Giữa làn sóng dịch thứ 2, hệ thống y tế Ấn Độ sụp đổ hoàn toàn
Trên trang BBC news đăng tải những đoạn clip cho thấy cảnh tượng tang thương đang xảy ra mọi nơi trên đất nước Ấn Độ. Ngay tại bệnh viện, người bệnh nằm la liệt trên các cáng chờ ngoài sân bởi không có buồng cũng như giường điều trị. Người nhà bệnh nhân chạy khắp nơi cầu cứu nhân viên y tế xem cho người thân của mình.
Tính đến ngày 22/4, Ấn Độ ghi nhận có 332.730 trường hợp mắc mới và 2.263 trường hợp tử vong chỉ trong 24 giờ. Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, số ca COVID-19 ở quốc gia này đã lên hơn 16 triệu người, 186.920 người đã tử vong vì dịch bệnh.
Bệnh viện thông báo ngừng tiếp nhận bệnh nhân vì hết ô xy
Ấn Độ thông báo số ca nhiễm COVID-19 đạt mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh xuất hiện. Số ca tử vong cũng lên mức kỷ lục. Trong bối cảnh dịch bệnh, khắp các bệnh viện xảy ra tình trạng thiếu bình ôxy, phòng hồi sức phục vụ cấp cứu, giường bệnh không có. Từ bệnh viện công đến bệnh viện tư đều xuất hiện tình trạng không có giường bệnh để điều trị. Hệ thống y tế Ấn Độ vốn mong manh, ít được đầu tư, nâng cấp nay gần như tê liệt trước làn sóng dịch COVID-19.
Theo ghi nhận, các bệnh viện ở miền bắc và miền tây Ấn Độ, bao gồm cả thủ đô New Delhi đều đã kín chỗ và rất nhiều bệnh viện tuyên bố hết ôxy.
Đau buồn trước sự ra đi của người thân
Biến thể mới của virus – “thủ phạm” gây ra “cơn sóng thần” dịch bệnh tại Ấn Độ
Quốc gia có số dân cao thứ 2 thế giới đang chiến đấu với sự gia tăng kỷ lục số ca nhiễm COVID-19. Diễn biến khủng khiếp của dịch bệnh khiến dư luận đặt câu hỏi, liệu biến thể mới của virus và các đột biến của nó có phải là “thủ phạm” gây ra đợt lây nhiễm kỷ lục này hay không?
Theo các chuyên gia, tại Ấn Độ, biến thể mang tên B.1.617 đứng đằng sau sự bùng phát của đợt lây nhiễm này. Tốc độ lây nhiễm đạt cấp độ nhanh nhất thế giới cộng thêm cho Ấn Độ hơn 330.000 ca COVID-19 chỉ trong 24 giờ.
Đến nay, người ta đã xác định biến thể B.1.617 đã xuất hiện ở nhiều quốc gia trong đó có Mỹ, Australia, Israel và Singapore. Lo ngại về mức độ lây lan của biến thể mới, một số quốc gia như Vương quốc Anh, Canada đã áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại đối với Ấn Độ.
Số ca mắc COVID-19 theo ngày dựng đứng tại Ấn Độ
Tổng thống Pháp gửi thông điệp 'đoàn kết' đến người dân Ấn Độ
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bày tỏ tình đoàn kết với Ấn Độ khi quốc gia Nam Á này đang vật lộn nhằm ngăn chặn làn sóng COVID-19 thứ hai.
“Tôi muốn gửi thông điệp đoàn kết tới người dân Ấn Độ, khi quốc gia này đang phải đối mặt với sự bùng phát trở lại của các trường hợp nhiễm COVID-19. Pháp luôn đồng hành cùng các bạn trong cuộc chiến này. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các bạn ” Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói.
Ấn Độ sẽ nhận được vắc xin ngừa COVID-19 vào tháng 7
Mặc dù Ấn Độ là quốc gia sản xuất vắc xin, nhưng ở thời điểm này Ấn Độ đang bị nhấn chìm bởi dịch bệnh và cũng trong tình cảnh thiếu vắc xin COVID-19 để tiêm cho người dân. Tờ báo tài chính Mint của Ấn Độ mới đây đã đưa tin, vắc xin COVID-19 một mũi tiêm của Johnson & Johnson dự kiến sẽ được nhập khẩu vào Ấn Độ vào khoảng tháng 6 hoặc tháng 7.
Ngoài ra Ấn Độ cho biết sẽ phê duyệt khẩn cấp đối với vắc xin COVID-19 được các nước phương Tây và Nhật Bản thông qua, mở đường cho việc nhập khẩu các mũi vắc xin của Pfizer, Johnson & Johnson và Moderna phục vụ cho tiêm chủng trong nước.
Một bệnh nhân phải mang theo bình ô xy ngồi bên ngoài bệnh viện điều trị COVID-19 lớn nhất cả nước
Bệnh nhân tử vong vì bệnh viện hết ôxy
Cũng theo một tờ báo Ấn Độ đưa tin, ít nhất 25 bệnh nhân đã chết trong 24 giờ qua tại một bệnh viện ở thủ đô New Delhi sau cơ sở y tế này hết ôxy phục vụ điều trị.
Công ty Max Healthcare – một công ty điều hành mạng lưới các bệnh viện ở miền bắc và miền tây Ấn Độ, có trụ sở tại thủ đô New Delhi - đã đăng lên Twitter lời kêu gọi khẩn cấp hỗ trợ ôxy: “SOS - Nguồn cung cấp ôxy chỉ còn trong vòng chưa đầy 1 giờ nữa tại Bệnh viện. Cơ sở này đang chờ nguồn cung cấp ô xy”.
Những lời kêu cầu khẩn thiết như vậy nhan nhản trên mạng xã hội, có thể từ các bệnh viện, đến những người dân bình thường. Họ kêu gọi trong tuyệt vọng khi người thân của họ mắc bệnh mà không được nhập viện, bệnh nhân bắt buộc phải điều trị tại nhà, trong tình trạng khó thở mà không có ôxy.
Người chết ở Ấn Độ nhiều đến mức không có chỗ hỏa táng, người dân chất củi hóa táng người thân
Hỏa hoạn tại Bệnh viện, 13 bệnh nhân COVID-19 tử vong
Một quan chức địa phương cho biết , một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại khu chăm sóc đặc biệt (ICU) của một bệnh viện ở bang Maharashtra, miền tây Ấn Độ đã khiến 13 bệnh nhân COVID-19 thiệt mạng.
Giám đốc điều hành của bệnh viện Vijay Vallabh- ông Dilip Shah, cho biết đám cháy ở tầng hai của bệnh viện đã được dập tắt, một số bệnh nhân phải thở ôxy đã được chuyển đến các bệnh viện gần đó nhưng 13 bệnh nhân nặng đã không qua khỏi. Bệnh viện xảy ra hỏa hoạn ở khu vực Virar, cách Mumbai khoảng 70 km về phía bắc. Ông Shah cho biết, khi đám cháy xảy ra, bệnh viện đang điều trị cho 90 bệnh nhân. Hiện nguyên nhân vụ cháy đang được điều tra.
Trước đó, vào ngày 21/4 tại Ấn Độ cũng xảy ra một vụ tai nạn khiến 24 bệnh nhân đang sử dụng máy thở tử vong. Nguyên nhân là do nguồn cung cấp ôxy của những bệnh nhân này bị gián đoạn do rò rỉ.. Vụ tai nạn xảy ra tại bệnh viện ở Nashik, bang Maharashtra.
Canada cấm các chuyến bay từ Ấn Độ, Pakistan
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Canada- Omar Alghabra cho biết, Canada đã cấm tất cả các chuyến bay từ Ấn Độ và Pakistan trong 30 ngày do làn sóng lây nhiễm COVID-19 đang gia tăng ở khu vực.
Lệnh cấm bắt đầu vào cuối ngày 22/4, vài giờ sau khi Ấn Độ thông báo số ca lây nhiễm kỷ lục trên toàn thế giới, đạt hơn 314.000 ca nhiễm mới trong 24 giờ. Các chuyến bay chở hàng từ Ấn Độ và Pakistan sẽ vẫn được tiếp tục lưu thông.
Tại Canada có hơn 1 triệu người gốc Ấn Độ sinh sống, trong khi người Canada gốc Pakistan chỉ có 100.000 người.
>>>>>>>> Xem thêm: COVID-19 và những thảm kịch tại Ấn Độ
Dịch bệnh bùng phát, Hongkong ngừng các chuyến bay từ Ấn Độ, Pakistan, Philippines
Một ngày hơn 200.000 ca COVID-19, Ấn Độ chật vật đối phó với tình trạng thiếu giường điều trị