Giáo viên kiêm nhân viên y tế
Việc giáo viên đứng lớp phải kiêm cả vai trò nhân viên y tế hiện rất phổ biến ở các trường mầm non, đặc biệt tại các trường mầm non tư thục do thiếu phòng y tế, thiếu cán bộ chuyên trách và thực tế không mấy trường mầm non tư thục (kể cả mầm non công lập) lại tuyển thêm nhân lực là y tá vào trường. Thực trạng hiện nay ở một số trường mầm non công lập, hiệu phó phụ trách bán trú hoặc nhân viên điều dưỡng, giáo viên phải kiêm nhiệm nhiệm vụ của nhân viên y tế mà không qua đào tạo hoặc chỉ tham gia các lớp tập huấn ngắn ngày. Với các trường mầm non tư thục thì người quản trường sẽ kiêm hiệu trưởng, kế toán, thủ quỹ thậm chí kiêm luôn vị trí đứng lớp và trở thành y tá “bất đắc dĩ” khi phụ huynh gửi thuốc uống tại trường cho con. Thiếu nhân lực nên nhiều trường mầm non phải ra “tối hậu thư” với phụ huynh: Tuyệt đối không nhận trẻ bệnh dù nặng hay nhẹ (điều này chỉ xảy ra với hệ thống trường mầm non công lập). Với các trường mầm non tư thục thì khi phụ huynh học sinh gửi thuốc nhờ các cô cho con em họ uống thì nhà trường không thể không nhận nếu không muốn các cháu chuyển sang trường khác! Thiếu người có chuyên môn nên khi phát hiện trẻ bệnh, một số giáo viên, bảo mẫu thường lóng ngóng, có trường hợp tự ý sử dụng thuốc cho trẻ. Cô Phương Thảo, giáo viên Trường mầm non tư thục Măng Non (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Khi trẻ có biểu hiện như ho, sốt, tiêu chảy... thì các cô sẽ gọi điện cho phụ huynh. Thường thì phụ huynh sẽ nhờ cô giáo đi mua loại thuốc trẻ thường được gia đình cho dùng. Sau đó sẽ nhờ cô “từ xa” về liều lượng, lịch cho trẻ uống!!?? Với những trẻ có biểu hiện ốm từ khi ở nhà, lúc được đưa đến trường phụ huynh chỉ dặn các cô cho trẻ uống thuốc theo một tờ giấy đã ghi từ trước. Nhiều khi phụ huynh chỉ dặn các cô qua loa về đơn thuốc nên cũng không ít trường hợp các cô quên không cho trẻ uống thuốc.
![]() |
Còn nhiều kẽ hở!
Theo tìm hiểu của PV, đầu năm học, phòng giáo dục các quận, huyện thường có công văn gửi các trường trên địa bàn về việc tiếp nhận thuốc từ phụ huynh học sinh gửi cho trẻ tại trường. Theo đó, nhà trường phải hướng dẫn phụ huynh để thuốc vào bao riêng, ghi cụ thể họ tên, lớp, liều uống, cách uống, thời gian uống, kèm toa chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không nhận thuốc không toa, không để xảy ra tình trạng trẻ này uống nhầm thuốc của trẻ khác. Tất cả thông tin tiếp nhận phải được lập sổ có chữ ký phụ huynh. Quy định là vậy, song thực tế, ngoài những trường mầm non có số trẻ đông có phòng y tế và cán bộ y tế chuyên trách thì phần lớn tại các trường (đặc biệt là mầm non tư thục) khâu tổ chức y tế gần như để “trắng” hoặc giao phó cho giáo viên. Theo lời một lãnh đạo quản lý mảng các trường mầm non tư thục (Phòng Giáo dục quận Hoàng Mai): Qua công tác thanh, kiểm tra định kỳ tại các trường mầm non trên địa bàn cho thấy, một số trường, đặc biệt là trường mầm non, thực hiện chưa chặt chẽ, chưa khoa học trong việc tiếp nhận thuốc mà phụ huynh gửi tại trường. Nhiều trường hợp nhận thuốc không rõ tên và nhãn mác, thuốc đặc trị không kèm chẩn đoán và toa thuốc, thuốc không nhằm mục đích điều trị bệnh. Kiểm tra cho thấy, người ghi sổ (nhân viên y tế hoặc người kiêm nhiệm) không ghi rõ tên thuốc, cách uống, liều lượng sử dụng, số lần dùng trong ngày. Cá biệt có trường hợp giáo viên tự tiện cho học sinh uống thuốc ho, thuốc giảm sốt... không có ý kiến phụ huynh hoặc bác sĩ.
Như vậy có thể thấy, việc phụ huynh và giáo viên tại các trường coi việc đưa và cho trẻ uống thuốc rất “thoải mái” mà không ý thức được việc đó có thể đe dọa trực tiếp tới sức khỏe của trẻ. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần đưa ra những chính sách, quy định cụ thể để “siết chặt” vấn đề này tại các trường học nói chung và tại các trường mầm non nói riêng.
Bài, ảnh: Văn Hoàng
Nên đưa đơn và ghi rõ tên thuốc Theo BS. Hoàng Bùi Hải, Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai: Khi trẻ mắc bệnh, tốt nhất gia đình nên cho trẻ đến các cơ sở chăm sóc y tế và cho ở nhà để chăm sóc chu đáo, tránh lây bệnh cho trẻ khác. Tuy nhiên, trong trường hợp phải cho trẻ đến trường, phụ huynh cần gửi toa thuốc cho giáo viên. Với các loại thuốc rời, không có bao bì bên ngoài, phụ huynh nên cho từng loại thuốc vào túi nilông và ghi rõ tên thuốc để giáo viên cho trẻ uống đúng thuốc, đúng liều lượng. Nếu không ghi rõ, giáo viên có thể cho trẻ uống nhầm, nhất là trong trường hợp toa có thuốc phải chia nửa viên. |