“Rượu lợn” hay “rượu săm” là cách gọi khác của những loại rượu được các chủ lò rượu ủ men trong những chiếc săm ôtô vá kín, quy trình nấu thủ công. Nó cũng được dân nhậu gắn cho mác rượu quê, rượu gia truyền, rượu quốc lủi... Đặc điểm chung của những loại rượu này là giá rẻ, bán đại trà và nó cũng là nguyên nhân chính gây ra các vụ ngộ độc rượu.
Nấu ra chỉ để bán, người nhà không uống!
Để tìm hiểu về quy trình sản xuất một mẻ rượu được gắn mác rượu quê, PV báo Sức khỏe&Đời sống đã xâm nhập một “bưởng” rượu tại thôn Thượng Cát (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Theo bà chủ “bưởng” rượu này, để có một nồi rượu quê theo đúng nghĩa, người nấu rượu phải trải qua các công đoạn nấu gạo thành cơm, rải ra nia cho nguội, sau đó nghiền men viên thành bột rắc lên, cho vào thùng hoặc chum ủ từ 2 - 3 ngày để cơm lên men, đổ nước vào ủ tiếp trong vòng từ 10 - 12 ngày, sau đó mới đưa ra chưng cất. Như vậy, để hoàn thành các công đoạn cần mất từ 14 - 16 ngày, khi đó mới có được rượu thành phẩm. Giá bán mỗi lít rượu được chưng cất như vậy khoảng từ 100.000 - 120.000 đồng/lít.
Các “bưởng” rượu đã sử dụng săm ôtô thải loại về vá kín rồi ủ men rượu của Trung Quốc.
Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay mà ngay chủ “bưởng” rượu này cũng thừa nhận là để giảm thời gian chưng cất rượu và lấy được nhiều rượu hơn, đa phần các “bưởng” rượu dùng “men thẳng” (cách gọi khác của men Trung Quốc) để nấu. Loại men này mạnh đến nỗi biến gạo thành cơm chỉ trong vài ngày. Chỉ cần trộn men trực tiếp vào gạo sống, đổ nước và ngâm sau 5 ngày thì gạo sẽ lên men và cho lượng rượu rất lớn. Mỗi túi men tươi 500g dùng để ủ 1 tạ gạo, cứ 10kg gạo cho ra 14 - 16 lít rượu, hiệu quả gấp đôi so với các loại men thông thường.
“Cũng còn một “chiêu” rất độc nữa là khi chưng cất rượu, đáng ra 10kg gạo được khoảng 10 lít rượu với nồng độ khoảng 35o nhưng người nấu lại lấy 12 lít và để tăng nồng độ, họ sẽ nhúng đầu đũa vào thuốc sâu, sau đó nhúng tiếp vào can rượu. Cùng với đó, để tăng độ rượu và rút ngắn thời gian lên men, các “bưởng” rượu đã sử dụng các săm ôtô thải loại về vá kín rồi ủ men rượu. Những chiếc “túi” này nguyên là những chiếc săm ôtô, được chế lại bằng cách xẻ đôi rồi gập lại, sau đó “vá chín”, chỉ để chừa một cái lỗ nhỏ để nhét vừa cái “phễu” to như một chiếc xô nhựa để rót rượu vào nên nó được gọi là “rượu săm” hay “rượu lợn”. Một chiếc săm ôtô như thế chứa được cả 100 lít rượu. PV cũng tìm hiểu và giật mình được biết hầu hết những loại rượu được chưng cất tại các hộ dân được các cửa hàng, quán nhậu ven đường nhập về tiêu thụ với số lượng lớn, thế nhưng chính những chủ lò rượu lại ít sử dụng loại rượu này trong bữa ăn gia đình hoặc cỗ bàn trong dòng họ!!??
Phóng viên trong một “bưởng” rượu thủ công ở quận Nam Từ Liêm.
Dễ gây ngộ độc
Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai trong thời gian qua đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc do uống rượu quê, rượu “cuốc lủi”. Bệnh nhân nhập viện thường trong tình trạng hôn mê sâu, mất tri giác, phản xạ yếu, đau đầu, nôn liên tục... Theo kết quả xét nghiệm, rượu trong máu các bệnh nhân cấp cứu cũng như mẫu rượu bệnh nhân đã uống cho thấy khoảng 50% mẫu rượu chứa methanol, cồn công nghiệp. Điều này cho thấy tình trạng pha cồn, methanol vào rượu uống, nhất là các loại rượu trắng cộng đồng tự nấu (rượu cuốc lủi, rượu quê) hiện rất phổ biến. Theo TS. Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, nếu uống nhiều rượu, nồng độ cồn trong máu quá cao có thể gây ức chế toàn bộ hệ thống thần kinh trung ương, dẫn đến hôn mê sâu, suy hô hấp, trụy mạch, với nhiều biến chứng nguy hiểm như hạ đường huyết, nhiễm toan, rối loạn nước điện giải và dẫn đến tử vong. Có những trường hợp dù được cứu sống nhưng để lại những di chứng nặng như suy gan, tổn thương thần kinh vĩnh viễn hay những di chứng về vận động gây liệt.
Cũng liên quan đến vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, rượu được sản xuất bằng phương pháp thủ công dù ít hay nhiều đều chứa một số chất độc hại cho sức khỏe con người. Nấu rượu bằng phương pháp thủ công bao gồm các bước: lựa chọn nguyên liệu; quá trình làm mốc lên men, đường hóa; quá trình lên men biến đường thành rượu và chưng cất. Tất cả những giai đoạn này nếu làm không tốt, không đảm bảo vệ sinh đều có thể làm cho thành phẩm rượu bị nhiễm độc.
Bài, ảnh: Văn Hậu - Giang Tử