Hà Nội

Ẩn họa từ những con đò tự chế

11-11-2014 22:46 | Thời sự
google news

SKĐS - Không phao cứu sinh, không đăng ký hoạt động, người điều khiển không có chứng chỉ hành nghề và phương tiện tự chế hết sức thô sơ...

Không phao cứu sinh, không đăng ký hoạt động, người điều khiển không có chứng chỉ hành nghề và phương tiện tự chế hết sức thô sơ là thực trạng của hàng chục bến đò tự phát nằm dọc dòng sông Đồng Nai qua địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Mỗi ngày, những con đò “định mệnh” này chuyên chở hàng trăm lượt người qua lại để học hành, làm việc và mưu sinh, bất chấp những ẩn họa luôn rình rập.

​Học sinh hàng ngày đi học qua những con đò mong manh giữa dòng nước xiết.

Đánh đu số phận trên những con đò

Theo báo cáo mới nhất, hiện trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng có 30 bến đò, điểm kinh doanh du lịch hoạt động thủy nội địa với 286 phương tiện; trong đó, 218 phương tiện thô sơ. Qua kiểm tra tại 7 huyện, thành phố có phương tiện thủy nội bộ, Công an Lâm Đồng đã có kết luận: Hầu hết các bến đò đều tự phát, không đảm bảo các điều kiện hoạt động giao thông thủy nội địa theo quy định. Các phương tiện chủ yếu do người dân tự thiết kế, tự đóng không đảm bảo các điều kiện về an toàn kỹ thuật và không đăng ký, đăng kiểm. Và, dù đã bị xử phạt, cấm hoạt động; thế nhưng hơn 20 năm qua, các bến đò tự phát vẫn cứ tồn tại bởi có “cầu” thì ắt phải có “cung”.

Trong những ngày giữa mùa mưa Tây Nguyên, chúng tôi có cuộc mục sở thị tại một số bến đò tự phát dọc sông Đồng Nai - tiếp giáp các huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên, Di Linh, Lâm Hà... Và, thực trạng hoạt động của các bến đò này rất nhộn nhịp, nhất là những ngày làm việc trong tuần. Trong số người qua lại trên các con đò này có nhiều giáo viên và học sinh. Tại bến đò thuộc xã Phước Cát 1 (huyện Cát Tiên) nối bờ bên kia là thôn 10 - xã Đắk Lua, huyện Tân Phú (Đồng Nai) có một con đò dùng dây cáp nối hai bên bờ sông; đây là phương tiện duy nhất giúp người dân của 2 tỉnh qua lại mỗi ngày. Quan sát trên con đò cũng có vài cái áo phao cũ kỹ, vứt sóng soài, không mấy ai dùng mỗi khi qua sông. Lái đò là một người đàn ông lớn tuổi có thân hình gầy gò, e dè cho biết, ông gắn bó với bến đò này hơn chục năm rồi, mỗi ngày ông đưa vài chục chuyến qua sông, giá mỗi lượt 10 ngàn đồng (cả người và xe máy). Biết khách ái ngại, chủ đò trấn an rằng: “Trước đây chèo đò bằng tay nguy hiểm hơn, giờ đò được kéo bằng cáp nối với ròng rọc nên an toàn hơn nhiều...”(?).

Riêng trên địa bàn huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) có 4 bến đò tự phát nằm dọc sông Đồng Nai. Nhộn nhịp người qua lại, nhất là bến đò nằm phía sau chợ thị trấn Cát Tiên. Vào giờ cao điểm, các chuyến đò liên tục xuôi ngược để đưa học sinh, giáo viên và nhân dân qua lại hai bên sông. Tất cả 4 bến đò và các con đò tại đây không đăng ký, đăng kiểm; người lái đò không có giấy chứng nhận; phương tiện không trang bị đủ áo phao, phao cứu sinh, không có chỗ ngồi cho hành khách. Và, dù đã bị cấm hoạt động, song vẫn cứ tồn tại...

Rời Cát Tiên, ngược dòng Đồng Nai, chúng tôi đến “Bến đò Xưa” thôn 11, xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng). Bến đò này đã hơn 10 năm lặng lẽ hoạt động để đưa học sinh, nhân dân của xã Đạ Kho qua xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú học tập và làm ăn sinh sống. Người dân ở đây cho biết, mỗi năm vào mùa nắng, nước sông ít, người dân qua lại bằng cầu phao; khi mùa mưa lũ về buộc phải tháo cầu phao và đi bằng đò. Người dân hai bên sông qua lại duy nhất bằng phương tiện này và cũng phó mặc số phận rủi may cho những chuyến đò không an toàn...

Những người trong cuộc nói gì?

Khi chúng tôi nhắc lại vụ chìm đò hơn một tháng trước (9/2014) ở bến đò (cũng tự phát) tại xã Gia Hiệp, huyện Di Linh (đoạn thượng nguồn sông Đồng Nai) làm 3 người chết và hàng năm đều xảy ra các vụ tai nạn đò ngang trên những bến đò tự phát trên địa bàn tỉnh thì cả người chèo đò và khách sang sông đều... im lặng!

Ông Phạm Văn Bình, chủ “Bến đò Xưa” cho biết, chiếc đò của ông làm bằng gỗ rộng chừng 4m2, di chuyển qua lại cũng bằng dây cáp vắt qua sông và dùng sức người để kéo. Mỗi ngày, có khoảng 30 học sinh qua lại để đi học (ông Bình chở hoàn toàn miễn phí cho các em); còn đối với người dân, ông thu mỗi người 5 ngàn đồng/lượt. Ông nhìn đi hướng khác và nói: “Biết rất nguy hiểm nhưng bà con cần thì mình cứ đưa qua sông...”. Còn bà Tống Thị Quỳnh (xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh) tâm sự: “Mọi sinh hoạt, từ chợ búa, khám chữa bệnh đến việc học hành của con tôi đều phải qua sông về xã Nam Cát Tiên. Hàng ngày, hai đứa con nhỏ của tôi phải qua lại sông Đồng Nai  2 lần để đi học. Lúc nào tôi cũng lo sợ...”.

Còn tại khúc sông ở xã Gia Hiệp, huyện Di Linh sau vụ đắm đò chết người một tháng trước, người dân dù rất hoang mang nhưng vì nhu cầu mưu sinh, học hành bắt buộc người dân nơi đây cứ phải qua sông. Họ ngại không qua bến đò đã xảy ra tai nạn mà đổ dồn về những bến đò khác. Ông Lê Thanh Tòng, chủ của một trong 5 bến đò (Bến Cát, Bến Le, Bến Đá, Bến Cẩm) đầu nguồn sông Đồng Nai cho biết, ngày cao điểm ông đưa gần 100 lượt người qua lại. Hơn 20 năm gắn bó với khúc sông này, ông Tòng từng chứng kiến những vụ tai nạn đắm đò, chết người rất thương tâm. Ông cho biết: “Ở khúc sông này năm nào cũng xảy ra tai nạn chết người, mất mát tài sản. Nguy hiểm nhất là những đợt mưa lũ hoặc các hồ thủy điện xả nước. Dù nước sông hung dữ, nhưng bà con không thể không qua lại. Có những trường hợp ốm đau hoặc sinh đẻ đêm hôm, bà con cầu cứu buộc tôi phải bất chấp nguy hiểm để đưa người qua sông...”.

Cứ vậy, mỗi ngày hàng trăm lượt sinh mạng đánh đu trên những con đò định mệnh để kiếm sống, làm ăn, học hành bất chấp ẩn họa rình rập. Bao giờ có những cây cầu? Câu trả lời quá đỗi mênh mông như dòng sông cuồn cuộn chảy...

Bài, ảnh:  THANH HỒNG

 

 


Ý kiến của bạn