Bà Binalakshmi Nepram, nhà sáng lập tổ chức Mạng lưới những phụ nữ sống sót dưới họng súng ở bang Manipur, cho rằng có súng trong người chỉ khiến phụ nữ Ấn Độ gặp nguy hiểm hơn
Ấn Độ vừa tung ra loại súng ngắn dành cho phụ nữ nhằm giúp phái yếu tự vệ trước những tên “yêu râu xanh” càng lúc càng hoành hành.
Tiếp thêm dũng khí
Khẩu súng được đặt tên Nirbheek - đồng nghĩa với Nirbhaya, nickname mà báo chí Ấn Độ đặt cho nữ sinh viên 23 tuổi tử vong sau khi bị cưỡng hiếp tập thể ở New Delhi hồi tháng 12-2012. Cả 2 từ trên đều có nghĩa là “can đảm” theo tiếng Hindi. Ông Abdul Hameed, Giám đốc Nhà máy Quân nhu Ấn Độ, nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng những phụ nữ mang theo khẩu súng này sẽ được tiếp thêm dũng khí”.
Súng Nirbheek chứa 6 viên đạn, nhỏ gọn, chỉ nặng 500 g, dễ dàng cất trong túi xách tay của phái yếu và có thể hạ gục mục tiêu cách xa 15 m. Thực ra, theo đài BBC, nỗ lực chế tạo một loại súng nhẹ dành cho phụ nữ đã khởi động từ trước vụ cưỡng hiếp dã man trên và được đẩy nhanh sau đó. Ông Hameed cho biết xí nghiệp bắt đầu nhận đơn đặt hàng từ ngày 5-1 và đã bán được 10 khẩu dù giá khá cao, 122.360 rupee (khoảng 42 triệu đồng).
Trong số những người mua súng Nirbheek có Pratibha Gupta, một bà nội trợ ở TP Kanpur, bang Uttar Pradesh. Bà nói: “Nếu gã tồi bại nào đó biết tôi có súng, hắn sẽ ngần ngại hơn”. Tuy nhiên, theo bà, khẩu súng này quá đắt trong khi thủ tục xin giấy phép thì nhiêu khê.
Gây tranh luận
Dù vậy, khẩu súng cũng dẫn đến tranh luận gay gắt về việc mang nó có giúp phụ nữ an toàn hơn hay không. Bà Ram Krishna Chaturvedi, cảnh sát trưởng phụ trách TP Kanpur, ủng hộ: “Đó là một ý tưởng hay. Nếu cô gái có một khẩu súng được cấp phép thì sẽ tự tin hơn, còn bọn tội phạm phải e dè”.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động xã hội lại lên án. Bà Binalakshmi Nepram, nhà sáng lập tổ chức Mạng lưới những phụ nữ sống sót dưới họng súng ở bang Manipur, cho rằng chuyện trang bị vũ khí cho phái yếu thật nực cười. Theo bà, trách nhiệm của chính phủ là bảo đảm an ninh cho công dân.
Hơn nữa, bà Nepram khẳng định có súng trong người chỉ khiến phụ nữ gặp nguy hiểm hơn mà thôi. Bà quả quyết: “Cuộc nghiên cứu của chúng tôi cho thấy khi bị tấn công, người mang súng có nguy cơ bị bắn chết cao gấp 12 lần. Hơn nữa, thu nhập hằng năm của nhiều người dân Ấn thấp hơn giá trị khẩu súng”.
22 phút có 1 vụ cưỡng hiếp
Sau vụ cưỡng hiếp tập thể ở Delhi cuối năm 2012, chính phủ Ấn Độ đã nghiêm khắc hơn đối với loại tội phạm này. Cảnh sát được triển khai trên đường phố nhiều hơn và nhiều thành phố lập đường dây nóng để giúp đỡ phụ nữ. Tuy nhiên, số liệu từ Cục Dữ liệu Tội phạm quốc gia cho thấy số vụ cưỡng hiếp không ngừng tăng lên, cứ 22 phút xảy ra 1 vụ. Không chỉ phái yếu người Ấn, các nữ du khách nước ngoài đến đây cũng gặp nguy, mới nhất (ngày 14-1) là vụ một phụ nữ Đan Mạch 51 tuổi bị cưỡng bức tập thể ở New Delhi.