Men gan cao gấp 100 lần bình thường
Ba bệnh nhân trong một gia đình này là Hà Thị C. (52 tuổi), Chu Văn M. (58 tuổi) và Chu Văn V. (30 tuổi) ở xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn.
Theo lời người nhà, sáng 20/3 anh Chu Văn V. vào rừng thấy nấm tươi nên hái về ăn trong bữa trưa. Bữa đó, chỉ có anh và bố là Chu Văn M. ăn, mỗi người ăn khoảng 6-7 cây nấm. Đến bữa tối, còn một ít nước và thịt nên mẹ là Hà Thị C. ăn nốt. Sau ăn khoảng 6-10 tiếng, cả 3 người đều có triệu chứng đau bụng, đi ngoài, buồn nôn và nôn rất nhiều.
ThS.BS. Lê Quang Thuận đang thăm khám cho bệnh nhân Chu Văn V.
ThS.BS Lê Quang Thuận, Phó giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết: 3 bệnh nhân này nhập viện vào chiều ngày 22/3 (tức là khoảng giờ thứ 50 sau khi ăn nấm) trong tình trạng nặng (Riêng bệnh nhân Chu Văn M. có biểu hiện hôn mê, ý thức lơ mơ). Xét nghiệm cho thấy các bệnh nhân bị tổn thương gan nặng và suy gan, suy thận cấp. Các bệnh nhân được chỉ định lọc máu để hấp phụ và giải trừ chất độc; điều trị suy thận.
Bên cạnh đó, Trung tâm Chống độc cũng phối hợp với Khoa Thăm dò chức năng làm thủ thuật “Dẫn lưu mật mũi” với mục tiêu để thải trừ trực tiếp chất độc từ gan qua ống mật chủ ra ngoài. Đây làm một thủ thuật rất mới có nhiều ý nghĩa trong điều trị thải độc được các bác sỹ BV Bạch Mai ứng dụng - hy vọng góp phần cứu sống bệnh nhân.
Sau một ngày điều trị tích cực và lọc máu, giải độc, hiện các bệnh nhân mới chỉ có đôi chút tiến triển, 2 trong số 3 bệnh nhân vẫn đang trong tình trạng rất nặng, nguy cơ đe dọa tính mạng. Xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân Chu Văn M. và Chu Văn V. vẫn còn tổn thương gan nặng, men gan cao (hơn 4000 UI/l, gấp 100 lần so với người bình thường) dẫn tới suy gan với biểu hiện rối loạn đông máu nặng, xuất huyết, suy thận. Riêng bệnh nhân Chu Văn M. ý thức có lúc lẫn lộn (biểu hiện hôn mê gan), nguy cơ tử vong rất cao.
Nấm gây ngộ độc chậm dễ nguy hiểm chết người
ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc cho biết: Loại nấm mà ba bệnh nhân trên ăn phải là loại nấm gây ngộ độc chậm. Đây là loại nguy hiểm, thường gây chết người, đáng sợ nhất là loại nấm này có thể gây tình trạng viêm gan, nhiễm độc, phá huỷ tế bào gan, dẫn đến hôn mê gan.
Các triệu chứng xuất hiện muộn sau khi ăn từ 6-40 giờ (thường là 12-18 giờ): Bệnh nhân buồn nôn, nôn nhiều, tiêu chảy liên tục như tả, kéo dài 1-2 ngày, gây mất nước và rối loạn điện giải, trụy mạch, tiểu ít hoặc vô niệu. Sau đó, các biểu hiện tiêu biến hết, bệnh nhân và thầy thuốc dễ hiểu nhầm là bệnh đã khỏi nhưng vài ba ngày sau sẽ xuất hiện tình trạng viêm gan: vàng mắt, vàng da, chán ăn, đầy bụng, mệt mỏi, dần dần người bệnh sẽ mê sảng rồi hôn mê sâu (hôn mê gan do suy gan), xuất huyết nhiều nơi (dưới da, niêm mạc, tiểu ra máu...), và cuối cùng là tử vong.
Bệnh nhân Hà Thị C. được thực hiện thủ thuật “Dẫn lưu mật mũi” để thải trừ trực tiếp chất độc từ gan qua ống mật chủ ra ngoài.
ThS. Nguyên cũng cho biết, thời điểm cuối xuân - đầu hè, bắt đầu vào mùa nấm phát triển nhiều, hay xảy ra ngộ độc nấm. Dù đã truyền thông nhiều lần về ngộ độc nấm rừng nhưng do nhận thức và thói quen nên người dân vẫn vào rừng hái nấm về ăn và để xảy ra tình trạng ngộ độc đáng tiếc.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên hái nấm hoang dại để ăn. Bởi lẽ không thể phân biệt nấm lành hay nấm độc nếu chỉ dựa vào hình dạng, màu sắc. Hiện nay có rất nhiều chủng loại nấm, nhiều loại có giá trị dinh dưỡng cao, mùi vị thơm ngon; có loại còn được dùng như là thuốc bổ “thần dược”. Tuy nhiên cũng có không ít loài nấm độc gây chết người nếu ăn phải. Trên thế giới hiện có hơn 5.000 loại nấm, trong đó có khoảng hơn 100 loài nấm độc mà về hình dáng bề ngoài rất khó phân biệt giữa nấm lành (ăn được) và nấm độc gây chết người.
Khi được chuyển đến TT Chống độc ngày 22/3, bệnh nhân Chu Văn M. đã có biểu hiện hôn mê, ý thức lơ mơ.
Vì vậy, để an toàn, người dân chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng, đã biết chắc chắn chủng loại nấm, nguồn gốc nấm, đảm bảo là ăn được mà không bị ngộ độc. Hoàn toàn không nên và không thể dựa vào hình thái, màu sắc cây nấm để phân biệt nấm lành hay nấm độc. Càng không nên ăn thử để khám phá. Bản thân đã từng ăn nấm mọc hoang không bị ngộ độc cũng không có nghĩa là bạn sẽ không sao nếu ăn tiếp. Động vật ăn thử không bị ngộ độc nhưng khi con người ăn vào vẫn có thể bị ngộ độc như thường.
(1) Giai đoạn ủ bệnh (8 đến 24 giờ, trung bình 12 giờ): Không có triệu chứng lâm sàng;
(2) Giai đoạn dạ dày ruột (6 đến 24 giờ): Đi ngoài phân toàn nước giống như tả; đau bụng; buồn nôn, nôn ra thức ăn và dịch tiêu hoá. Các triệu chứng trên thường xuất hiện trung bình sau 12 giờ, kéo dài khoảng 1-2 ngày, một số ít trường hợp kéo dài hơn. Nếu không điều trị giai đoạn này, thường có mất nước và điện giải, nặng hơn có thể sốc giảm thể tích, tụt huyết áp, suy chức năng thận, toan chuyển hoá;
(3) Giai đoạn tiến triển âm thầm (36 đến 48 giờ): Triệu chứng về tiêu hoá giảm dần, BN cảm thấy khoẻ hơn nhưng tổn thương gan bắt đầu xuất hiện: vàng da, vàng mắt, tiểu vàng, gan to nhẹ, mềm; men gan, LDH, bilirubin và ferritin tăng dần;
(4) Giai đoạn suy gan (trên 48 giờ, có trường hợp muộn từ 4 đến 7 ngày). Các tổn thương gan từ nhẹ đến nặng: vàng da, rối loạn đông máu, bệnh lý não do gan... Bệnh nhân tổn thương trong tình trạng suy gan cấp do các biến chứng: xuất huyết do rối loạn đông máu, phù não, nhiễm khuẩn, suy đa tạng...