Ăn hải sản ở vùng 20 hải lý: Nên hay không?

10-08-2016 13:25 | Xã hội
google news

SKĐS - Môi trường sinh thái biển miền Trung đã bị tàn phá, nhiễm độc toàn bộ vùng biển các tỉnh khu vực này.

Môi trường sinh thái biển miền Trung đã bị tàn phá, nhiễm độc toàn bộ vùng biển các tỉnh khu vực này. Cho đến bây giờ, dư luận vẫn băn khoăn việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có văn bản khuyến cáo người dân không nên ăn hải sản ở khu vực trong vòng 20 hải lý ở vùng biển các tỉnh miền Trung. Các chuyên gia nói gì về khuyến cáo này?

Liên quan đến việc khoanh vùng an toàn đối với hoạt động khai thác hải sản ngoài 20 hải lý, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 4/2016, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho hay, việc khoanh vùng an toàn đối với hoạt động khai thác hải sản ngoài 20 hải lý ở các tỉnh miền Trung là căn cứ vào thực tế phát hiện cá chết xa nhất ở 15 hải lý. Các loại cá chết cũng thuộc nhóm gần bờ. Việc khoanh vùng mở rộng thêm 5 hải lý là để đảm bảo, đồng thời xác định cá đánh bắt xa bờ như cá ngừ đại dương là hoàn toàn an toàn.

Xác định hải sản an toàn không hề đơn giản.

*Ông Trần Quý - Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Việc khuyến cáo người dân không nên ăn cá ở khu vực 20 hải lý trong khu vực vùng biển miền Trung là việc làm phù hợp trong điều kiện hiện nay, đến nay, văn bản này vẫn còn hiệu lực, việc này là nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân. Mặt khác, đối với nguồn lợi đánh bắt thủy sản hiện nay để xuất khẩu, các đơn vị đánh bắt thủy sản phải công bố xuất xứ nguồn gốc thủy sản được đánh bắt ở tọa độ nào, việc này phải có xác nhận của Chi cục khai thác nguồn lợi thủy sản của địa phương đúng tọa độ đó. Không chỉ vậy, trên các tàu cá đánh bắt thủy sản đều phải có sổ nhật trình ghi chép và mỗi tàu được trang bị thiết bị định vị gắn với tọa độ đánh bắt khi thả lưới đánh bắt tọa độ nào sẽ cập nhật vào hải trình đánh bắt.

Vì vậy, rất khó để khuyến cáo người dân có nên ăn cá hay không ăn cá trong vùng 20 hải lý vì điều này còn phụ thuộc vào cái tâm của người đánh bắt, yêu cầu các ngư dân đánh bắt cá tại vùng biển này đánh bắt có trách nhiệm, vì để xác định vị trí trong vùng 20 hải lý và ngoài 20 hải lý là không hề dễ dàng.

*PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Sinh học và Công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)  cho rằng: Hậu quả của Formosa để lại là nguy cơ gây độc tiềm tàng, bởi vì đối với những con cá bị nhiễm độc chết thì không có điều gì phải nói, thế nhưng đối với những con cá đã bị nhiễm độc nhưng lại không chết ngay và có thể bơi ra bơi vào trong và ngoài phạm vi 20 hải lý thì rất khó kiểm soát và việc người dân ăn vào sẽ bị tích lũy độc tố. Có thể không chết ngay nhưng chất độc sẽ tích tụ lại trong cơ thể sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Tuy nhiên, việc này sẽ được giải quyết khi Formosa không còn xả thải nữa. Cái quan trọng nhất là phục hồi hệ sinh thái biển tại khu vực này mới là lâu dài, nồng độ các chất độc hại trong vùng biển này rồi sẽ hòa tan loãng đi trong nhiều năm tới. Còn vùng biển này sẽ an toàn trong bao nhiêu năm nữa thì lại phụ thuộc vào câu trả lời của các nhà khoa học, nhưng chỉ có một điều là không phải ngày một, ngày hai và người dân tốt nhất là không nên sử dụng thủy sản trong khu vực này.

Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh: “Quan trọng hơn hết là các cơ quan chức năng phải phân tích hiện nay các chất độc hại trong cá là bao nhiêu để người dân có thể ăn được? Vấn đề không chỉ có xyanua mà còn có những chất khác mà không xử lý được, để trả lời câu hỏi đó không thể trả lời theo kiểu dự đoán, theo kiểu giả thuyết được mà cần huy động các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu phân tích xem thực chất trong cá có những chất gì. Người dân không thể phân biệt cá nào được đánh bắt trong vùng 20 hải lý và cá nào được đánh bắt ngoài vùng 20 hải lý, việc này chỉ phụ thuộc vào các cơ quan chức năng đánh giá khi phân tích hàm lượng chất độc có trong cá và khi phân tích hàm lượng chất độc trong cá an toàn thì nên để người dân ăn.


Trần Kiên
Ý kiến của bạn