Ẩn họa khôn lường trong ngôi nhà của bạn

09-02-2014 07:00 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Bạn nghĩ gì nếu biết không khí trong nhà ô nhiễm hơn không khí ngoài trời? Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát độc Mỹ, hàng năm có đến 4 triệu trường hợp ngộ độc do tiếp xúc phải các hóa chất từ các vật dụng trong nhà.

Bạn nghĩ gì nếu biết không khí trong nhà ô nhiễm hơn không khí ngoài trời? Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát độc Mỹ, hàng năm có đến 4 triệu trường hợp ngộ độc do tiếp xúc phải các hóa chất từ các vật dụng trong nhà. Vậy nên, các bạn hãy cân nhắc khi lựa chọn đồ dùng sau khi tham khảo danh sách những ẩn họa từ đồ dùng trong nhà dưới đây được các nhà khoa học tổng hợp.

Băng phiến

Băng phiến hay còn gọi là long não, là chế phẩm thường được cho vào tủ quần áo để xua đuổi mối mọt và gián, tuy nhiên, nếu không sử dụng đúng cách, loại hóa chất này có thể gây ngộ độc. Băng phiến có đặc tính là chất thăng hoa, có khả năng chuyển từ thể rắn sang thể khí mà không cần qua giai đoạn thể lỏng ở điều kiện nhiệt độ bình thường. Do vậy, khi để trong tủ, băng phiến sẽ bay hơi tạo mùi xua côn trùng, mối mọt, rận rệp. Khi nó thăng hoa sẽ có mùi thơm, hăng mạnh nhưng lại có vị ngọt do vậy có nhiều người thích ngửi mùi này.

Khi chọn các chất tẩy rửa, bạn nên lưu ý các thành phần hóa học.

Khi chọn các chất tẩy rửa, bạn nên lưu ý các thành phần hóa học.

Tuy nhiên, Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ cảnh báo khả năng gây ngộ độc cao của băng phiến và yêu cầu các nhà sản xuất băng phiến phải ghi chú trên bao bì “tránh tiếp xúc với mùi hương khi sử dụng”. Các nhà khoa học đã phát hiện thành phần paradichlorobenzence trong băng phiến có khả năng gây ung thư ở động vật. Đối với băng phiến được sản xuất từ hóa chất napthalen, điều chế từ than đá hoặc từ quá trình tinh chế dầu hỏa, nếu người sử dụng tiếp xúc trong thời gian dài có thể gây phá hủy các hồng cầu. Chất napthalen còn có thể kích thích gây buồn nôn, nôn và tiêu chảy. Đặc biệt, với trẻ dưới 5 tuổi, ngộ độc dễ xảy ra khi nuốt nhầm hay hít phải quá nhiều hơi băng phiến trong môi trường kín, thiếu khí trời, không thông thoáng. Mặt khác, băng phiến có thể hấp thụ trực tiếp qua da của trẻ vì quần áo lấy ra khỏi tủ hơi còn bám lại nhiều. Nếu bạn sử dụng băng phiến nên đặt chúng trong bao bì kín ở khu vực thông gió riêng biệt. Đối với quần áo được cất giữ cùng băng phiến cần phải giặt sạch hoặc cho bay hơi hết trước khi mặc (theo EPA).

Các sản phẩm gỗ ép, dán

Theo các nhà khoa học, các sản phẩm gỗ này sử dụng rất nhiều keo dán gỗ, thành phần của loại keo này có chứa chất formaldehyde là một hóa chất rất nguy hiểm cho con người. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, nếu cơ thể con người tiếp xúc với formaldehyde trong thời gian dài thì dù hàm lượng cao hay thấp cũng gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng cho da, hô hấp như chảy nước mắt, rát mắt, đau cổ họng, khó thở, lên cơ suyễn, các bệnh về máu, gây ung thư nhiều cơ quan quan trọng như ung thư họng, phổi... formaldehyde là tác nhân gây sai lệch và biến dị các nhiễm sắc thể, phụ nữ có thai bị nhiễm có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai.

Không chỉ chứa hóa chất độc hại, sản phẩm từ gỗ công nghiệp còn dễ bị nấm mốc ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí gây ung thư.

Hóa chất trong thảm

Thảm trải sàn thường được làm từ sợi tổng hợp. Loại sợi này có nguồn gốc từ dầu mỏ có thể sinh ra 120 loại hóa chất nguy hiểm gây bệnh hen suyễn, dị ứng, các vấn đề về thần kinh và ung thư. Các chuyên gia cho biết, trước khi sử dụng thảm, các gia đình nên để thảm ngoài không khí vài ngày trước khi cho vào trong nhà để bay hơi các hóa chất còn sót lại.

Sơn

Sơn được dùng trong nhà có chứa các hóa chất độc hại như các chất dung môi, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi. Sơn nước thường chứa acrylic và thường dùng để sơn tường. Theo TS. Keith Prowse, Quỹ Phổi của Anh, hít phải mùi sơn có thể khiến bệnh hen, xoang thêm trầm trọng vì các dung môi được hấp thụ vào phổi sẽ vào máu gây đau đầu, chóng mặt. Nếu ở quá lâu trong căn phòng vừa sơn xong không thông gió sẽ có khả năng mất trí nhớ trong giây lát. Hít phải các VOC với số lượng lớn có thể dẫn đến các dị tật bẩm sinh, ung thư, nguy cơ tổn thương hệ thần kinh trung ương.

Hóa chất tẩy rửa

Một nghiên cứu của Đại học California tại Berkeley cho thấy, sử dụng hóa chất tẩy rửa trong không gian nhỏ, ẩm ướt làm tăng mức độc hại của các hóa chất như ete glycol và tecpen. Theo EPA, ete hóa chất độc hại và tecpen ở môi trường thường có thể vô hại nhưng khi nó phản ứng ozone trong không khí có thể tạo thành chất có hại với sức khỏe.

Bình sữa

Vừa qua, Bộ Y tế Canada đã chính thức coi BPA là chất nguy hiểm, Canada là quốc gia đầu tiên cấm bán bình sữa trẻ em được sản xuất từ nhựa polycarbonate vì nó sản sinh các bisphenol – a (BPA) khi đun nóng. BPA được phát hiện trong nhiều báo cáo khoa học của các nhóm nghiên cứu độc lập. Trong bản đánh giá do một nhóm 12 chuyên gia thực hiện theo Chương trình phòng chống độc quốc gia của Mỹ (The National Toxicology Program - NTP), BPA làm cho hệ sinh dục và não của động vật sơ sinh phát triển bất thường. Chỉ cần một liều nhỏ BPA cũng có thể gây ảnh hưởng tương tự lên bào thai người và trẻ nhỏ.

Phthalates trong sản phẩm làm đẹp

Phthalates là loại hóa chất có thể có trong nhiều loại nước hoa, thuốc xịt tóc, dung dịch đánh bóng móng và thường để dưới tên là hương liệu. Mặc dù với một lượng cực nhỏ thì không gây hại nhưng nếu tiếp xúc với loại hóa chất này ở nhiều trường hợp khác nhau ví dụ như mùi xe hơi mới tỏa ra một lượng lớn phthalates có trong ghế ngồi của xe hơi, mùi sơn xịt xe, mùi nước xịt phòng... kết hợp với thói quen làm đẹp sẽ khiến cơ thể tích tụ một lượng lớn ở mức độ nguy hiểm. Các bà bầu có thể khiến thai nhi bị dị dạng nếu như hấp thụ quá nhiều loại hóa chất này.

Minh Huệ

(Tổng hợp theo Wikipedia, LS, HSW)

 


Ý kiến của bạn