Sẽ rất nguy hiểm nếu trẻ đọc, xem những thông tin bẩn này, bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến tính cách, hành vi, tâm lý của trẻ mà nguy hại hơn có thể bị mắc các bệnh lý tâm thần.
Nguy cơ mắc bệnh lý tâm thần
Với sức hấp dẫn từ việc kiếm tiền trên internet, nhiều người chạy theo đồng tiền, bất chấp những giá trị, chuẩn mực đạo đức làm các video có nội dung xấu, độc như “thử thách 24 giờ làm chó”, “đốt nhà ông ngoại”, “tắm mắm tôm”, hay các video có nội dung bạo lực, sex, mê tín dị đoan... với mục đích tăng lượt xem, lượt tương tác tìm kiếm quảng cáo để kiếm tiền. Khi trẻ xem mà không có sự định hướng, theo dõi và kiểm soát của cha mẹ, vô tình trẻ bị đầu độc học theo, lâu dần sẽ định hình những hành vi tính cách sai trái, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm sinh lý.
Theo GS.TS.BS cao cấp Cao Tiến Đức - Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần (Học viện Quân y - Bệnh viện Quân y 103), trẻ em rất dễ tin người và chưa có khả năng nhận thức đúng sai nên dễ bị tác động bởi mạng xã hội. Sẽ rất nguy hiểm nếu trẻ xem nhiều các video bạo lực bởi trẻ có thể bắt chước các động tác và hành vi của nhân vật trong video, lâu dần sẽ nhiễm vào người, khi có mâu thuẫn, xung đột với bạn bè hay mọi người xung quanh trẻ sẽ thể hiện theo xu hướng bạo lực đó và có khi là dã man hơn. Hay nếu trẻ xem các video sex, trẻ học theo quan hệ tình dục sớm ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản và tâm lý. Các video có nội dung ma quái khiến trẻ bị ám ảnh, mộng mị, rối loạn lo âu, ám ảnh tâm lý... Càng nguy hại hơn nếu trẻ nghiện xem các video độc hại luôn đắm chìm trong thế giới ảo. Khi đó tất cả thời gian, tâm trí, sức lực chỉ tập trung cho việc xem điện thoại, lâu dần không chỉ ảnh hưởng đến nhân cách, hành vi, tâm sinh lý của trẻ mà có thể mắc các bệnh lý tâm thần. Trẻ sử dụng điện thoại nhiều sẽ dễ dẫn đến “nghiện internet” (playing internet). Giống như nghiện ma túy, nghiện rượu, bản thân người nghiện internet biết sử dụng mạng xã hội nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng vẫn lao vào và đã có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra. Có người vì nghiện các trò game, chơi liên tục 2-3 ngày căng thẳng thần kinh đã gục ngay tại bàn chơi hay có trường hợp ham chơi đến mức sinh con không chăm sóc con để con chết... Người nghiện internet dễ bị trầm cảm, nhân cách phát triển không bình thường, luôn xuất hiện cảm xúc buồn chán, mệt mỏi, khép kín, ít giao tiếp với mọi người, học hành sa sút. Tác động từ các nội dung độc hại cùng với việc sử dụng điện thoại liên tục khiến trẻ luôn trong trạng thái tiêu cực, lo sợ bị phát hiện, ăn uống thất thường, mất ngủ, thần kinh căng thẳng là điều kiện, cơ hội cho nhiều bệnh khác có thể khởi phát như tâm thần phân liệt, trầm cảm, lo âu, hưng cảm, tăng động giảm chú ý, tự kỷ...
Sử dụng mạng xã hội quá đà tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý tâm thần.
Cần gặp bác sĩ ngay khi có dấu hiệu bất thường
Cũng theo GS. Đức, các bậc cha mẹ thường không chấp nhận, không thừa nhận con mình có vấn đề. Khi thấy trẻ không ngoan, bỏ học, lười học hoặc có hành vi không đúng chuẩn mực thường hy vọng bằng cách dạy dỗ, uốn nắn sẽ điều chỉnh được trẻ. Rất khó để cha mẹ có thể nhận biết được các hành vi đó thuộc về tính cách của trẻ hay biểu hiện của bệnh lý, thuộc phạm trù tính cách, đạo đức có thể thay đổi được nhưng đã là bệnh lý thì phải đi khám và điều trị. Do đó khi thấy trẻ có các triệu chứng bất thường như học hành chểnh mảng, ăn ngủ thất thường, sao nhãng mọi việc, khuyên bảo không nghe lời, khi người lớn không cho xem điện thoại có hành vi chống đối thậm chí là chửi bới, đánh đập... cần cho trẻ đi khám ngay để được chẩn đoán chính xác. Bởi có trường hợp, trẻ bị bệnh 6-7 năm mới mang đi khám thì đã quá muộn.
Thời gian điều trị bệnh lý tâm thần thường rất dài, thậm chí phải điều trị suốt đời. Bệnh tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc phải điều trị suốt đời, 5-7 năm mới có trường hợp đạt kết quả tốt, có thể ngưng dùng thuốc nhưng tỷ lệ không nhiều. Tâm thần phân liệt là một rối loạn phát triển thần kinh nhưng sẽ trở thành một rối loạn thoái hóa thần kinh khi khởi phát các đợt loạn thần. Do đó, nếu không điều trị sớm bệnh ngày càng nặng hơn khả năng hồi phục sẽ kém đi. Với bệnh trầm cảm tùy từng giai đoạn bệnh mà thời gian điều trị khác nhau: giai đoạn đầu 1-2 năm, giai đoạn thứ 2 là 3-4 năm, giai đoạn 3 từ 5-7 năm... càng tái phát nhiều lần thì thời gian điều trị càng dài, tuổi cao phải điều trị suốt đời... Các bệnh lý tâm thần khó có thể chữa khỏi ngay bởi tùy thuộc vào mức độ bệnh, đáp ứng điều trị của từng cá thể khác nhau, nhưng dù sao điều trị sớm, điều trị đúng cũng tốt hơn nhiều. Do đó, khi có bất cứ dấu hiệu bất thường nào cần cho trẻ đi khám ngay để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời.