Ấn Độ - Trung Quốc: Liệu chiến tranh biên giới có xảy ra?

28-07-2017 08:44 | Quốc tế

SKĐS - Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc chưa bao giờ nóng và nguy hiểm như hiện nay bởi hai bên vẫn ở thế đối đầu cả trên thực địa...

Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc chưa bao giờ nóng và nguy hiểm như hiện nay bởi hai bên vẫn ở thế đối đầu cả trên thực địa và trên mặt trận ngoại giao với những tuyên bố qua lại. Dư luận quốc tế vẫn “nín thở” dõi theo động thái của hai cường quốc cùng sở hữu vũ khí hạt nhân.

Khu vực giữa những ngọn núi bình yên ở dãy Himalaya hùng vĩ bỗng trở thành tâm điểm của cuộc tranh chấp biên giới giữa hai cường quốc hàng đầu châu Á về dân số và vũ khí hạt nhân. Bhutan, một quốc gia nhỏ bé ở khu vực Nam Á bị kẹt trong mối quan hệ giữa hai người khổng lồ Trung Quốc và Ấn Độ.

Cuộc đối đầu nguy hiểm

Cuộc tranh chấp dải đất nhỏ bé hình  “cổ gà” đã kéo dài dai dẳng hơn một tháng vẫn “bất phân thắng bại” và trở thành  cuộc đối đầu nguy hiểm nhất trong vòng 30 năm trở lại đây giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Đó là một cuộc tranh chấp vùng đất nằm ở ngã ba giữa Bhutan, vùng Tây Tạng của Trung Quốc và Sikkim của Ấn Độ. Căng thẳng bùng lên sau khi Trung Quốc tiến hành xây một con đường đi qua cao nguyên Doklam theo cách đặt tên của Ấn Độ mà Trung Quốc gọi là Donglang.  Thực chất đây là khu vực biên giới giữa Bhutan và Trung Quốc, nhưng Ấn Độ lại có “lợi ích sống còn” với vùng đất này.

Tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực dãy Himalaya.

Tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực dãy Himalaya.

Thu hẹp lại thì đó là vùng đất nằm ở thung lũng Chumbi của Donglang hay Yadong của Tây Tạng và là vùng đất tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan. Nó có vị trí địa chiến lược với cả Trung Quốc và Ấn Độ, là tuyến đường huyết mạch nối 7 bang phía Đông Bắc Ấn với Dehli. Trong khi mục tiêu của Trung Quốc nhằm xây dựng “Vành đai và con đường” từ đó gia tăng ảnh hưởng ở khu vực Nam Á.

Rõ ràng là việc xây dựng cơ sở hạ tầng này của Trung Quốc đã đụng chạm đến vấn đề nhạy cảm nhất trong mối quan hệ ngoại giao, đặc biệt lại liên quan tới nước thứ 3 là Bhutan. Mặc dù Bhutan - nước liên quan trực tiếp đã lên tiếng phản đối Trung Quốc  “thay đổi hiện trạng đất liền” trong khu vực tranh chấp, nhưng Trung Quốc cho rằng họ hoạt động trên lãnh thổ của mình và cho rằng đây là vấn đề tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan, Ấn Độ đã vượt quá “ranh giới” của họ.

Vậy tại sao Ấn Độ lại có mặt “hợp pháp” trong cuộc tranh chấp này? Điều ít người biết là Ấn Độ và Bhutan đã ký một Hiệp ước hữu nghị cho phép Ấn Độ can dự vào chính sách quốc phòng và đối ngoại của Bhutan. Hơn nữa, Bhutan - quốc gia không có quan hệ chính thức với Trung Quốc nhưng lại rất gần gũi với Ấn Độ. Trong cuộc tranh chấp bảo vệ cho người bạn cũ của mình, việc Bhutan đứng về phía Ấn Độ là điều không khó lý giải.

Khả năng xảy ra chiến tranh rất thấp

Một cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ là điều mà các bên đang ra sức nói tới, nhưng liệu điều này có khả năng xảy ra hay không? Trên thực địa, mặc dù cả Trung Quốc và Ấn Độ đang tăng cường lực lượng, khí tài ở khu vực biên giới, thậm chí Ấn Độ mới đây còn  tuyên bố xây dựng đường hầm xuyên núi dài hàng nghìn km giáp biên giới Trung Quốc để phục vụ an ninh và quân đội. Nhưng dường như không bên nào có ý định khơi mào cho cuộc chiến này.

Về mặt ngoại giao, Ấn Độ kêu gọi hai bên cùng rút quân và ngồi vào bàn đàm phán, tuy nhiên Trung Quốc yêu cầu để được đàm phán, Ấn Độ phải rút quân trước. Khi không bên nào chịu nhượng bộ, nguy cơ xung đột vẫn còn.

Mặc dù xung đột biên giới là điều không bên nào muốn xảy ra nhất  là Trung Quốc, bởi nước này đang xây dựng hình ảnh một cường quốc kinh tế trỗi dậy trong hòa bình. Thêm vào đó, Trung Quốc đang cần sự ủng hộ của Ấn Độ trong xây dựng “Vành đai và con đường”, nếu xung đột xảy ra sẽ tác động mạnh tới lợi ích kinh tế của Trung Quốc với các quốc gia Nam Á.

Về phần mình, Ấn Độ cũng không muốn có một vụ đụng độ vũ trang bởi điều này sẽ là rất rủi ro khi Ấn Độ hiện nay  đang đối mặt với nhiều vấn đề nội bộ trong nước như cuộc bầu cử Ấn Độ sẽ diễn ra vào tháng 5/2019, Trung Quốc lại là một cường quốc với tiềm lực mạnh, việc đối đầu là một bước đi “không khôn ngoan”.  Tuy nhiên, các nhà phân tích chính trị cho rằng, việc đối đầu quy mô lớn sẽ không xảy ra, nhưng các vụ đụng độ nhỏ có thể diễn ra bởi một cuộc chiến thực sự là điều không quốc gia nào mong muốn.


Hải Yến
Ý kiến của bạn