Ẩn họa từ corticoid - Vẫn còn thời sự...

16-12-2015 08:38 | Dược
google news

SKĐS - Dẫu thầy thuốc và các phương tiện thông tin đại chúng luôn cảnh báo nhưng nhiều người vẫn tự ý tìm mua thuốc có chứa corticoid tự điều trị...

Dẫu thầy thuốc và các phương tiện thông tin đại chúng luôn cảnh báo nhưng nhiều người vẫn tự ý tìm mua thuốc có chứa corticoid tự điều trị... dẫn đến hậu quả bị tai biến rất nặng nề.

Trong cơ thể ta có hai corticoid thiên nhiên được tiết ra từ vỏ thượng thận (là tuyến úp trên hai quả thận), đó là cortison và hydrocortison. Thuốc corticoid dùng trong điều trị gồm nhiều loại: dexamethason (thường gọi nôm na là “đề xa”) prednison, prednisolon, methylprednisolon, triamcinolon...

Bệnh nhân bị hội chứng Cushing và mọc râu do dùng corticoid.

Về phương diện chữa bệnh, corticoid là thuốc có tác dụng chống viêm, chống dị ứng, ức chế hệ miễn dịch. Corticoid dùng để chống viêm, giảm đau, trị các bệnh xương khớp, các bệnh tự miễn, các bệnh dị ứng ngoài da và hệ hô hấp (biểu hiện là hen suyễn nặng), bệnh suy tuyến thượng thận. Bên cạnh đó, corticoid còn có nhiều tác dụng khác nhau ảnh hưởng đến sự chuyển hóa chất đường, chất đạm, chất béo, đến sự cân bằng nước và muối khoáng, hệ tim mạch, thần kinh, cơ xương, cùng nhiều cơ quan khác nhau. Do thuốc corticoid có tác dụng giữ nước và chất khoáng natri trong cơ thể gây phù, gây rối loạn chuyển hóa lipid và làm đọng mỡ lại ở trên mặt, cổ và lưng, nên người dùng thuốc lâu ngày sẽ béo phì, mặt tròn như mặt trăng, nhưng thật ra cơ thể lại bị teo cơ (đây là các biểu hiện trong hội chứng có tên là Cushing).

Thuốc còn gây cảm giác thèm ăn khiến có người dùng thuốc ăn ngon hơn nhưng lại có các tác dụng phụ nguy hiểm khác như làm loãng xương, tăng huyết áp, gây huyết khối làm nghẽn mạch, có thể gây loét dạ dày, làm giảm sự đề kháng của cơ thể dễ dẫn đến nhiễm khuẩn (dễ bị lao, nếu đã bị lao sẽ làm bệnh nặng thêm hoặc các bệnh nấm). Đặc biệt, nếu dùng corticoid trong thời gian dài sẽ có nguy cơ teo tuyến thượng thận do tuyến này quen với tình trạng có thuốc trong cơ thể sẽ ngưng hoạt động, không còn duy trì chức năng nội tiết và như thế là rất nguy hiểm. Mới đây, Khoa Hồi sức cấp cứu tích cực, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân có các biến chứng nặng nề như: suy tuyến thượng thận, xuất huyết tiêu hóa... do tự ý lạm dụng corticoid. Riêng đối với trẻ em, do cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh sẽ bị tác hại do corticoid là rất lớn.

Hiện nay, không ít thuốc Đông y “giả mạo” mà nhiều người từng biết đều được quảng cáo chủ yếu: “Mát huyết, trị bệnh gan gây ngứa, trị gầy yếu, thiếu máu, biếng ăn, mất ngủ...”. Trên thực tế, các thuốc Đông y “giả mạo” này đều có chứa corticoid, để tạo những tác dụng trước mắt: ăn được, ngủ được, mập ra, nếu có đau nhức xương khớp sẽ giảm ngay hoặc nổi mề đay mẩn ngứa cũng sẽ hết (do tác dụng giảm đau chống viêm, chống dị ứng của corticoid) khiến nhiều người cho là “thần dược”, nhưng tác hại do việc dùng lâu ngày các loại đông dược “giả mạo” này không sao lường được.

​Trứng cá đỏ do lạm dụng corticoid.

Ở đây, xin được nhấn mạnh về việc sử dụng thuốc bôi ngoài da dạng kem thuốc (crème) hoặc thuốc mỡ (pommade) có chứa dược chất corticoid, ví dụ như cortibion, celestoderme, synalar, halog, hydrocortisone, flucinar, topsyne, betneval... Đây là thuốc bôi ngoài da chứa dược chất chống viêm rất quý, nếu dùng đúng chỉ định có thể chữa khỏi một số bệnh ngoài da khó trị, nhưng ngay cả người lớn, đặc biệt là phụ nữ, có người dùng sai chỉ định, như dùng để chữa các vết lở loét, dùng trị mụn trứng cá, thậm chí dùng như kem dưỡng da đã dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc. Nếu bôi lâu ngày trên da sẽ làm teo da, rạn da, da dễ bị nhiễm trùng do mất sự đề kháng. Nếu bôi lên da mặt lâu ngày, da mặt mịn màng đâu chẳng thấy mà sẽ thấy bị trứng cá đỏ, phát mụn li ti khắp mặt. Không những thế, thuốc có thể thấm qua da vào máu gây tác dụng toàn thân (có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm).

Các cô gái trước tuổi dậy thì nếu bôi lên da diện rộng, lâu ngày bị rối loạn sự phát triển hệ lông. Cũng do corticoid có thể thấm qua da vào máu mà có chống chỉ định (tức không được dùng) ở trẻ sơ sinh, nhũ nhi. Bôi ngoài da ở trẻ, thuốc chứa corticoid sẽ làm giảm sức đề kháng ở nơi bôi làm bùng phát hiện tượng nhiễm khuẩn. Cách đây không lâu, Bệnh viện Nhi đồng 2 thông báo trường hợp đau lòng là một trẻ hai tháng tuổi bị hoại tử đầu ngón tay dẫn đến phải phẫu thuật cắt bỏ phần hư chỉ vì người thân mua kem chứa thuốc corticoid thoa mụn bóng nước trên da của trẻ. Bị hoại tử đầu ngón tay vừa kể là do vi khuẩn gây hoại tử do corticoid làm giảm sức đề kháng và vi khuẩn có điều kiện phát triển.

Như vậy, ta thấy thuốc corticoid tuy có nhiều tác dụng trị liệu rất tốt nhưng đồng thời có nhiều tác dụng phụ gây nguy hiểm. Dùng nó như dùng con dao hai lưỡi. Vì vậy, ta không nên tự ý dùng bừa bãi mà chỉ nên dùng khi có sự chỉ định và theo dõi của thầy thuốc.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức


Ý kiến của bạn