Ăn khoai lang có tác dụng phụ không?

14-01-2025 14:30 | Vị thuốc quanh ta

SKĐS - Khoai lang ít calo, nhiều chất xơ và giàu vitamin, khoáng chất rất tốt cho sức khỏe. Vậy ăn nhiều khoai lang có gây bất lợi nào không?

1. Lợi ích sức khỏe của khoai lang

Khoai lang chứa nhiều tinh bột, carbohydrate, các chất dinh dưỡng như protein, vitamin A, C, kali, magiê, sắt… Chỉ cần thêm loại thực phẩm này vào chế độ ăn uống có thể cung cấp các chất dinh dưỡng đa lượng và vi lượng này. Nhờ vào thành phần dinh dưỡng phong phú, khoai lang được khuyến khích cho những người đang cố gắng giảm cân, mắc các vấn đề về hô hấp, chống viêm khớp và điều trị loét dạ dày…

Dưới đây là một số lợi ích của khoai lang:

Hỗ trợ sức khỏe hô hấp

Mùa đông là thời điểm chúng ta dễ mắc các vấn đề về hô hấp hơn, chẳng hạn như hen suyễn, cảm lạnh, ho và nhiễm trùng họng. Vì vậy, ăn thực phẩm bổ dưỡng để giữ ấm và giúp cơ thể khỏe mạnh. Việc đưa khoai lang vào chế độ ăn uống mùa đông có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Ăn khoai lang giúp giảm viêm ở những bệnh nhân hen suyễn.

Ăn khoai lang có tác dụng phụ không?- Ảnh 1.

Ăn khoai lang giúp giảm viêm.

Thúc đẩy sức khỏe làn da

Các chất chống oxy hóa có nhiều trong khoai lang rất có lợi cho da, bảo vệ da khỏi các bức xạ có hại trong ánh nắng mặt trời, cải thiện kết cấu của da. Ngoài ra, khoai lang là nguồn cung cấp beta-carotene quan trọng, có lợi cho da giúp chống lại các gốc tự do gây lão hóa da.

Một củ khoai lang chứa nhiều hơn nhu cầu beta-carotene hàng ngày và cung cấp gần như tất cả nhu cầu về vitamin C được khuyến nghị. Vitamin C giúp hỗ trợ sản xuất collgen, cần thiết cho da khỏe mạnh.

Ngăn ngừa táo bón

Nhiệt độ lạnh không phải là thời điểm tốt nhất cho sức khỏe tiêu hóa tối ưu. Mùa đông có thể dẫn đến lượng chất lỏng hấp thụ giảm. Khoai lang là nguồn cung cấp chất xơ tuyệt vời. Chất xơ rất quan trọng đối với sức khỏe tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón và các bệnh nghiêm trọng, như ung thư ruột kết.

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng một củ khoai lang cỡ trung bình cung cấp 6g chất xơ trong chế độ ăn uống. Chúng cũng chứa tinh bột kháng, một loại tinh bột đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng vi khuẩn 'có lợi' của cơ thể.

Tăng cường khả năng miễn dịch

Do chứa vitamin D, nên bổ sung khoai lang là một giải pháp tốt để tăng cường khả năng miễn dịch, nhất là trong những tháng mùa đông lạnh giá. Việc tiêu thụ khoai lang thường xuyên có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, chống lại nhiễm trùng. Ngoài ra, hàm lượng beta-carotene dồi dào trong khoai lang cũng giúp hỗ trợ chức năng miễn dịch.

Kiểm soát cân nặng

Ăn khoai lang có tác dụng phụ không?- Ảnh 2.

Khoai lang có thể hỗ trợ giảm cân.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc ăn khoai lang có liên quan đến việc giảm cân. Những thay đổi về hormone để đáp ứng với mùa lạnh, lượng calo tăng lên và thiếu hoạt động thể chất thường dẫn đến tăng cân vào mùa đông. Khoai lang chứa nhiều chất xơ trong chế độ ăn uống có thể làm giảm mức độ hormone gây đói, do đó ngăn ngừa ăn quá nhiều và tăng cảm giác no.

2. Tác dụng phụ của khoai lang

Theo timesofindia, mặc dù khoai lang rất tốt cho sức khỏe, an toàn cho hầu hết mọi người, nhưng một số người có thể cần chú ý nhiều hơn khi ăn khoai lang.

Dưới đây là một số lưu ý:

- Sỏi thận: Khoai lang có hàm lượng oxalate cao do đó những người có nguy cơ hình thành sỏi thận nên tránh hoặc hạn chế ăn khoai lang. Bên cạnh đó, khoai lang cũng giàu kali và ăn hơn 50 gam khoai lang mỗi ngày có thể không phù hợp với bệnh nhân thận, chuyên gia dinh dưỡng Seema Khanna ở Delhi cho biết.

Ăn khoai lang có tác dụng phụ không?- Ảnh 3.

Ăn nhiều khoai lang có thể gây khó chịu ở dạ dày.

- Cảm giác khó chịu ở dạ dày: Khoai lang có chứa mannitol, một loại carbohydrate, tuy không gây hại nhưng khi dùng loại carbohydrate này quá nhiều có thể gây khó chịu ở dạ dày (đầy hơi, có thể dẫn đến tiêu chảy…). Do đó, khi bị khó chịu ở dạ dày, tốt nhất là không nên ăn khoai lang.

- Có thể làm tăng đường huyết: Khoai lang có chỉ số đường huyết vừa phải và được coi là thực phẩm lành mạnh hơn khoai tây. Khoai lang có nhiều chất xơ, có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ăn khoai lang có thể giúp cải thiện độ nhạy insulin. Tuy nhiên, đối với người đái tháo đường, không nên ăn quá nhiều.

- Vấn đề về tim: Khoai lang là nguồn cung cấp kali tốt, có thể giảm nguy cơ mắc các vấn đề về tim. Nhưng khi tiêu thụ quá nhiều dẫn tới dư thừa kali lại không tốt, có thể dẫn đến tăng kali máu hoặc ngộ độc kali, là nguyên nhân gây ra đau tim.

- Tác dụng phụ khác: Khoai lang có hàm lượng vitamin A cao và việc dùng quá nhiều vitamin này có thể dẫn đến ngộ độc vitamin A. Các triệu chứng của tình trạng này có thể bao gồm đau đầu và phát ban. Tiêu thụ quá nhiều vitamin A trong thời gian dài cũng có thể là lý do khiến tóc thô, rụng một phần tóc (bao gồm cả lông mày), môi nứt nẻ, da khô, thô ráp. Liều lượng lớn vitamin A kéo dài có thể gây tổn thương gan.

Lượng vitamin A khuyến nghị hàng ngày (RDA) là 700 microgam đối với phụ nữ và 900 microgam đối với nam giới. Nếu bạn dùng nhiều hơn mức này, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Ngoài ra, nếu bạn đang bị các vấn đề về thận, tiểu đường và tim, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi muốn ăn khoai lang thường xuyên hơn.

Mời độc giả xem thêm:

Khoai lang chữa được những bệnh gì?Khoai lang chữa được những bệnh gì?

SKĐS – Khoai lang không chỉ bổ dưỡng mà còn là vị thuốc chữa bệnh. Vậy khoai lang chữa được những bệnh gì?

DS. Thu Thủy
Ý kiến của bạn