Tưởng chừng như vô hại, nhưng món đồ chơi này cũng luôn tiềm ẩn những hiểm họa nếu không cẩn thận. Vụ việc một số học sinh bị bóng bay nổ gây bỏng nặng ngày 26/2/2018 vừa qua là một lời cảnh báo.
Bóng bay lại phát nổ
Chiều 26/2/2018, các bác sĩ Phòng Cấp cứu - Bệnh viên E tiếp nhận 3 trường hợp bị bỏng nặng vào cấp cứu. BS. Trần Duy Hiến - trực cấp cứu tại Bệnh viện E cho biết, trước đó, một số bạn sinh viên học đại học trên địa bàn Hà Nội đã mua bóng bay galaxy về bán tại cổng Trường tiểu học Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) với giá 80.000 - 100.000đồng/quả.
Bóng bay galaxy - rất hấp dẫn nhưng là thủ phạm của vụ nổ khiến nhiều người bị thương.
Trong khi bán số bóng trên, không may một tàn lửa thuốc lá bén vào chùm bóng gây phát nổ khiến 3 sinh viên đang cầm bóng bay bị bỏng nặng. Các vết bỏng tập trung chủ yếu vào vùng mặt, đầu, cổ hay tay, tóc và lông mày bị cháy xém. Ngay lập tức, các nạn nhân được đưa đi cấp cứu.
Các bác sĩ cho biết, rất may mắn, thời tiết hôm nay lạnh, các nạn nhân đều mặc áo khoác dày nên không bị bỏng trên cơ thể. Kíp trực đã tiến hành sơ cấp cứu ban đầu để hạn chế mức độ bỏng sâu cho nạn nhân.
Những sinh viên bị nạn kể rằng họ mua những quả bóng bay galaxy đó ở chợ đầu mối nhưng không hề biết bên trong quả bóng chứa loại khí nguy hiểm nào.
BS. Trần Duy Hiến trực cấp cứu BV E cảnh báo, bóng bay galaxy mang một mối nguy hiểm tiềm tàng rất lớn bởi vì chỉ cần một tàn lửa thuốc lá cũng khiến bóng nóng, phát nổ và gây bỏng cho người chơi. Do đó, các bậc phụ huynh cần cẩn trọng khi mua loại bóng này cho trẻ chơi, tránh hậu quả đánh tiếc xảy ra.
Không phải vụ hiếm gặp
Vụ việc trên không phải là vụ nổ bóng bay gây bỏng hiếm gặp, cách đây tròn 1 năm, ngày 26/2/2017, trong tiệc mừng thọ bà nội 70 tuổi, gia đình chị D.T.M (ở Hàng Ngang, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã mang chùm bóng bay 40 quả trang trí cho trẻ em chơi, không may chùm bóng nổ khiến nhiều người bị thương.
BS. Nguyễn Thống - Trưởng khoa Bỏng - Bệnh viện Xanh Pôn khi đó cho biết, nạn nhân vào viện trong tình trạng sốc nhẹ do bỏng, bị bỏng rộng vùng mặt, tay nên đau, rát và hoảng loạn.
Đáng chú ý, tai nạn xảy ra trong lúc chị M. chỉ đang lấy chùm bóng ra khỏi túi nilon thì bất ngờ cả chùm bóng bay phát nổ. Chị M. bị khí hydro cháy trùm lên mặt, tay gây bỏng khá rộng, khoảng 4 - 5 người khác đứng xa hơn cũng bị bỏng ở tay.
Các bác sĩ cho biết, tuy không quá nguy hiểm tới tính mạng nhưng bệnh nhân vẫn phải nằm điều trị lâu vì tổn thương bỏng rộng, đặc biệt ảnh hưởng thẩm mỹ, thường để lại di chứng biến đổi sắc tố trên da, để lại nhiều vết loang lổ đen - thâm - trắng.
Khoa Bỏng - Bệnh viện Xanh Pôn cũng từng nhiều lần điều trị cho nạn nhân của bóng bay. Một vụ việc khác xảy ra ở một công ty khi các nhân viên tổ chức tiệc vui, nữ nhân viên mua 55 quả bóng bay bơm khí. Khi cô và một bạn gái đưa chùm bóng bay từ sảnh chính vào một phòng nhỏ, chùm bóng đột nhiên phát nổ khiến cô và bạn bị thương, trong đó cô bị cháy xém tóc, mặt và tay.
Thêm một lưu ý khác, những vụ nổ bóng bay thường diễn ra ở nơi đông người nên hậu quả thường ảnh hưởng tới nhiều nạn nhân cùng lúc. Cần nhắc tới vụ việc nổ bóng bay đêm Trung thu năm 2016 ở TP. Đồng Hới, Quảng Bình khi hàng trăm người dân và rất đông trẻ em tụ tập xem múa lân thì bất ngờ một chùm bóng bay có bơm khí hydro phát nổ làm 9 người bị thương nặng. Trong khung cảnh hỗn loạn, nhiều người dân vứt cả xe máy, xe ôtô bỏ chạy. 9 nạn nhân nhanh chóng được đưa vào Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cuba, TP. Đồng Hới, Quảng Bình cấp cứu. Hầu hết nạn nhân bị thương do bỏng độ 2 và độ 3, trong số các nạn nhân bị bỏng có 3 trẻ em.
BS. Nguyễn Thống - Trưởng khoa Bỏng - BV Xanh Pôn khuyến cáo, những nạn nhân do tai nạn nổ bóng bay như vậy khá thường gặp, do đó, mọi người cần thận trọng khi chơi với bóng bơm khí, đặc biệt là trẻ em bởi bóng này không chỉ có nguy cơ nổ khi gần lửa mà việc cọ xát giữa những trái bóng trong một chùm bóng to cũng có thể gây nổ. Nổ vì bóng bay tuy không gây bỏng sâu nhưng lại gây hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Nói về nguyên nhân của các vụ nổ bóng bay và cách phòng tránh, một cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC, Công an TP. Hà Nội cho biết: Những năm trước đây, vào các ngày lễ Tết, một số thanh niên thường có “trò vui” buộc giẻ lau, giấy báo vào chùm bóng bay đốt rồi thả lên trời. Đến một độ cao nhất định, khi hơi nóng của lửa tác động vừa đủ, chùm bóng bay sẽ phát nổ. Những mảnh vỡ của bóng bay có thể mang theo nguồn nhiệt, rơi vào các bãi để xe, đường dây điện, kho hàng, cửa hàng xăng dầu tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ. Lý giải thêm, cán bộ này cho biết, bóng bay thường được bơm khí hydro hoặc actilen là những khí rất nhạy với cháy nổ. Khi bóng bay ở gần nguồn nhiệt sẽ tạo ra sự co giãn, tăng áp suất khí trong quả bóng gây nổ. Bóng nổ sẽ tạo ra sản phẩm cháy có áp suất lớn gấp nhiều lần áp suất ban đầu nên có thể gây thương tích cho những người đứng gần.
Cơ quan phòng cháy chữa cháy khuyến cáo: Người dân và các lực lượng chức năng khi mua và thu giữ các loại bóng bay không nên lưu giữ trong phòng kín bởi nếu không may chạm vào nguồn nhiệt (như hơi nóng của bóng đèn) cũng có thể phát nổ.