Lười ươi hay còn được biết đến với tên gọi phổ biến hơn là đười ươi, bàng đại hải, đại hải tử. Ở một số quốc gia khác trên thế giới có tên gọi khác nhau như: Sam rang, sam rang si phlef, som vang, som rong sva (Campuchia), crap chi ling leak, mak chong (Lào); đại đồng quả, đại phát tử (Trung Quốc); noix de malva, graine gonflante (Pháp).
An Nam Tử có tên khoa học là Scaphium lychnophorum (Hance) Kost. (Sterculia lyhnophora Hance) thuộc họ Trôm (Sterculia). Lười ươi là cây to, trưởng thành có thể cao 30-40m, phần thân chưa phân nhánh có thể lên đến 10-20m, đường kính thân có thể lên đến 0.8 - 1m. Lá đơn, nguyên hay xẻ thùy, mặt trên màu lục, mặt dưới nâu hay ánh bạc, dài 18-45cm, rộng 18-24 cm, cuống dài. Mỗi hoa cho 1-2 quả dại, dạng lá, hình trứng hay giống như đèn treo do đó có tên là Lynchnophora (trong đó Lychnus có nghĩa là đèn), dài từ 12-16 cm, rộng 4-5 cm ở phần rộng nhất của phía dưới quả.
Mặt ngoài quả có màu đỏ hay đỏ nhạt, mặt trong có màu bạc, với 4-5 đường gân nổi rõ. Hạt dài khoảng 2.5 cm, rộng 14-16 mm, dày 5-7mm có hình bầu dục, có vỏ sần sùi, bề mặt vỏ có những đường gân gợn sóng, xung quang hạt có lớp chất nhầy dính vào gốc quả.
Cây Lười ươi con
Phân bố và thu hái: Tại nước ta, An Nam Tử được thu hái trực tiếp từ tự nhiên; cây phân bố chủ yếu ở một số tỉnh miền Đông, miền Trung nước ta, các khu vực có độ cao trung bình từ 250 - 800 m như A Lưới, Phú Lộc, Nam Đông (Thừa Thiên- Huế); Trà Mi, Giằng Hiên, Phước Sơn (Đà Nẵng); Trà Bồng (Quảng Ngãi); Tây Sơn, Vĩnh Thạnh (Bình Định); Sa Thầy, Đắc Tô (Kon Tum); Chư Rông, Chư Rông, Chư Pak, An Khê (Gia Lai); Đắc Mik (Đắk Nông); Lâm Chà, Đa Tẻ (Lâm Đồng); Đổng Phù ( Bình Phước); Tân Phú, Vĩnh An, Mã Đà (Đồng Nai), Khánh Sơn, Khánh Vĩnh (Khánh Hòa). Loại cây này còn tìm thấy ở một số nước trên thế giới như Campuchia, Thái Lan, các đảo thuộc Malaysia.
Ngày nay, một số địa phương có quy hoạch để khai thác lâu dài khi nguồn tự nhiên ngày càng khan hiếm. Hạt được thu hoạch vào tháng 4-6 trước khi mưa xuống, thời gian thu hoạch ngắn, chu kỳ thu hoạch dài (từ 3 -4 năm), nhưng sản lượng thu hoạch cao; mỗi cây trưởng thành cao khoảng 30m có thể cho 30-40kg hạt/mùa thu hoạch. Hạt lười ươi sau khi được thu hoạch được sấy khô hoặc phơi khô tự nhiên cất trữ và dùng dần trong năm.
Hạt lười ươi có giá trị kinh tế lớn nên xảy ra tình trạng khai thác quá mức, dẫn đến cạn kiệt tài nguyên
Tác dụng và công dụng
Thành phần hóa học: Hạt lười ươi gồm phần nhân và phần vỏ, phần nhân chiếm khoảng 35% trọng lượng hạt còn lại là phần vỏ. Trong nhân chứa khoảng 2.98% chất béo, ngoài ra còn chứa tinh bột, chất đắng. Trong phần vỏ, thành phần chính là bassorin chiếm 59%, còn lại là chất béo (khoảng 1%), tannin, chất nhầy. Thành phần đường trong hạt chủ yếu là galatoza, pentoza và arabinoza.
Theo Đông y cổ, hạt lười ươi có vị ngọt lợ, tính hàn, có công dụng giải nhiệt, đào thải độc tố, lợi yết hầu, nhuận tràng. Lười ươi dùng trong những trường hợp ho khan, viêm họng, nhiệt táo, sốt, đại tiện ra máu, nôn ra máu, chảy máu cam…
Ngày nay, hạt lười ươi sử dụng chủ yếu cho công dụng mát và nhuận, đi vào kinh phế.
Một số bài thuốc sử dụng hạt lười ươi thông dụng như:
Viêm họng mãn tính, viêm họng hạt, khan tiếng do viêm vùng hầu họng, thanh quản, tái đi tái lại nhiều lần, dùng nhiều loại thuốc Đông - Tây y không khỏi: Mỗi ngày dùng 2-10 hạt (tùy theo độ tuổi và thể trạng) ngắt bỏ 2 đầu hạt, cho vào ly lớn hoặc bát đựng 500ml, đổ nước sôi vào tráng sạch, ngâm với nước sôi trong 20-30 phút, hạt sẽ nở lớn từ 8-10 lần, thêm vào ít đường cát hoặc đường phèn dùng trong ngày thay nước, ăn cả cơm bỏ nhân. Dùng liên tục từ 10-30 ngày, diễn biến tốt có thể dùng thêm liệu trình 30 ngày nữa. Có thể dùng cho những người thức khuya làm ca đêm, lao động trí óc, táo bón, mặt nhiều mụn, bệnh trĩ.
Chảy máu cam: Lấy khoảng 5 hạt lười ươi, sao vàng, nấu lấy nước uống thay nước trong ngày sẽ có hiệu quả tốt.
Người bị viêm đại tràng thể thư hàn (lạnh bụng, tiêu chảy); phụ nữ mang thai, cho con bú. Những người có điều kiện thể trạng đặc biệt, cần có sự tư vấn của thầy thuốc khi dùng.
Khi ngâm nước, hạt nở to gấp 8-10 lần và là một thảo được hiệu quả cho bệnh viêm họng mãn tính
Nguy cơ cạn kiệt tài nguyên
Là một loài hạt với nhiều công dụng trong Đông y, cũng như với sự thổi phồng về giá của một số đối tượng nhằm trục lợi. Có thời điểm hạt lười ươi được thu mua với giá rất cao (500.000 đồng/kg hạt), đưa đến nguồn lợi kinh tế vô cùng lớn. Thực tế đó dẫn đến việc khai thác quá mức của các đối tượng người dân. Thay vì chờ cây rụng để thu hái quả, hạt một cách tự nhiên và bền vững; có những giai đoạn mỗi ngày có đến hàng trăm lượt người, có cả dân địa phương và những nơi khác đến, ồ ạt vào rừng khai thác ươi theo hình thức tận diệt. Nhiều người khai thác đã mang theo cả cưa xăng, cưa máy để triệt hạ những gốc ươi to cao hàng chục mét chỉ để hái trái; dẫn đến những hệ lụy khôn lường về sinh thái cũng như nguy cơ cạn kiệt tài nguyên dược liệu từ cây lười ươi trong tương lai.
Bằng nhiều biện pháp khác nhau như bảo tồn, ngăn chặn, xử phạt cũng như nghiên cứu những điều kiện sinh thái thích hợp cho cây lười ươi từ các cấp chính quyền, nhà khoa học và người dân. Hy vọng chúng ta không gặp phải tình trạng cạn kiệt nguồn thuốc quý từ hạt lười ươi như một số loại dược liệu khác.