BS. Đỗ Xuân Nguyên – Phó giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS An Giang cho biết, số bệnh nhân HIV/AIDS mới phát hiện và quản lý cùng kỳ có dấu hiệu giảm. Tuy nhiên, hiện nay kinh phí dành cho công tác phòng, chống HIV/AIDS từ các tổ chức quốc tế chiếm đến 82%. Khi nguồn kinh phí này bị cắt giảm hoặc kết thúc sẽ là một thách thức lớn của An Giang khi thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
Trong thời gian tới, BS. Đỗ Xuân Nguyên hy vọng công tác phòng chống HIV/AIDS sẽ được quan tâm nhiều hơn nữa. Người nhiễm HIV sẽ được mua BHYT nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị khi các dự án ngưng tài trợ. Có chế độ, chính sách đối với nhóm đồng đẳng viên, cộng tác viên trong chương trình phòng chống HIV/AIDS nhằm duy trì lực lượng này. Tăng thêm biên chế cho các cơ sở cung cấp dịch vụ methadone; Khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức tôn giáo, các tổ chức xã hội, từ thiện, tổ chức phi Chính phủ, các tổ chức tư nhân, doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức cộng đồng, mạng lưới người nhiễm HIV tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS; Tăng cường sự phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh trong hoạt động phòng chống HIV/AIDS; Đề xuất Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh đưa hoạt động phòng chống HIV/AIDS vào nghị quyết của tỉnh, chỉ đạo các cơ quan ban ngành, đoàn thể lồng ghép hoạt động phòng chống HIV/AIDS vào kế hoạch hoạt động, theo dõi và giám sát hoạt động định kỳ hàng năm.