Chế độ ăn trong viêm đại tràng mạn tính trước hết cần đảm bảo đủ thành phần các chất dinh dưỡng như: Chất đạm (protein): 1g/kg/ngày; Năng lượng: 30 - 35 Kcal/kg/ngày tùy theo từng bệnh nhân; Chất béo: ăn hạn chế không quá 15g/ ngày; Uống đủ nước, muối khoáng và các vitamin.
Những thực phẩm nên và không nên ăn
Người viêm đại tràng mạn nên ăn các loại thực phẩm như: Gạo, khoai tây, thịt nạc, cá, sữa đậu nành, sữa không có lactose, sữa chua. Các loại rau xanh nhiều lá: Rau ngót, rau muống, rau cải… nên nhặt phần rau non để ăn. Các rau họ cải: Bắp cải, củ cải.
Không nên ăn, uống các loại thực phẩm như: Trứng, sữa, nem rán, thịt mỡ, đậu đen, hành sống, dưa cà muối rượu bia, cà phê, nước ngọt có ga vì các loại thực phẩm này gây đầy hơi, chướng bụng. Không nên ăn các thực phẩm có nhiều lactose như sữa, nhiều đường như quả ngọt, mật ong, nhiều sorbitol (có trong một số bánh kẹo ngọt) sẽ gây chướng bụng, đầy hơi và tiêu chảy.
Ăn đúng cách
- Ăn đúng giờ, không nên bỏ bữa hoặc ăn các món ăn lạ.
- Khi không có triệu chứng của bệnh như: Đau bụng, rối loạn đại tiện, mệt mỏi, kém ăn,… người bệnh nên tăng cường dinh dưỡng để tăng sức đề kháng và nâng cao thể trạng.
- Nếu bị táo bón: Cần tăng cường thêm chất xơ để cải thiện tình trạng đi tiêu đồng thời phải thực hiện tiết chế giảm chất mỡ, giảm chất béo. Cần chia các bữa ăn chính ra thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày, có thể 2 - 3 giờ ăn một lần để giảm tải cho đại tràng.
- Nếu bị tiêu chảy: không nên ăn chất xơ, không ăn rau, củ, quả sống, các loại trái cây chế biến dạng khô, thực phẩm đóng hộp.
Người bệnh viêm đại tràng mạn tính không nên ăn rau sống, ngô hạt, măng... vì sẽ ảnh hưởng xấu đến vết loét. |
- Khi ăn các thức ăn tanh như tôm, cua, cá, trứng nên ăn ít một và ăn ngay sau khi chế biến. Tránh dùng những thức ăn cứng như: Rau sống, ngô hạt, măng… ảnh hưởng xấu đến vết loét.
- Khi chế biến thức ăn nên hấp hoặc luộc, hạn chế xào rán.
Bác sĩ Thanh Bình