“Ăn miếng trả miếng”

06-06-2014 00:48 | Quốc tế

SKĐS - Nhận định về những tranh cãi trong hoạt động do thám Mỹ - Trung, cựu chiến lược gia Mỹ về chống khủng bố Richard Clarke cho rằng...

Nhận định về những tranh cãi trong hoạt động do thám Mỹ - Trung, cựu chiến lược gia Mỹ về chống khủng bố Richard Clarke cho rằng, sự leo thang căng thẳng giữa hai cường quốc thế giới này có thể đem lại lợi ích bởi nó buộc phải dẫn tới sự thay đổi trong hành động. Ông thậm chí mong quan hệ này càng căng thẳng hơn, dẫn đến việc “ăn miếng trả miếng” để từ đó giải quyết vấn đề này.

Ngày 20/5, Bộ Tư pháp Mỹ kết tội 5 sĩ quan Trung Quốc thuộc Đơn vị 61398, Cục 3 của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc có trụ sở tại thành phố Thượng Hải và đều chưa từng đặt chân vào lãnh thổ Mỹ. Phía Mỹ khẳng định những người này đã tấn công hệ thống máy tính của các tập đoàn, công ty lớn của Mỹ để đánh cắp các thông tin về thiết kế các nhà máy hạt nhân, quy trình sản xuất các sản phẩm năng lượng mặt trời và các bí mật thương mại khác. Giới chức tình báo Mỹ xác định đơn vị trên là lực lượng nòng cốt của bộ máy gián điệp máy tính của quân đội Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên giới chức Mỹ kết tội các đối tượng người nước ngoài, cụ thể là các sĩ quan quân đội Trung Quốc trong một vụ hoạt động gián điệp mạng.

5 quân nhân Trung Quốc bị Mỹ kết tội.

5 quân nhân Trung Quốc bị Mỹ kết tội.

Trung Quốc lập tức phản ứng mạnh với Mỹ. Bắc Kinh đã triệu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Max Baucus để trao kháng nghị chính thức đối với bản cáo trạng buộc tội các sĩ quan quân đội Trung Quốc; cho rằng Washington đang áp dụng các tiêu chuẩn kép và bản cáo trạng là nhằm đánh lạc hướng dư luận. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương tuyên bố, Trung Quốc quyết định đình chỉ hoạt động của Nhóm Công tác mạng Mỹ - Trung vì Washington thiếu lòng tin trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh mạng thông qua đối thoại và hợp tác. Bắc Kinh cảnh báo sẽ có những hành động trả đũa tiếp theo nếu Mỹ leo thang vụ việc này.

Bên cạnh đó, Văn phòng Nhà nước về thông tin internet (SIIO) của Trung Quốc đã công bố dữ liệu mới nhất về việc Mỹ tấn công mạng nước này và cáo buộc Mỹ là nước tấn công mạng internet của Trung Quốc nhiều nhất. Theo dữ liệu từ Trung tâm Điều phối nhóm phản ứng nhanh trước tình huống khẩn cấp mạng máy tính quốc gia Trung Quốc (CNCERT), từ ngày 19/3 - 18/5, tổng cộng có 2.077 phần mềm trojan hoặc mạng botnet (mã độc tấn công chủ động) tại Mỹ đã trực tiếp kiểm soát 1,18 triệu máy chủ ở Trung Quốc. Mỹ đã tấn công, thâm nhập và theo dõi các mạng máy tính thuộc về Chính phủ, các cơ quan, doanh nghiệp, trường đại học và các mạng lưới thông tin liên lạc trọng yếu của Trung Quốc. Các cuộc tấn công này nhắm vào cả giới lãnh đạo Trung Quốc và công dân bình thường cũng như bất cứ ai có điện thoại di động.

Chiến lược gia Clarke nói: “Mỹ đã khởi phát các bước đi đầu tiên mà không nghi ngờ gì điều này sẽ khiến căng thẳng leo thang. Và chúng ta cần làm thế. Chúng ta cần giải quyết vấn đề này bằng cách này hay cách khác. Nếu Trung Quốc tiếp tục do thám các công ty của Mỹ thì đương nhiên Mỹ sẽ đáp trả. Chúng ta không thể đi trên con đường cũ được”.

Theo chiến lược gia Clarke, nước Mỹ đã cố gắng trong nhiều năm để ngăn chặn người Trung Quốc đánh cắp bí mật của các công ty Mỹ rồi mang về cho các công ty Trung Quốc. Ông nói: “Chúng tôi đã nêu vấn đề này lên cấp Tổng thống; chúng tôi cũng đưa ra thảo luận tại Chính phủ và chúng tôi vẫn đang tiếp tục thảo luận về nó. Nhưng tình hình vẫn chẳng đi đến đâu. Và theo tôi sẽ là một ý tưởng tốt để cho vụ việc leo thang lúc này”.

Ông Clarke thừa nhận, hiện chưa rõ vụ việc sẽ được giải quyết như thế nào. Nhưng Chính phủ Mỹ không thể để các công ty của Mỹ trả tiền cho việc nghiên cứu và phát triển (R&D) để rồi các công ty Trung Quốc “xơi” cũng như không để người Mỹ bị mất việc làm trong quá trình này.

Mỹ lập luận nước này tham gia vào hoạt động tình báo rộng rãi trên toàn thế giới, nhưng có sự phân biệt giữa do thám phục vụ an ninh quốc gia và do thám cho các doanh nghiệp trong nước.

Trung Quốc không chấp nhận lập luận trên. Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với CNN, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Cui Tiankai đặt nghi vấn với quan điểm trên. Ông nói: “Tôi không biết làm thế nào họ có thể phân biệt được các hoạt động như vậy. Làm thế nào để họ giải thích các cuộc tấn công vào các công ty Trung Quốc, các trường đại học và thậm chí cả cá nhân? Đó là vì bảo vệ quốc phòng hay là cho các mục đích khác?”.

Về tranh cãi này, chiến lược gia Clarke phản pháo: Đại sứ Trung Quốc có thể không ưa điều đó, nhưng hẳn là một sự phân biệt đang tồn tại. Ông diễn giải: “Nếu Đại sứ quán Trung Quốc “cài” gián điệp tại Washington và đột nhập vào tòa nhà của Alcoa chẳng hạn, phá mã an toàn trong tòa nhà đó và lấy trộm thông tin R&D thì không ai thấy bất cứ điều gì sai trái với việc bắt giữ những tay gián điệp đó của Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây chính là, chỉ những tay gián điệp Trung Quốc đang ở Thượng Hải do thám và họ do thám từ xa. Trong trường hợp đó, chắc chắn Mỹ cũng do thám đáp trả. Và chúng ta do thám vì các mục đích an ninh quốc gia”.

(Theo CNN)

Phong Vũ

 


Ý kiến của bạn