Hỏi: Tôi bị tăng huyết áp nhưng rất thích ăn bánh kẹo và mứt. Việc ăn nhiều bánh kẹo hay đồ ngọt có ảnh hưởng gì đến huyết áp của tôi không? (Nguyễn Thị N – Thái Nguyên).
Theo ThS.BS Nguyễn Thu Huyền (Khoa Nội tim mạch – Bệnh viện 19-8) đường đóng vai trò chính trong việc làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp.
Tăng huyết áp do đâu?
Vì sao ăn nhiều đường lại tăng huyết áp? Nguyên nhân chủ yếu là do rối loạn chuyển hóa fructose trong cơ thể sau khi tiêu thụ quá mức các thực phẩm ngọt, chứa nhiều đường chế biến. Lượng fructose dư thừa sẽ được gan chuyển hóa thành chất béo. Đây chính là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch và cả ung thư.
Bởi trong đường gồm fructose và glucose: hai dạng cơ bản nhất. Nếu như glucose được tế bào chuyển hóa thành năng lượng để sử dụng thì fructose lại chỉ có thể được chuyển hóa tại gan. Vì vậy, khi người bệnh ăn nhiều thực phẩm chứa fructose (chất làm ngọt trong các loại nước trái cây, nước ngọt, nước có gas ...), lượng fructose sẽ bị dư thừa và được gan chuyển thành chất béo dự trữ. Việc tiêu thụ đường bao gồm cả fructose, từ sản phẩm sinh học tự nhiên (trái cây) không gây hại mà rất có lợi cho cơ thể.
Ăn ngọt có làm tăng huyết áp không?
Khi ăn nhiều đường, nhiều đồ ngọt sẽ làm tăng huyết áp tâm thu thêm 6,9 mmHg và tăng huyết áp tâm trương thêm 5,6 mmHg. Với các thực phẩm chứa đường cũng chứa nhiều calo, với những người tiêu thụ nhiều calo (từ 25% trở lên) sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp 3 lần người bình thường.
Đặc biệt, khi chuẩn bị vào dịp Tết, các gia đình thường có nhiều bánh kẹo ngọt, mứt tết, nước ngọt các loại… Bệnh nhân tăng huyết áp không nên ăn và nếu ăn cũng với 1 lượng rất ít. Khuyến cáo với những người bình thường, lượng đường tiêu thụ mỗi ngày chỉ khoảng 24g với phụ nữ và 36g với đàn ông là đủ.
Tăng huyết áp nên ăn gì?
Nếu bạn bị tăng huyết áp, bạn cần có sự ưu tiên khi lựa chọn thực phẩm như:
- Protein có trong các loại thịt nạc
- Cây họ đậu
- Ngũ cốc
- Sữa ít béo
- Các loại rau củ quả.
Người bệnh tăng huyết áp cần có chế độ ăn uống lạnh mạnh dựa trên các lưu ý sau đây:
- Chú ý nên hạn chế lượng muối ăn hàng ngày vào < 5g/ngày.
- Giảm cân, giảm năng lượng nếu như người bệnh bị mắc béo phì
- Thực đơn cần đảm bảo có năng lượng <35 kcal/kg/ngày.
Việc biết được huyết áp cao nên kiêng những thức ăn gì sẽ giúp người bệnh xây dựng được cho mình một chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Từ đó, giúp cải thiện hiệu quả các vấn đề về huyết áp, giúp người bệnh sống vui, sống khỏe mỗi ngày.
Người bệnh cũng cần lưu ý thường xuyên đo huyết áp và tuân thủ điều trị, không được bỏ thuốc vì có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Theo khuyến cáo của ESC 2024, người bệnh nên duy trì đích huyết áp ở mức 120-129/70-79mmHg cho hầu hết các bệnh nhân người lớn. Nếu người thường xuyên có cơn tăng huyết áp kịch phát ≥180/100 mmHg, hoặc có các cơn tăng về đêm (khoảng trũng huyết áp) thì nguy hiểm dễ xảy ra các đột quỵ.
Xem thêm video được quan tâm:
Duy trì những thói quen buổi sáng giúp kiểm soát huyết áp tốt | SKĐS