Tấm biển quảng cáo lớn, che kín từ tầng 2 lên đến tầng thượng, là tình trạng xảy ra ở nhiều cửa hàng nằm trên phố Lê Duẩn (Đống Đa, Hà Nội). Không những thế, búi dây điện, cáp viễn thông chằng chịt, vắt ngang qua những tấm biển quảng cáo này, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về cháy nổ.
Là người dân trên địa bàn quận Đống Đa, chứng kiến hình ảnh này, bà Lê Hoài Thu chia sẻ: "Đường dây điện chẳng chịt thế này, nguy cơ chập cháy là rất cao. Nếu búi dây điện này chẳng may chập, chắc chắn lửa sẽ bắt vào tấm biển quảng cáo. Hậu quả sẽ khó kiểm soát nếu cháy đường điện và lan ra những đồ vật dễ bắt lửa xung quanh".
Tình trạng biển quảng cáo khổ lớn, che kín mặt tiền của các tòa nhà cao tầng còn xảy ra phổ biến ở ngã 6 Ô Chợ Dừa. Đủ các kích cỡ dài rộng, màu sắc, chất liệu, kiểu loại khác nhau, các tấm biển quảng cáo này thu hút sự quan tâm của người đi đường, mặc cho những hiểm họa tiềm ẩn.
Bà Nguyễn Minh Châu, một người dân ở quận Đống Đa (Hà Nội) nhớ lại, hồi tháng 3 vừa rồi cũng xảy ra một đám cháy ở tòa nhà 9 tầng ngay ngã 6 Ô Chợ Dừa này. Tia lửa điện từ tấm biển quảng cáo điện tử nổ tung tóe như pháo hoa, cháy lan sang nhà bên cạnh.
"Vụ cháy vừa rồi cũng là hồi chuông cảnh báo về nguy cơ cháy nổ từ những tấm biển quảng cáo khổ lớn, đặc biệt là biển quảng cáo điện tử. Chẳng hiểu sao, những tấm biển này vẫn rất nhiều ở đây. Tôi nghĩ, cơ quan chức năng cần xem xét để có giải pháp ngăn chặn sớm những nguy cơ cháy nổ", bà Châu nói.
Chị Nguyễn Minh Ngọc, nhân viên một cửa hàng trên phố Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội) nhận định, những biển quảng cáo khổ lớn, chắn hết mặt tiền của các tòa nhà tiềm ẩn nguy hiểm rất cao. Chẳng may hỏa hoạn xảy ra, người trong nhà rất khó có thể thoát ra ngoài từ cửa sổ của các tầng.
Theo phóng viên ghi nhận, tình trạng những biển quảng cáo khổ lớn, che kín mặt tiền của các tòa nhà cao tầng xảy ra phổ biến ở nhiều tuyến đường trên địa bàn Hà Nội. Chẳng hạn như: Nút giao Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến – Nguyễn Xiển; Hồ Tùng Mậu; Trần Quốc Hoàn; Đào Tấn; Nguyễn Lương Bằng; Xã Đàn; Lê Duẩn…
Vừa qua, Hà Nội đã ban hành Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời. Trong đó có nội dung, quảng cáo sử dụng ánh sáng điện (đèn phóng khí, đèn LED, đèn laze, đèn Media trang trí tòa nhà…) phải đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, an ninh thông tin, an toàn giao thông, trật tự xã hội và tuân thủ quy định của pháp luật.
Theo ông Trần Hùng, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam nhận định, quy chế của Hà Nội là phải đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy với biển quảng cáo. Tuy nhiên, Hà Nội cần phải bổ sung quy định cụ thể hơn về an toàn phòng cháy chữa cháy đối với những nơi cho phép treo, dựng biển quảng cáo.
Luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, tại Điều 34 Luật Quảng cáo 2012 quy định về kích thước biển hiệu của tổ chức cá nhân kinh doanh được quy định như sau:
Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 02 mét (m), chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà;
Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 01 mét (m), chiều cao tối đa là 04 mét (m) nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.
Đối với biển hiệu quảng cáo vượt quá quy định nêu trên phải được sự đồng ý của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại điều 31 của Luật Quảng cáo.
Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.
Việc đặt biển hiệu phải tuân thủ các quy định của Luật này và quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Như vậy, với các quy định nêu trên, việc đặt biển quảng cáo phải đáp ứng về kích thước do luật định và không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa khi có sự cố cháy nổ xảy ra.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại rất nhiều tuyến phố các chủ cơ sở kinh doanh thực hiện việc quảng cáo, đặt biển quảng cáo không đúng với quy định của luật, tiềm ẩn xảy ra nguy cơ sập đổ khi có giông, gió to, che chắn mặt tiền, không có lối thoát hiểm khi xảy ra sự cố cháy, nổ, sử dụng nhà không đúng với phương án phòng cháy và chữa cháy đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và gây mất mỹ quan đô thị.
Đặc biệt, hiện nay chất liệu của bảng hiệu quảng cáo thường là nhựa Mica hoặc bạt – vật liệu quảng cáo chuyên dùng, tấm Fomex… thường là những vật liệu dễ cháy, dễ bắt lửa do đó khi xảy ra sự cố hỏa hoạn sẽ làm gia tăng mức độ thiệt hại cho chủ những căn nhà.
Vì vậy, để ngăn chặn và xử lý những hành vi vi phạm về phòng chống cháy, nổ, vi phạm về quảng cáo, các cơ quan chức năng cần tăng cường xử lý vi phạm của đối với những trường hợp vi phạm về kích thước biển hiệu quảng cáo của các cơ sở kinh doanh.