Hà Nội

Ẩn họa từ thực phẩm “ướp” chất phụ gia, bảo quản

03-10-2014 07:28 | Thời sự
google news

SKĐS - Phụ gia thực phẩm được phép sử dụng để tạo mùi, vị, màu sắc thực phẩm hấp dẫn và giúp bảo quản thực phẩm được dài ngày hơn.

Phụ gia thực phẩm được phép sử dụng để tạo mùi, vị, màu sắc thực phẩm hấp dẫn và giúp bảo quản thực phẩm được dài ngày hơn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay không ít các cơ sở chế biến thực phẩm đã “lén lút” sử dụng các chất phụ gia ngoài danh mục, không rõ nguồn gốc, đe dọa trực tiếp tới sức khỏe người sử dụng.

Hết cốm lại đến ruốc tẩm hóa chất ngoài danh mục

Ngày 1/10, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh, TP.HCM phát hiện một cơ sở sản xuất kinh doanh chà bông (ruốc) làm từ thịt gà không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở sản xuất ở địa chỉ F7/1C tổ 3, ấp 6, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh do Đỗ Thị Tân, sinh năm 1984 là chủ cơ sở, đang sản xuất kinh doanh chà bông làm từ thịt gà trong tình trạng rất mất vệ sinh, nguyên liệu để tràn ra sàn nhà trộn lẫn với tạp chất và gia súc thả rông quanh đó, có nhiều ruồi nhặng bu bám. Tiếp tục kiểm tra phát hiện nhiều phụ phẩm gà tươi đã bốc mùi, cùng với nhiều loại phụ gia phục vụ cho việc chế biến chà bông đựng trong bao bì không rõ nguồn gốc. Theo đó, đoàn công tác đã thu giữ tổng cộng 1.102kg thực phẩm (trong đó 817kg chà bông thành phẩm, 250kg chà bông chưa thành phẩm, 20kg tóp mỡ gà, 15kg thịt gà) chưa có giấy chứng nhận kiểm dịch, không hóa đơn chứng từ, sản xuất trong môi trường không đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở này sử dụng phụ gia, hóa chất độc hại cấm dùng để chế biến thực phẩm.

Lực lượng chức năng đang kiểm tra cơ sở sản xuất ruốc bẩn.

Ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng trạm Thú y Bình Chánh, TP.HCM cho biết: Khi tiến hành làm việc với chủ cơ sở, được biết, cơ sở sản xuất này hoạt động không đăng ký giấy phép kinh doanh, không giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, nhân viên làm việc ở đây không được tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm và không có hồ sơ khám sức khỏe. Cơ sở chế biến chà bông bẩn này hoạt động được khoảng 4 tháng nay, mỗi ngày sản xuất khoảng 100kg chà bông không đảm bảo vệ sinh rồi đem đi giao cho các điểm kinh doanh, quán ăn nhỏ, xe bánh mì trên địa bàn huyện Bình Chánh.

Trước đó tại Hà Nội, Đội Quản lý thị trường số 6 (quận Nam Từ Liêm) phối hợp với Cảnh sát môi trường, lực lượng y tế (Hà Nội) tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất cốm của gia đình anh Đỗ Đức Tặng ở làng Mễ Trì Hạ, phát hiện cơ sở này dùng khá nhiều phẩm có màu xanh, vàng để làm màu cho cốm. Theo ông Nguyễn Đình Cường, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 6, sau khi phát hiện số phẩm màu trên, cán bộ Trung tâm Y tế đã test nhanh tại chỗ, kết quả phẩm màu không nằm trong danh mục cho phép, mà là phẩm màu công nghiệp. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tại chỗ, đội cảnh sát môi trường đã lấy mẫu, niêm phong gửi đi kiểm nghiệm, phân tích mức độ độc hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

Sẽ phạt nặng

Tại cuộc họp báo về Triển lãm nguyên liệu thực phẩm và đồ uống tại khu vực châu Á - Food Ingredients ASIA (Fi ASIA) diễn ra ngày 9/9 tại Hà Nội vừa qua, bà Vũ Thị Trang, Phó Trưởng khoa Chất lượng phụ gia và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia cho biết: Có tới 45,5% chất tạo ngọt được kiểm tra không đảm bảo tiêu chuẩn. Tỷ lệ này là 37,3% với chất chống ôxy hóa, 33,3% với chất tạo xốp và 23,3% với chất điều vị. Cùng với đó, có nhiều sản phẩm thực phẩm tồn đọng những chất phụ gia, bảo quản vượt ngưỡng cho phép nhiều lần. Qua kiểm tra cũng cho thấy rất nhiều cơ sở sản xuất, đặc biệt những cơ sở sản xuất thực phẩm “chui” thường xuyên sử dụng một lượng lớn chất phụ gia, bảo quản ngoài danh mục, không rõ nguồn gốc.

Hiện nay, Bộ Y tế đã công bố 23 nhóm phụ gia thực phẩm (PGTP) với hơn 400 chất có trong danh mục được phép sử dụng trong thực phẩm, đi kèm với hướng dẫn về liều lượng và loại thực phẩm phù hợp. Đối với các trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng. Theo đó, các trường hợp vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng với cá nhân và 60 - 80 triệu đồng với tổ chức sử dụng PGTP ngoài danh mục. Phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng với cá nhân và từ 80 - 100 triệu đồng với tổ chức sử dụng PGTP không rõ nguồn gốc. Phạt tiền từ 70 - 100 triệu đồng với cá nhân và từ 100 - 120 triệu đồng với tổ chức sử dụng PGTP độc hại.

Ngọc Đỗ - Hoàng Văn

 


Ý kiến của bạn