Cả tỉnh là vùng xanh
Trong làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, tính đến thời điểm này, An Giang ghi nhận 37.157 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 1.369 trường hợp tử vong, chiếm 3,68%/số trường hợp nhiễm (1.369/37.157).
Nhận định của Sở Y tế An Giang cho thấy, số bệnh nhân mắc bệnh trung bình và nặng có chiều hướng gia tăng. Trong 2 tuần gần đây tình hình biến thể Omicron đã xảy ra tại một vài địa phương trong tỉnh, dự báo sẽ tăng cao trong tháng 3 – 4 năm 2022.
Trước tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, lãnh đạo tỉnh An Giang đã chỉ đạo hệ thống chính trị cơ sở phối hợp ngành Y tế (Ban tự quản địa phương, Tổ COVID cộng đồng,…) thường xuyên kiểm tra, giám sát và liên hệ bệnh nhân, gia đình bệnh nhân theo dõi tình trạng sức khỏe đối với các trường hợp F0 điều trị tại nhà.
Đặc biệt chú ý đối với các trường hợp có bệnh nền, người chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đầy đủ, người trên 50 tuổi, trẻ em thừa cân, béo phì, phụ nữ mang thai,… nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu nặng để đưa đến cơ sở điều trị, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.
Tăng cường công tác truyền thông để các trường hợp F0 phát hiện sớm, thông báo đến cơ sở y tế và được hướng dẫn, điều trị kịp thời. Tiếp tục rà soát và lập danh sách đối tượng từ 12 tuổi trở lên chưa được tiêm chủng hoặc chưa được tiêm đủ liều cơ bản để khẩn trương tiêm đủ liều vaccine, đảm bảo bao phủ vaccine cao.
An Giang đang đẩy mạnh hơn nữa triển khai tiêm chủng mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, đảm bảo đến hết quý I/2022 phải bao phủ mũi 3 cho những người đã đến lịch tiêm chủng. Tổ chức tiêm vaccine an toàn, khoa học, hiệu quả theo các hướng dẫn đã ban hành của Bộ Y tế và thực hiện báo cáo kết quả triển khai tiêm chủng kịp thời, theo đúng quy định.
Số ca mắc sốt xuất huyết tăng gấp đôi so với cùng kỳ
Trong khi ngành y tế đang vất vả với COVID-19, những ngày gần đây, thống kê của Sở Y tế An Giang cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết tính từ đầu năm đến nay đã tăng 145% so với trung bình 5 năm (2015-2020).
So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc cộng dồn tăng 229%, số ca sốc do sốt xuất huyết cộng dồn tăng 227% và theo các chuyên gia y tế, có khả năng tăng cao trong tháng 3-4 năm 2022.
Lo ngại về dịch sốt xuất huyết có thể lan rộng, ngành Y tế An Giang đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện, thành phố và các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tập huấn, tập huấn lại nâng cao năng lực bác sĩ, điều dưỡng tham gia điều trị sốt xuất huyết về phác đồ cấp cứu, điều trị và cán bộ phòng, chống dịch tuyến xã, phường, thị trấn về công tác phát hiện, xử lý ổ dịch.
Tập trung vào phân tuyến, phân luồng tránh quá tải khi có nhiều bệnh nhân cùng lúc và dự phòng lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế. Tổ chức tốt công tác thu dung, chăm sóc và điều trị bệnh nhân, tránh để bệnh nhân chuyển độ nặng, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Thực hiện đúng các quy định về quản lý thông tin ca bệnh SXH, các bệnh nhân được nhập liệu chính xác, đầy đủ, kịp thời vào phần mềm trực tuyến Thông tư 54/2015/TT-BYT; thực hiện nghiêm túc việc thông tin báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định.
Đồng thời chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với Trung tâm Y tế xây dựng kế hoạch tham mưu UBND địa phương bố trí kinh phí địa phương để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch: Tham gia cùng ngành Y tế trong việc tổ chức vệ sinh môi trường, chiến dịch diệt lăng quăng và xử lý ổ dịch.
Tăng cường công tác truyền thông, đa dạng hóa các hoạt động truyền thông để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết như: lật úp dụng cụ chứa nước không sử dụng, diệt lăng quăng/bọ gậy, nằm màn chống muỗi đốt, truyền thông về dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết và hướng dẫn khi mắc bệnh không tự ý điều trị tại nhà, đến ngay các cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời.
Tập trung truyền thông trước và trong triển khai các chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi để người dân biết, phối hợp thực hiện. Củng cố, tăng cường hoạt động công tác giám sát dựa vào sự kiện (EBS) nhằm phát hiện sớm ca bệnh, ổ dịch ngoài cộng đồng để xử lý dịch kịp thời.
Tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng đối với các nơi có yếu tố nguy cơ cao; phân công theo dõi sát diễn biến tình hình bệnh sốt xuất huyết hàng ngày để khoanh vùng, xử lý dịch kịp thời; Đảm bảo phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực có dịch.
Đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể. Xác định khu vực có nguy cơ cao để tổ chức phun hóa chất diện rộng. Theo dõi việc lấy mẫu xét nghiệm theo quy định; Tăng cường giám sát véc tơ truyền bệnh, điều tra dịch tễ tại khu vực có ổ dịch cũ, các vùng nguy cơ. Rà soát, chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, hóa chất, nhân lực để đáp ứng kịp thời trong công tác phòng, chống dịch bệnh...