Dù đã được cảnh báo nhiều lần, song trong thời gian ngắn, tại một số địa phương (đặc biệt là vùng nông thôn) trên cả nước liên tục phát hiện trường hợp người dân bị tử vong do vướng bẫy điện. Điều đáng nói là những bẫy điện này được cài có chủ ý bởi các chủ vườn, chủ trang trại để chống chuột, chống trộm và các sinh vật phá hoại hoa màu mặc dù biết được những hành vi này sẽ gây nguy hiểm cho người xung quanh.
Đùa với điện...
Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CA tỉnh Thái Bình) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Đoàn Văn Hữu (44 tuổi, trú tại thôn Ngô Xá, xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) về tội “giết người”. Theo cơ quan điều tra, đối tượng này chính là người trực tiếp dùng bẫy điện gây ra cái chết cho hai cha con ở cùng thôn khi họ đi soi bắt cua gần đó. Cũng qua công tác điều tra, bước đầu xác định hai cha con anh Út bị tử vong do bẫy điện từ trang trại của Đoàn Văn Hữu. Cụ thể, Hữu có khu ao nuôi cá, nuôi vịt, trồng chuối ở cùng thôn với anh Út (cách nhà anh Út khoảng vài trăm mét). Do nhiều lần bị mất trộm, để chống trộm, Hữu dùng dây trần, nối với điện sinh hoạt, dùng cọc chăng ở phía sau khu vực chăn nuôi, cách mặt đất khoảng 70cm. Tối hôm xảy ra án mạng, như mọi lần, Hữu cắm bẫy điện nhằm chống trộm, bảo vệ khu chuồng vịt rồi về nhà ăn cơm. Sau đó khoảng 20h, khi ra trang trại, Hữu phát hiện có ánh sáng đèn pin gần khu vực chuồng vịt. Khi ra đến nơi thì phát hiện anh Út đã bị điện giật chết với các dụng cụ đèn pin, xô ở bên cạnh. Sau khi rút điện chống trộm, phát hiện anh Út đã chết, Hữu không báo sự việc cho mọi người mà lại vác tử thi anh Út mang bỏ sát mép nước sông Hồng, gần trang trại. Sau đó, khi quay về thu dọn dây điện giăng bẫy, Hữu lại phát hiện xác cháu An nên tiếp tục mang xác cháu bỏ ra ngoài mép nước sông Hồng (gần tử thi anh Út) rồi trở về thu dọn dây điện, đèn pin, xô vứt xuống ao của một trang trại bên cạnh nhằm phi tang. Tuy nhiên, những hành vi xóa hiện trường, đánh lạc hướng điều tra của Hữu không qua nổi mắt của cơ quan điều tra. Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra.
Cũng thời gian trên, TAND tỉnh Bình Định mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Lê Văn Hải (trú huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) bản án 3 năm tù giam về tội “giết người”. Theo cáo trạng, xuất phát từ ý định diệt chuột hại lúa của gia đình nên Lê Văn Hải đã dùng dây dẫn điện bao xung quanh ruộng lúa của mình (ở thôn Thanh Lương, xã Ân Tín, Hoài Ân). Mặc dù biết rằng ruộng lúa của mình nằm sát ruộng lúa của những gia đình khác và hàng ngày có nhiều người đi qua khu vực này nhưng do chủ quan nên khi kéo điện bẫy chuột, Hải không canh giữ, không thông báo hoặc đặt biển thông báo để người dân né tránh, đề phòng. Chính điều này đã gây ra cái chết cho chị Nguyễn Thị Hoa Hường (một người dân địa phương).
Nhận án “giết người”?
Điều đáng nói là tại các phiên tòa xử những vụ án gây chết người do dính bẫy điện, nhiều bị cáo cho rằng họ bị buộc vào tội “giết người” là quá nặng. Các bị cáo cho rằng hành vi giăng bẫy điện của họ chỉ có mục đích là chống các loài sinh vật phá hoại hoa màu hay chống trộm, không có mục đích “cố ý giết người”. Để làm rõ tội danh cho hành vi này, phóng viên có cuộc trao đổi trực tiếp với luật sư Chu Văn Tiến - Giám đốc Công ty luật TNHH An Nam, được biết: Theo quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự thì hệ thống tải điện là một trong những “nguồn nguy hiểm cao độ”; chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật. Trên thực tế, mặc dù điện là nguồn năng lượng phục vụ đời sống và phát triển kinh tế, xã hội nhưng việc sử dụng điện tùy tiện, không tuân thủ các quy tắc về an toàn... đã dẫn đến nhiều vụ cháy, nổ gây thiệt hại đến tài sản hoặc gây hậu quả chết người.
Đối với hành vi sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp, Điều 59 Luật Điện lực quy định: Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp là dùng nguồn điện có mức điện áp thích hợp đấu nối trực tiếp vào hàng rào, vật cản, vật che chắn của khu vực được bảo vệ (gọi chung là hàng rào điện) để ngăn cản việc xâm phạm khu vực được bảo vệ và phát tín hiệu báo động cho người bảo vệ khu vực đó biết: Hàng rào điện phải được thiết kế, lắp đặt tránh được mọi tiếp xúc ngẫu nhiên đối với người và gia súc, có biển báo nguy hiểm, không gây ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống điện, không gây nguy hiểm cho khu vực lân cận và môi trường sống. Người quản lý, sử dụng hàng rào điện phải được đào tạo, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ về điện”. Như vậy, việc sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp phải tuân theo nhiều điều kiện rất nghiêm ngặt và đặc biệt là “phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép”. Các hành vi “Sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ” không thuộc các trường hợp được quy định tại Điều 59 của Luật Điện lực nói trên đều bị pháp luật nghiêm cấm (Điều 7 Luật Điện lực - PV).
Giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Do là nguồn nguy hiểm cao độ nên người có hành vi sử dụng điện để chống trộm, bảo vệ tài sản, hoa màu; sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ... buộc phải nhận thức được tính chất nguy hiểm của phương tiện mà họ sử dụng nhưng vẫn cố ý sử dụng, họ thấy trước được hậu quả có thể xảy ra và mong muốn (hoặc tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra) nên hành vi của họ mang đầy đủ dấu hiệu của tội giết người.
Vi Hoàng Minh