Hiện nay, vào tuổi hưu, chúng tôi lại gặp nhau trong Trung tâm Nghiên cứu, hỗ trợ và phát triển văn hóa, mỗi người phụ trách một mảng.
Một ngày thu, anh rủ tôi đi thăm tổ chức phi chính phủ anh đang xây dựng: Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam ở Nghĩa Dũng, phía Bắc cầu Long Biên.
Từ ngày Thủ đô giải phóng, tôi chưa có dịp trở lại Nghĩa Dũng ven sông Hồng, đất làng Cơ Xá từ thời Lý, thế kỷ 11. Tôi vẫn giữ ấn tượng bãi Nghĩa Dũng thời Pháp thuộc: xóm nghèo, dân tứ chiếng sống tạm bợ. Có cả dân công giáo, có miếu Cô Trôi linh thiêng. Đó là năm 1938, Hội Sinh viên và báo Ngày nay xây dựng một dãy nhà tranh kiểu mới với tiền chợ phiên Nghĩa Dũng. Ngày nay thì Nghĩa Dũng đã nhộn nhịp khang trang, đã đô thị hóa hoàn toàn.
Tôi theo đường trục của khu là phố Nghĩa Dũng, anh Huy đưa tôi đến số nhà 42, một tòa nhà mấy tầng, trụ sở của Công ty-Bệnh viện Medlatec. Medlatec là một tổ chức y tế hiện đại thành lập năm 1996 nhằm đưa dịch vụ y tế đến từng người dân: lấy mẫu tận nơi, xét nghiệm chuyên sâu, tư vấn làm xét nghiệm và kết quả xét nghiệm, kiểm tra sức khỏe. Tóm lại, giúp bệnh nhân và các bệnh viện tìm ra bệnh một cách chính xác, khâu quan trọng nhất của y học. Anh dẫn tôi tới trụ sở của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam (TTDSKH) nằm trong khuôn viên Medlatec vì TTDSKH là một bộ phận gắn liền với Medlatec. Tại sao như vậy?
![]() Nhà văn hóa Hữu Ngọc tới thăm Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. |
Anh Huy cho biết: Trưởng ban quản trị Medlatec, BS. Nguyễn Anh Chí là một người có tâm, xuất thân con nhà nghèo rồi học thành tài. Anh vô cùng biết ơn các thầy và các danh sư y học đã trực tiếp và gián tiếp đào tạo anh. Anh trăn trở muốn làm một việc gì đó để tri ân. Trao đổi với anh Huy, mừng thấy dự định của anh đã được mở rộng và hình thành TTDSKH Việt Nam với tầm cỡ quốc gia.
Trung tâm có chức năng nghiên cứu, lưu giữ những giá trị văn hóa (vật thể và phi vật thể) liên quan đến các nhà khoa học Việt Nam: tiểu sử, tư liệu về đời sống cá nhân và hoạt động khoa học và xã hội.
Trung tâm được thành lập vào năm 2008, có 2 cơ sở:
1- Ở Hà Nội, tạm thời nằm trong Medlatec phố Nghĩa Dũng, đã được trang bị về nhân lực, máy móc khá đầy đủ để làm công việc sưu tầm và lưu giữ.
2- Cơ sở chính sẽ ở Hòa Bình, lấy tên là Công viên các nhà khoa học (rộng 20ha, ở xã Bắc Phong, huyện Cao Phong). Đây là một công trình văn hóa - khoa học, vừa là một Viện bảo tàng khoa học, vừa là khu nghỉ ngơi, giải trí, du lịch văn hóa - lịch sử.
Sau mấy năm hoạt động, Trung tâm đã tiếp nhận và sưu tầm được 20.000 tư liệu hiện vật là các bản luận án, các công trình khoa học, bài nghiên cứu và kỷ vật (bản thảo chép tay, nhật ký, ảnh, thư từ, đồ vật riêng) của một số nhà khoa học Việt Nam (đa số là khoa học tự nhiên).
Có nhiều kỷ vật quý giá như 2 cuốn sổ của GS. Tôn Thất Tùng ghi chép trong chuyến đi thăm Trung Quốc và Triều Tiên năm 1951, ngay trong chiến tranh chống Mỹ (giữa Nam, Bắc Triều Tiên). 300 trang ghi chữ kín mít bằng 6 thứ tiếng Việt, Pháp, Anh, Nga, Trung, Triều bằng 5 màu mực. Nội dung là ghi chép các kinh nghiệm trong chiến tranh, xử lý bệnh dịch, chữa các vết thương, chủ yếu ghi bằng tiếng Pháp. Hai cuốn sổ đó đã biểu hiện trí và tâm của một y sư. Ở Bắc Kinh, ông xin vào đọc sách ở thư viện Hiệp Hòa một tuần lễ, có khi quên cả ăn trưa. Qua đó, ông đã lược lại kinh nghiệm phẫu thuật trên thế giới trong chiến tranh thế giới thứ hai. Do đó, ông đã biết cách giải quyết các vết thương sọ não cho thương binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (theo hồi ký Đường vào khoa học của tôi, Tôn Thất Tùng cũng ghi lại những cảnh đau khổ của chiến tranh trên đất Triều Tiên). Xa Việt Nam dài ngày, nhà khoa học cũng khắc khoải làm thơ:
TTDSKH Việt Nam đang xây dựng một hồ sơ rất thú vị: hồ sơ LX51 có các tư liệu về đoàn cán bộ đi đào tạo về khoa học ở Liên Xô năm 1951. Việc này có liên quan đến sự kiện Hồ Chủ tịch đầu năm 1950 bí mật sang thăm không chính thức Trung Quốc và Liên Xô. Cách đây mấy chục năm, anh Lê Phát (không biết còn sống ở đâu hay đã mất?) có kể cho tôi biết về việc này. Anh là cán bộ quân đội làm bảo vệ và phiên dịch cho đoàn, đi tiền trạm qua biên giới Việt - Trung, lúc đi rất nguy hiểm vì quân đội Pháp còn đóng giữ Quảng Tây mới giải phóng, còn tàn quân của Tưởng Giới Thạch và thổ phỉ hoành hành.
Trong chuyến đi Bắc Kinh-Matxcơva đó, Hồ Chủ tịch đã tranh thủ được viện trợ quân sự về cơ bản cùng sự giúp đỡ nhiều mặt. Cuộc kháng chiến chống Pháp của ta nhờ đó chuyển từ thế thủ sang thế công sau Chiến dịch Biên giới (tháng 9/1950).
Với tầm nhìn chiến lược, mấy tháng sau, Hồ Chủ tịch cử 21 cán bộ khoa học sang đào tạo ở Liên Xô. Họ theo học đủ các ngành: y học, kiến trúc, vũ khí, kho bạc, luyện kim, cán thép, khai mỏ… Đoàn mang thư của Hồ Chủ tịch gửi cho Xuslốp bằng tiếng Pháp, có câu: “J’ ai l’honneur de vous envoyer 21 camarades Vietnamiens pour l’éducation politique et technique” (Tôi hân hạnh gửi 21 đồng chí Việt Nam để được đào tạo về chính trị và kỹ thuật). Những đồng chí đó học xong, về nước đã phục vụ ở những vị trí chủ chốt các ngành. Trong số ấy (nhiều người đã mất), tôi có dịp quan hệ với các anh kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh, BS. Nguyễn Trinh Cơ, GS. nông học Lê Duy Thước… đều là những chuyên gia có tài và có tâm.
Hữu Ngọc