Chuyển ngay nạn nhân bị ngộ độc cá nóc đến bệnh viện cấp cứu

 

Ở bệnh viện, cấp cứu chủ yếu là rửa dạ dày, dùng than hoạt tính để loại bỏ độc tố cá nóc và truyền dịch vào tĩnh mạch, vì hiện nay chưa vẫn có thuốc giải độc cá nóc. Nạn nhân được đặt ống nội khí quản để đảm bảo đường dẫn khí, hỗ trợ hô hấp bằng máy thở. Rửa dạ dày nếu nạn nhân mới ăn cá trong vòng 1 giờ đầu, rồi cho uống than hoạt 1 - 2g / kg. Truyền các loại dung dịch Glucose 5% và NaCl 0,9% để duy trì huyết áp. Điều trị các triệu chứng đau đầu, đau bụng, nôn, khó thở, loạn nhịp tim…

Phòng tránh ngộ độc cá nóc

Ăn cá nóc, nạn nhân không chết thì cũng bị ngộ độc nặng phải cấp cứu ở bệnh viện mới sống được. Vì vậy mọi  người cần nâng cao ý thức phòng tránh ngộ độc cá nóc bằng các biện pháp đơn giản mà hiệu quả sau đây:

Vứt bỏ cá nóc ngay từ khi kéo lưới; loại bỏ cá nóc lẫn với cá khác khi lựa cá ở bến cảng hoặc khi phơi cá khô. Ngư dân không ượp lạnh cá nóc, không làm chả cá nóc, bột cá nóc hoặc các sản phẩm cá nóc khác để bán cho người và gia súc ăn. Mọi người dân cần nêu cao cảnh giác: không bao giờ ăn cá nóc tươi, cá nóc khô và các sản phẩm chế biến từ cá nóc. Nếu ăn nhầm cá nóc, hoặc ăn phải cá nghi ngờ là cá nóc, khi thấy xuất hiện dấu hiệu ngứa họng, tê môi, tê lưỡi, tê bàn tay, phải gây nôn ngay bằng ngoáy họng, uống thuốc giải độc (than hoạt và Sorbitol), đồng thời phải đến ngay bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

Ngoài cá nóc, bạch tuộc vòng nhẫn xanh ở râu và con kỳ nhông cũng có chất độc giống cá nóc. Vì vậy mọi người cũng không nên ăn bạch tuộc vòng nhẫn xanh ở râu và con kỳ nhông để tránh ngộ độc.

                                                                                               BS. Bùi Thị Hoa


Ý kiến của bạn