Nhận biết dấu hiệu rối loạn tiền đình?
Biểu hiện rõ nhất của rối loạn tiền đình là các cơn chóng mặt, mất thăng bằng trong tư thế, cảm giác lảo đảo muốn ngã; nhức đầu, chân tay run rẩy...
Trong trường hợp chỉ có biểu hiện nhẹ như chóng mặt, hoa mắt, ù tai, buồn nôn... người bệnh vẫn có thể cố gắng đứng dậy được nhưng mất thăng bằng, dễ ngã. Nếu cơn nặng, họ chỉ nằm được ở một tư thế, không ngồi dậy nổi, buồn nôn, mở mắt ra sẽ thấy mọi vật quay cuồng, đảo lộn, đầu nặng trĩu như bị nén, ép lại, sợ ánh sáng, tiếng động và sự thay đổi tư thế, muốn tìm sự yên tĩnh, huyết áp hạ, người mệt lả...
Nếu kéo dài có thể dẫn đến mệt mỏi, mất tập trung, mắt nhìn mờ, chân tay thường tê bì, run rẩy, suy nhược cơ thể... ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, giảm chất lượng sống.
Khi có dấu hiệu rối loạn tiền đình, người bệnh cần đi khám chuyên khoa và làm một số xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp.
Nếu được chẩn đoán mắc rối loạn tiền đình, người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định dùng thuốc của bác sĩ. Trong thời gian điều trị, người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Vậy, người bệnh rối loạn tiền đình nên ăn uống thế nào để bệnh nhanh khỏi?
Thực phẩm nên dùng cho người bệnh rối loạn tiền đình
Người bệnh rối loạn tiền đình nên ăn những thực phẩm hỗ trợ tốt cho hoạt động của hệ thần kinh và hệ miễn dịch. Cụ thể là các thực phẩm giàu vitamin nhóm B, đặc biệt là vitamin B6, B9; vitamin C; magie... Uống đủ nước, đặc biệt là các loại nước trái cây rất tốt cho người bệnh rối loạn tiền đình.
Thực phẩm giàu vitamin nhóm B
Vitamin B6
Thực phẩm giàu vitamin nhóm B, đặc biệt là vitamin B6 rất tốt cho người bệnh rối loạn tiền đình vì vitamin B6 giúp tăng cường hoạt động của hệ thần kinh và hệ miễn dịch. Trong thực đơn của người bệnh nên sử dụng các thực phẩm giàu vitamin B6 như: thịt gà, lợn, bò, gan, thận, cá hồi, cá ngừ, ngũ cốc…
Vitamin B9 (axit folic)
Ngoài việc tham gia vào quá trình phát triển và phân chia tế bào, sản xuất hồng cầu và ngăn ngừa bệnh thiếu máu. Vitamin B9 còn tham gia tạo các chất dẫn truyền thần kinh ở não. Nguồn thực phẩm chứa nhiều vitamin B9 là: Gan động vật (bò, gà, lợn), rau có lá màu xanh đậm, súp lơ xanh…
Thực phẩm giàu vitamin C
Vitamin C là một chất chống ôxy hóa mạnh, giúp chống lại các gốc tự do có thể gây hại cho tế bào não và duy trì một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Vitamin C cũng giúp tăng hấp thu các chất khoáng vi lượng (sắt, kẽm…) là những vi chất dinh dưỡng cần thiết cho hoạt động trí não.
Vitamin C có nhiều trong các loại rau xanh và trái cây như: cam, chanh, bưởi, kiwi, dứa, dâu tây, đu đủ, súp lơ xanh, cà chua, rau cải xoăn, ớt đỏ, ổi…
Thực phẩm giàu magie
Magie có vai trò quan trọng giúp điều hòa các chức năng của dây thần kinh, làm dịu thần kinh. Vì vậy, người bệnh rối loạn tiền đình nên bổ sung thực phẩm giàu magiê trong chế độ ăn bằng các nguồn thực phẩm như: hải sản biển và cá nước ngọt, thịt các loại, các loại rau lá màu xanh đậm, đậu đỗ, vừng lạc, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt...
Thực phẩm cần hạn chế
Người bệnh rối loạn tiền đình cần hạn chế các loại thực phẩm chứa lượng đường và muối cao. Tránh các loại đồ uống và thực phẩm có chứa các chất kích thích như: cà phê, rượu, bia, thuốc lá… vì các chất này có thể khiến tình trạng chóng mặt, ù tai và các cơn đau đầu của bệnh nhân tăng lên.
Để tăng cường hiệu quả điều trị rối loạn tiền đình, bên cạnh việc dùng thuốc và áp dụng chế độ dinh dưỡng phù hợp, người bệnh cần nghỉ ngơi, sinh hoạt lành mạnh, ngủ đủ giấc. Cần tạo tinh thần thoải mái, tránh lo âu, căng thẳng... Thực hiện các bài tập xoay vùng đầu, cổ gáy nhẹ nhàng, chậm rãi cũng giúp cải thiện và phòng ngừa các cơn đau đầu, chóng mặt hiệu quả.
Thông điệp 5T- Pháo đài chống dịch COVID-19 trong tăng cường giãn cách xã hội.