Hà Nội

Ăn mặc phản cảm nơi tôn nghiêm: Cảnh báo xuống cấp văn hóa

17-02-2017 16:25 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Thời gian qua, nhiều cô gái trẻ ăn mặc váy ngắn, áo xuyên thấu... phản cảm đi lễ chùa trái với sự linh thiêng, tính tôn nghiêm nơi thờ tự đã khiến dư luận bức xúc.

Thời gian qua, nhiều cô gái trẻ ăn mặc váy ngắn, áo xuyên thấu... phản cảm đi lễ chùa trái với sự linh thiêng, tính tôn nghiêm nơi thờ tự đã khiến dư luận bức xúc. Nhiều hình ảnh cô gái trẻ ăn mặc hở hang, quần áo ngắn cũn cỡn đi lễ hội đầu năm bị đưa lên mạng xã hội lại khiến nhiều người xôn xao. Thiếu văn hóa trong cách ăn mặc khi đến đền chùa dường như chưa có điểm dừng...

Chuyện thường ngày

Đi lễ chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt từ xưa đến nay nhằm cầu tài lộc, sức khỏe, may mắn, thành đạt... Đền, chùa cũng là nơi có tính thiêng, sự tôn nghiêm để những ai đến với không gian này cảm thấy an yên nhất, hướng tới điều tốt đẹp. Tuy nhiên, trải qua thời gian và gần đây, nhiều cô gái trẻ khi đi lễ tại đền, chùa vẫn có phong cách ăn mặc “thiếu vải”, váy áo lòe loẹt, ngắn cũn cỡn, xuyên thấu như đi vui chơi trong... quán bar. Chính điều này đã tạo nên những làn sóng phản đối mạnh mẽ trong dư luận, là đề tài bàn tán chưa có điểm dừng và cũng là câu chuyện tốn nhiều giấy mực của báo giới.Không ít cô gái trẻ thời gian gần đây đến với nơi thờ tự (đền, chùa...) có cách ăn mặc hở hang, phản cảm khiến dư luận dậy sóng.

Không ít cô gái trẻ thời gian gần đây đến với nơi thờ tự (đền, chùa...) có cách ăn mặc hở hang, phản cảm khiến dư luận dậy sóng.

Những ngày vừa qua, nhiều hình ảnh các cô gái trẻ mặc váy ngắn, áo xuyên thấu hở nội y đi lễ chùa đã được cộng đồng mạng truyền tay nhau. Đó có thể là cô gái mặc áo lưới xuyên thấu, áo trễ vai, váy ngắn. Gần đây nhất, có hai bức ảnh đang gây “bão mạng” - đó là người phụ nữ còn trẻ, dắt theo một bé trai và đang trên đường hành lễ với trang phục khá kỳ cục, trên là áo nỉ dài tay, trùm một phần mông, dưới là quần tất 3D nhưng bị mặc kéo căng ra đến độ mỏng tang, lộ vùng nhạy cảm. Không chỉ phản cảm vì hở, mỏng, cái sự “khó nuốt” trong y phục còn ở chỗ cách chọn trang phục đã làm lộ vòng ba một cách thái quá - điều vốn không đẹp trong trang phục thông thường, lại càng khó chấp nhận trước chốn tâm linh.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng không thể trả lời được câu hỏi vì sao có một cô gái trẻ do vô tình hay cố ý khi mặc chiếc quần ngắn cũn cỡn tới đền, chùa kiểu mốt “không quần” đang thắp hương cúng vái. Chứng kiến những bức ảnh về cách ăn mặc của các cô gái trẻ trong lễ hội, đền chùa gần đây, tất cả chỉ biết lắc đầu ngao ngán và lên án kịch liệt vì hành động đó đã làm mất đi sự tôn nghiêm ở chốn thiêng liêng. Chính điều này làm cho nét đẹp văn hóa lễ chùa, văn hóa tâm linh nói chung bị ảnh hưởng và đây là một hiện tượng xấu cần dẹp bỏ.

Cần có sự hiểu biết, cách ứng xử văn minh

Theo tìm hiểu của PV, nếu như trước đây, cá nhân nào có cách ăn mặc phản cảm đến với những địa chỉ văn hóa tín ngưỡng như đền, chùa sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Bởi tại Khoản 1, Điều 10, Nghị định 73/2010/NĐ-CP quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60 - 100 ngàn đồng đối với hành vi không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, nơi làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội. Tuy nhiên, Nghị định 73/2010 nói trên đã hết hiệu lực kể từ ngày 28/12/2013 và được thay thế bởi Nghị định 167/2013/NĐ-CP và Nghị định 167/2013 đã bãi bỏ điều khoản về hành vi vi phạm quy định về nếp sống văn minh, trong đó có quy định phạt đối với hành vi không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng...

Trước tình trạng nhiều cô gái trẻ ăn mặc hở hang, thiếu vải... đến với đền, chùa thời gian qua và gần đây, nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng, mỗi người trong chúng ta cần có sự hiểu biết, cách ứng xử văn minh tại chốn linh thiêng. Chia sẻ về vấn đề này, Đại đức Thích Tâm Kiên - trụ trì chùa Một Cột (Hà Nội) cho biết, vào chùa không chỉ có lòng thành mà trang phục, cử chỉ, tư lễ cũng phải thể hiện sự thành kính. Vì thế, nơi tôn nghiêm mà người mặc quần đùi áo may ô, phục trang phản cảm là không được. Đại đức Thích Tâm Kiên cho biết thêm: “Không nên mặc trang phục hở hang, phản cảm như áo sát nách, quần đùi, áo may ô, váy ngắn… bởi không phù hợp về văn hóa nơi thờ tự. Đối với chùa Một Cột, 20 năm qua, nhà chùa đã có biển thông báo bằng tiếng Việt, tiếng Trung và tiếng Anh đề nghị mọi người không mặc trang phục ngắn khi vào chùa. Cổng chùa cũng có bảo vệ, hướng dẫn kiên quyết không để khách tham quan mặc quần áo thiếu chuẩn mực vào chùa”.

Trong khi đó, sư thầy Thích Minh Quang - trụ trì chùa Địa Tạng (tỉnh Hà Nam) cho biết, theo giáo lý nhà Phật, việc ăn mặc thiếu kín đáo không chỉ gây phản cảm mà còn tạo nghiệp cho chính người mặc. Bên cạnh đó, trụ trì chùa Địa Tạng nhấn mạnh, ăn mặc phản cảm không chỉ ảnh hưởng tới mỹ quan, làm phương hại văn hóa, mà còn khơi dậy ác tâm, phương hại đạo đức. Đó chính là cách tạo ác nghiệp. Ăn mặc phản cảm còn khiến tâm không yên, người không tịnh. Một người lấy phục sức làm trọng thì thường không chịu trau chuốt đời sống tâm hồn, thiếu tôn trọng người khác. Người xưa vẫn dạy, y phục xứng kỳ đức. Thông qua cách ăn mặc mà chúng ta có thể phần nào đoán được phẩm chất của người đó ra sao.


Quỳnh Phạm
Ý kiến của bạn