Trước khi đến Ấn Độ tôi đã nghe nói về xứ sở đông dân thứ nhì thế giới này với ít nhiều điều thiếu thiện cảm. Nào là bẩn thỉu, nhếch nhác, sự chênh lệch giàu nghèo quá lớn, người giàu giàu hơn cả người Mỹ, người nghèo nghèo hơn cả người Phi … Nhưng khi đặt chân đến Ấn Độ thiện cảm của tôi tăng dần lên cho dù những hình ảnh nghèo khổ thiếu thốn vẫn hiển hiện. Thậm chí tôi tin rằng Ấn Độ trong tương lai gần sẽ phát triển mạnh mẽ, sẽ vươn tới vị trí của các cường quốc.
Ấn Độ tuy còn là một nước đang phát triển, thậm chí nhiều nơi cảnh nghèo khổ còn diễn ra nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng trong tương lai gần Ấn Độ sẽ là một cường quốc. Những dẫn chứng từ xuất khẩu nông nghiệp, xuất khẩu tại chỗ một lực lượng lao động dịch vụ phần mềm, chế tạo phần mềm và tài chính... có chuyên môn cao, có trình độ tiếng Anh chuẩn mực và ngưỡng chịu đựng tốt đã đem về những thu nhập khổng lồ.
Văn hóa nghệ thuật - Những ấn tượng mạnh mẽ
Cùng tiếng Phạn và một tôn giáo dựa trên nghi lễ hiến tế các vị thần tượng trưng cho các thế lực của thiên nhiên như Indra, thần mưa và sấm, thần Agni (lừa) và Varuma, chúa tể của các sông biển và mùa màng người Ấn đã làm nên bốn tập Kinh Veda ca ngợi các vị thần đó. Kinh Veda hướng con người đến tư tưởng cao cả, văn phong đẹp đẽ và bước chuyển những nghi thức từ bên ngoài vào kinh nghiệm nội tại.
Nhiều người thích nghe âm nhạc Ấn Độ, giai điệu miêu tả nội tâm, còn lời ca đa phần được lấy từ Kinh Veda, các sử thi và các câu chuyện về đời sống, tình yêu. Trong buổi giao lưu giữa các nhà văn, nhà thơ Ấn Độ-Việt Nam với sự có mặt của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ cùng các tùy viên văn hóa, Hội đoàn kết Ấn-Việt đã mời nhóm âm nhạc dân gian Ấn biểu diễn. Tôi cực kỳ ấn tượng với nam ca sĩ giọng trầm cùng nhóm nhạc của anh. Âm nhạc Ấn Độ được thể hiện ở rất nhiều hình thức. Hai hình thức chính của âm nhạc cổ điển là Carnatic từ Nam Ấn, và Hindustani từ Bắc Ấn, ngoài ra còn các hình thức phổ thông của âm nhạc. Có lẽ tất cả người Ấn đều có thể nhảy múa. Các điệu múa thường ở hình thức tường thuật và lẫn với những yếu tố sùng đạo và tinh thần.
Trong chuyến đi chúng tôi có đến thăm bảo tàng R. Tagore, nhà văn Ấn Độ đoạt giải Nobel Văn học, ông viết bằng tiếng Bengal.
Trong ngày cuối cùng, tôi xem hai bộ phim, một trên tivi với câu chuyện tình yêu của anh hùng và mỹ nhân, một là phim 4D kể về một kiếp người từ khi sinh ra và chết đi. Trước đây tôi thích xem phim ca nhạc của Ấn Độ vì nó mang đậm tính nhân văn, nay tôi thật sự kinh ngạc về kỹ thuật làm phim hiện đại của Ấn. Được biết Ấn Độ là nước sản xuất ra số lượng phim hàng năm cao nhất thế giới. Vùng sản xuất chính nằm tại Mumbai (Bombay), tại đây họ sản xuất hầu như tất cả phim thương mại Ấn Độ, và được gọi là “Bollywood”. Bollywood là một phần quan trọng của văn hóa Ấn độ.
Ngoài ra Ấn Độ còn là một quốc gia nổi tiếng với nghệ thuật kiến trúc độc đáo. Không ít các kiến trúc sư từ khắp thế giới đã đến Ấn Độ để tìm hiểu về những tác phẩm tạo hình có một không hai này nằm rải rác khắp cả lục địa Ấn.
Duyệt binh ở Ấn Độ ngày 26/1. |
Giáo dục có nền tảng cổ xưa và hiện tại
Ấn Độ từ thời xa xưa đến nay luôn là một trung tâm của đào tạo và học tập. Nếu hàng nghìn năm trước, các học giả lớn thường dùng kinh sách để giảng dạy, các ngành học như triết học, tôn giáo, y học, văn học, kịch, nghệ thuật, thiên văn học, toán học, xã hội học được đưa vào chương trình học và những kiệt tác tổng hòa các giá trị kiến thức đó đã được tác thành thì ngày nay, các trường đại học, viện đại học và viện nghiên cứu của Ấn Độ đã đóng góp một phần to lớn trong việc truyền tải các kiến thức và khám phá trong lĩnh vực khoa học-công nghệ. Trong các lĩnh vực truyền thống như nghệ thuật hay nhân văn, và trong các ngành khoa học thuần túy như vật lý và hóa học ứng dụng, toán học, trong lĩnh vực kỹ sư công trình, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, nông nghiệp, khoa học quản lý, dược học và y học, viện đại học và trường đại học giữ vai trò chủ chốt để đưa Ấn Độ trở thành một nước công nghiệp có kỹ nghệ hiện đại và tiên tiến. Mặt khác, sự bùng lên của cuộc cách mạng xanh và các tiến bộ vượt bậc trong sản xuất sữa đã đưa Ấn Độ trở thành quốc gia sản xuất thực phẩm lớn. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng trở thành nước hàng đầu có công nghệ tiên tiến mà các quốc gia đang phát triển khác có thể học hỏi nhờ những tiến bộ trong công nghệ vũ trụ, sản xuất và phóng vệ tinh tại chỗ, trong sự phát triển năng lượng hạt nhân hòa bình.
Ảnh hưởng tinh thần của Phật giáo, người Ấn đưa cơ hội giáo dục đến với tất cả những ai mong muốn được đi học. Thế mạnh và lợi ích của việc học tập tại Ấn Độ bắt nguồn từ một hệ thống mạnh bao gồm hơn 250 viện đại học và hơn 8000 trường đại học trực thuộc với tổng số sinh viên theo học hàng năm khoảng 5 triệu. Tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng trong các trường đại học, và vì thế, đó là một lợi thế bổ sung cho sinh viên nước ngoài có thể tiếp thu tốt các môn học, ngành học kĩ thuật để trở thành người có chuyên môn. Chương trình học và hệ thống giáo dục ở Ấn Độ được thế giới thừa nhận. Hơn nữa, chi phí học tập tại Ấn Độ so với các nơi khác khá là hợp túi tiền của người học.
Chất lượng giáo dục của Ấn Độ được giám sát bởi Ủy ban Tuyển sinh quốc gia, Ủy ban đánh giá và xác nhận quốc gia, Hiệp hội các trường đại học Ấn Độ (Certification and Association of Indian Universities). Ngành công nghệ thông tin - vốn là một thế mạnh khác của Ấn Độ trong thời gian gần đây - Bộ Truyền thông và Công nghệ thông tin thuộc chính phủ Ấn Độ luôn dành chỗ cho học sinh nước ngoài theo học phần lớn các chuyên ngành tại một vài trường đại học và viện đại học. Rất nhiều sinh viên nước ngoài học tập tại Ấn Độ. Việt Nam cũng không ít sinh viên, nghiên cứu sinh hưởng học bổng của chính phủ Ấn Độ đang theo học ở đây.
Cũng như người Việt Nam thừa hưởng tiếng Pháp hồi Pháp thuộc, nhưng người Ấn không để mai một, nhất là tầng lớp học giả và thế hệ trẻ ngày nay. Họ coi tiếng Anh không chỉ là ngôn ngữ của một nền văn hóa khác mà còn là phương tiện, là cầu nối tới phát triển. Học sinh sinh viên được dạy song ngữ cho dù đất nước có 88,5% người Hindu và 13,4 % người Hồi giáo.
Nhìn sang tiếng Anh ở Việt Nam
Không ít người Việt đã có tiếng Anh nhưng chưa đạt tới tầm chiến lược. Khi tiếng Anh được nhìn nhận như yếu tố then chốt để đạt được những kỳ vọng phát triển của đất nước trong tương lai, chính phủ Việt Nam cũng đã và đang đầu tư vào việc đào tạo kỹ năng ngoại ngữ cho học sinh sinh viên. Một đội ngũ các giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn ngày càng trở nên cấp thiết, nhất là các giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học đã được đào tạo với sự kết hợp của British Council (B.C) và Bộ GD&ĐT. Trang web dành cho giáo viên tiếng Anh đã ra đời cung cấp cho giáo viên tiếng Anh ở Việt Nam nguồn tài liệu giảng dạy chất lượng cao, cũng như cơ hội để hội nhập với các giáo viên tiếng Anh khác trên toàn thế giới.
Bút ký củaTrần Thị Trường